Chân dung ông chủ chuỗi cầm đồ F88 Phùng Anh Tuấn

Trước khi được biết đến với vai trò là người điều hành F88, ông Phùng Anh Tuấn từng được đánh giá là một hacker “hạng nặng” trong giới công nghệ toàn quốc.

chan-dung-ong-chu-dung-sau-chuoi-cam-do-f88-antt-1678162251.PNG
Ông Phùng Anh Tuấn- Tổng Giám đốc F88. Ảnh: F88

Bị khám xét, F88 nói gì?

Thông tin việc CTCP Đầu tư F88 (F88) bị cơ quan chức năng khám xét hàng loạt trụ sở tại TP.HCM khiến không ít người ngỡ ngàng.

Các chi nhánh này chủ yếu tập trung tại các quận, huyện lớn như TP.Thủ Đức, các quận Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh... với trung bình 5-7 địa điểm.

Được biết, việc khám xét các chi nhánh của F88 để phục vụ công tác điều tra các hoạt động cho vay và cưỡng đoạt tài sản.

Trong thông cáo phát đi sáng 7/3, F88 cho biết, theo thông tin ban đầu, cơ quan chức năng đang làm việc để thu thập thông tin phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến một nhân sự của F88.

“F88 rất lấy làm tiếc về sự việc này. F88 là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cho vay bằng hình thức cầm cố tài sản được cấp phép theo đúng quy định của pháp luật. Tất cả hoạt động của F88 được dựa trên quy trình, quy định chặt chẽ của công ty, dựa trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật. F88 cam kết có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với các trường hợp nhân viên thực hiện không đúng quy trình của Công ty, không tuân thủ các quy định của pháp luật”, thông cáo nêu rõ.

Trước đó, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính nhiều điểm kinh doanh cầm đồ của chi nhánh Công ty F88 trên địa bàn.

Lý do lập biên bản vi phạm hành chính vì các điểm kinh doanh này đã vi phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội như lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh…

Theo cơ quan chức năng, quá trình làm thủ tục đăng ký cho người có nhu cầu thế chấp tài sản vay tín dụng, các cơ sở này yêu cầu khách hàng nộp thêm nhiều khoản phí như: phí thẩm định điều kiện cho vay (1,4%/tháng), phí quản lý tài sản cầm cố (dao động 2%-3%/tháng nếu để tài sản tại nơi cầm cố, 5%/tháng đối với người có nhu cầu mượn lại tài sản), phí đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo…

Chân dung ông chủ chuỗi cầm đồ F88

Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP kinh doanh F88 thành lập năm 2016, trụ sở tại tòa nhà N01A, số 275 Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội). 

Ông Phùng Anh Tuấn (SN 1984) hiện là Tổng Giám đốc của doanh nghiệp này. Ngoài ra, ông Tuấn cũng là đại diện Công ty CP Đầu tư F88 (F88 Invest)- công ty mẹ của Công ty CP Kinh doanh F88.

Ban đầu, F88 có quy mô vốn điều lệ 54,5 tỷ đồng; trong đó, CTCP Đầu tư F88 (F88 Invest) nắm chi phối, với tỷ lệ sở hữu lên tới 99,99% vốn điều lệ. 

Sau nhiều lần tăng vốn, cập nhật đến tháng 10/2022, F88 có vốn điều lệ gàn 567 tỷ đồng, thành phần cổ đông không được tiết lộ.

Về ông Phùng Anh Tuấn, trước khi được biết đến với vai trò là người điều hành F88, ông Tuấn từng được đánh giá là một hacker “hạng nặng” trong giới công nghệ toàn quốc.

Khi chưa đầy 20 tuổi, ông Tuấn đã lãnh đạo nhóm Viet hacker với số lượng thành viên chiếm đến một nửa số lượng hacker tại Việt Nam. Sau này, khi thành lập công ty an ninh mạng VSEC, Phùng Anh Tuấn và các đồng sự đã góp phần không nhỏ trong việc cảnh báo cho rất nhiều “đại gia” trong ngành CNTT như FPT, Cty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), Viettel Internet, Bộ Thương mại… để họ sửa lỗi trong hệ thống trước khi bị tấn công.

Ông Tuấn từng thừa nhận, cá nhân ông luôn thích làm những thứ mới mẻ, đột phá và có đóng góp cho xã hội. Năm 2003, khi thành lập Công ty An ninh mạng VSEC thì đây một startup trong lĩnh vực bảo mật hoàn toàn mới mẻ. Lúc đó, trung tâm là đơn vị đào tạo đầu tiên về An toàn thông tin ở Việt Nam. Tương tự, khi ông quyết định thành lập cầm đồ F88, cũng chưa có bất kì đơn vị nào làm chuyên nghiệp và giải quyết tốt bài toán này ở Việt Nam.

Về nguyên nhân khởi nghiệp dự án cầm đồ, doanh nhân Phùng Anh Tuấn cho biết, do những năm đầu thời sinh viên, ông đã khởi nghiệp mở công ty. Cuối tháng, sau khi trả chi phí lương cho nhân viên xong thì hết tiền hay doanh thu chưa bù được chi phí nên có những lúc ông phải mang đồ đi cầm cố. Ngay từ lúc đó, ông Tuấn đã nhận thấy cầm đồ là một kênh có thể huy động được tiền nhanh chóng để xử lý công việc trước mắt.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng là một trong những người tham gia phát triển mạng xã hội 'Made in Vietnam" Gapo. Mạng xã hội này do Công ty Cổ phần Công nghệ Gapo phát triển. Doanh nghiệp này  được thành lập ngày 17/6/2019 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Các cổ đông góp vốn bao gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn G (G-Group) 35%; Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ cao Việt SIFO 35% và ông Hà Trung Kiên – Tổng Giám đốc Gapo chiếm 30%.

Tại G-Group, ông Phùng Anh Tuấn góp 87% vốn. Mặc dù sau đó đã thoái hết vốn nhưng ông Tuấn vẫn giữ chức Chủ tịch của tập đoàn này.

Ngoài phát hành trái phiếu doanh nghiệp, F88 thực hiện thành công nhiều thương vụ gọi vốn trên thị trường.

Mới nhất, F88 huy động thành công 50 triệu USD (gần 1.200 tỷ đồng) từ hai quỹ đầu tư chính là Quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV) trong vòng gọi vốn Series C.

Quỹ Đầu tư Việt Nam-Oman là đơn vị liên doanh giữa Quỹ Dự trữ Quốc gia Vương quốc Oman (SGRF) tại Việt Nam với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước Việt Nam (SCIC). 

VOI được thành lập từ năm 2008, hoạt động trên cơ sở thỏa thuận và hỗ trợ của Chính phủ hai nước.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT