Chân dung ông Trần Mộng Hùng: Giảng viên kinh tế, sáng lập ngân hàng và những triết lý đưa ACB thành ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam
Ông Trần Mộng Hùng là giảng viên của Đại học Kinh tế TP HCM, trước khi trở thành doanh nhân nổi tiếng trong giới tài chính. Ông Hùng đã sáng lập và xây dựng ACB trở thành ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam, đồng thời, cũng là cố vấn giúp nhà băng này vực dậy sau những khó khăn hồi 2012.
Giới tài chính vừa đón tin buồn khi cựu chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) Trần Mộng Hùng từ trần hôm 25/4, hưởng thọ 72 tuổi. Cả cuộc đời doanh nhân Trần Mộng Hùng đã kinh qua nhiều vị trí, nhưng ở cương vị nào người sáng lập nhà băng cũng thể hiện được vốn kiến thức uyên bác, cùng triết lý làm việc đề cao con người.
Trong hơn 30 năm ACB hoạt động, nhà sáng lập Trần Mộng Hùng được biết đến như một lãnh đạo có tầm nhìn xa với tinh thần kinh doanh thượng tôn pháp luật, thực tiễn và hiệu quả. Theo ACB, ông Hùng điều hành bằng sự thận trọng, đặt tính minh bạch lên hàng đầu. Điều này trở thành phương thức kinh doanh đặc trưng, giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả, vững vàng trong mọi bối cảnh.
Ông cũng dẫn dắt nhà băng này vượt qua những giai đoạn khó khăn bằng sự lãnh đạo kết hợp hài hòa giữa ba quan điểm về quản trị, văn hóa doanh nghiệp và phát triển con người.
Từ nhà giáo đến người sáng lập nhà băng tỷ USD
Trước khi sáng lập ACB, ông Trần Mộng Hùng tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế TP HCM. Sau đó, trong giai đoạn từ năm 1978 đến 1980, ông trở thành giảng viên của Trường cao cấp Nghiệp vụ Ngân hàng.
Với vốn kiến thức về nghiệp vụ tài chính, ông Hùng sau đó quyết định rẽ hướng sang làm kinh tế với cương vị Phó giám đốc ở Công ty Hoá nhựa TP HCM. 8 năm sau, ông chuyển sang làm Trưởng phòng kinh doanh Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Tuy nhiên, đây cũng là công việc làm thuê cuối cùng của vị doanh nhân này, trước khi xây dựng ACB.
Đến 1993, ông Hùng bắt đầu xây dựng "đế chế" tài chính của riêng mình khi thành lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Ở thời điểm sở khởi của nhà băng, ông Hùng làm Tổng giám đốc, sau đó giữ ghế Chủ tịch HĐQT.
Trong thời gian ông Hùng ngồi "ghế nóng" ngân hàng, ACB là ngân hàng lớn mạnh nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần. Năm 2005, tổng tài sản của ngân hàng Á Châu là 24.272 tỷ đồng, bỏ xa vị trí thứ hai là Sacombank với 11.369 tỷ đồng. Thị phần huy động vốn và cho vay chiếm lần lượt 3,5%, 1,72% trong toàn ngành và 19,28%, 12,11% trong nội bộ hệ thống Ngân hàng thương mại cổ phần.
Nhà sáng lập cùng cộng sự của mình giúp ACB ghi dấu trên thị trường với loạt cột mốc như: ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên phát hành thẻ tín dụng quốc tế MasterCard (1996); ngân hàng đầu tiên thực hiện huy động và cho vay bằng vàng (1998); ngân hàng đầu tiên được kinh doanh vàng tại nước ngoài...
Sự phát triển của ngân hàng dưới sự lãnh đạo của ông Hùng đã thu hút được Standard Chartered Bank, tổ chức này trở thành cổ đông chiến lược của ACB vào năm 2005. Tháng 2/2006, vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Á Châu đã tăng lên hơn 1.100 tỷ đồng, vượt xa con số 20 tỷ ban đầu.
Cố vấn giàu kinh nghiệm sau thành công của con trai
15 năm sau ngày trở thành "thuyền trưởng" ACB, đến năm 2008, ông Hùng rời vị trí HDQT, lui về với vai trò cố vấn quản trị. Trước khi đảm nhiệm cương vị mới, trong hơn 15 năm đồng hành với ngân hàng, quy mô vốn điều lệ của Á Châu đã tăng lên hơn 1.100 tỷ đồng, vượt xa con số 20 tỷ ban đầu.
Song, đến năm 2012, bước ngoặt khiến vị doanh nhân này quay trở lại thương trường là đại án liên quan đến ACB và bầu Kiên.
Thời điểm đó, ACB là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần thuộc vào hàng "có số có má" nhất Việt Nam, với tổng tài sản được ghi nhận vào ngày 30/6/2012 là xấp xỉ 256.000 tỷ đồng. Thế nhưng, tròn một năm sau, con số này chỉ còn lại khoảng 169.000 tỷ đồng, hàng loạt những khó khăn khác như nợ xấu, thay đổi nhân sự cũng bủa vây ngân hàng.
Trong muôn trùng khó khăn, một cuộc thay đổi cấu trúc thượng tầng đã nhanh chóng diễn ra. Bộ máy quản trị của ACB có những thay đổi lớn. Lúc đó, ông Trần Mộng Hùng được các cổ đông lớn yêu cầu tham gia trực tiếp công việc quản trị, vực dậy ngân hàng. Song, đáp lại mong muốn đó, ông Hùng thận trọng trả lời: "Hỗ trợ được hay không trước mắt vẫn còn phải chờ".
Nhà sáng lập ACB lúc đó cho rằng: "Minh bạch, lành mạnh là con đường chúng tôi đã chọn. Còn khó khăn của ACB hiện nay là tạm thời. Vừa rồi ngân hàng có những vấn đề của nó. Yêu cầu đặt ra là phải làm sao xử lý được những tồn tại vừa qua, làm sao để ngân hàng thực sự chuyên nghiệp, bắt nhịp được sự phát triển của nền kinh tế".
Để giúp ngân hàng vực dậy khó khăn, ông Hùng trở lại thương trường nhưng không còn giữ ghế thuyền trưởng nhà băng, mà chọn làm thành viên HĐQT. Người được bổ nhiệm vào vị trí cao nhất - Chủ tịch HĐQT ngân hàng là ông Trần Hùng Huy - con trai ông. Khi đó ông Huy mới 34 tuổi, trở thành người trẻ nhất đảm đương vị trí Chủ tịch một nhà băng tại Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của cha, ông Huy nhanh chóng vực dậy ACB. Sau gần 12 năm nhìn lại, dưới sự lèo lái của vị chủ tịch trẻ, ACB đã đứng dậy từ cú ngã sinh tử, giữ vững vị thế là một trong những nhà băng tư nhân hàng đầu Việt Nam.
Giai đoạn năm 2013 đến năm 2016, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ổn định sau sự cố. Đến năm 2017, ACB đạt 2.656 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gần 60% so với năm 2016.
Sang đến năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB tăng tới 140%, đạt 6.389 tỷ đồng. Cuối năm 2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt 607.875 tỷ đồng, tăng gần 3,5 lần sau 10 năm dưới sự điều hành của ông Trần Hùng Huy.
Trước khi qua đời hôm 25/4, nhà sáng lập ACB giữ vị trí Phó Chủ nhiệm Ủy ban quản lý rủi ro và không nắm giữ cổ phần nào tại ngân hàng này. Con trai ông - Chủ tịch Trần Hùng Huy sở hữu hơn 133 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 3,43% cổ phần. Còn bà Đặng Thị Thu Thủy- vợ ông Hùng, nắm giữ hơn 46,39 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng 1,19% vốn ngân hàng.
Trong ngày ra đi của ông Trần Mộng Hùng - người cha, người cố vấn và cũng là người đồng nghiệp tại ACB, Chủ tịch Trần Hung Huy viết:
"Tạm biệt Ba của con.
Cuộc đời con điều may mắn lớn lao được là con của Ba - tượng đài lớn, người hùng của con, người thầy trọn đời của con.
Một đời Ba không nguôi cực khổ tận tâm huyết với công việc, nhưng người thân của Ba ai cũng thấu hiểu rằng: gia đình với Ba mới là trên hết. Ba nghiêm khắc, nhưng Ba cũng yêu thương, tôn trọng và động viên con tự do, tự lập chọn con đường, cách sống của mình. Ba đồng cảm và thấu hiểu mỗi vấp ngã của con. Ba kiên nhẫn chỉ dạy từng chút một về cuộc đời, về thế thái nhân tình, về nguyên tắc kinh doanh, về đối nhân xử thế. Ba dạy con sự chính trực để sống, nghĩ suy, ra quyết định, giao kết v đồng hành trong kinh doanh.
Nhưng có lẽ giản đơn nhất, Ba là Ba của con!
Con đường Ba dẫn con đi, con sẽ còn tiếp tục. Hành trình của Ba, sẽ có con cháu sau này tiếp nối…"