Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Chân dung Tập đoàn Hoành Sơn muốn làm dự án hơn 3.400 tỷ tại Quảng Trị

Phạm Thị Tâm

Mặc dù các doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của Tập đoàn Hoành Sơn đang triển khai nhiều dự án lớn nhưng đa số đang trong tình trạng dang dở.

chan-dung-tap-doan-hoanh-son-muon-lam-du-an-hon-3400-ty-tai-quang-tri-antt-1679904186.PNG
Nhiều dự án nghìn tỷ của Tập đoàn Hoành Sơn đang trong tình trạng dang dở. Ảnh minh họa

Vừa qua, thông tin về việc liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn - Công ty TNHH Nhà máy điện Xekong muốn làm dự án cụm cảng hơn 3.400 tỷ đồng tại Quảng Trị thu hút sự chú ý của dư luận.

Trong liên danh này, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Tập đoàn Hoành Sơn) là đáng chú ý hơn cả.

Theo dữ liệu tại Cổng đăng ký thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn (trụ sở chính đóng tại tổ dân phố Thuận Minh, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) được thành lập ngày 19/1/2001 do ông Phạm Hoành Sơn- Chủ tịch HĐQT công ty làm người đại diện pháp luật.

Công ty hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực như: Thương mại xi-măng, quặng; xây dựng và đầu tư; dịch vụ đường biển; khai thác tàu biển, các tuyến vận tải hàng hóa đường bộ từ các nước lân cận như Lào, Indonesia; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; sản xuất phân bón; điện mặt trời...

Tháng 7/2014, vốn điều lệ Hoành Sơn Group ở mức 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm ông Phạm Hoành Sơn sở hữu 94%; bà Nguyễn Thị Hằng Nga sở hữu 4% và ông Phạm Ngọc Hà sở hữu 2% còn lại.

Đến tháng 6/2016, vốn điều lệ Hoành Sơn Group được nâng lên 2.500 tỷ đồng; cơ cấu cổ đông cũng có sự thay đổi khi ông Phạm Ngọc Hà chuyển nhượng 1% cổ phần cho ông Phạm Hoành Sơn và 1% cổ phần còn lại cho cổ đông mới là ông Nguyễn Tiến Ngọc.

Tuy nhiên, vốn điều lệ Hoành Sơn Group giảm còn 1.000 tỷ đồng (năm 2018) và sau đó lại được điều chỉnh về mức 2.000 tỷ đồng đến tháng 9/2020.

Hiện nay doanh nghiệp đang đầu tư hàng loạt dự án nghìn tỷ trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Đồng Nai,... như: dự án cấp nước cho khu kinh tế Vũng Áng 4.415 tỷ đồng, cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn 1.410 tỷ đồng, nhà máy bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh 1.200 tỷ đồng, nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên 1.458 tỷ đồng, Dự án cảng Phước An, dự án Cảng tổng hợp quốc tế tại Vũng Áng, trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê tại TP.Hà Tĩnh.

Mặc dù các doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của Tập đoàn Hoành Sơn đang triển khai nhiều dự án lớn nhưng đa số đang trong tình trạng dang dở.

Có thể kể đến Dự án cảng Phước An (Đồng Nai) có tổng diện tích lên tới 733,4 ha (183 ha khu cảng và 550,4 ha khu dịch vụ hậu cần cảng), với tổng vốn đầu tư 17.571,36 tỷ đồng. Dự án được triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Theo tìm hiểu, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (MCK: PAP) là doanh nghiệp dự án, chủ đầu tư của Dự án cảng Phước An. Tính tới 31/12/2021, Cảng Phước An có hai cổ đông lớn là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn (công ty con của Tập đoàn Hoành Sơn) sở hữu 44% vốn điều lệ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu 23,33% vốn điều lệ, còn lại 32,67% vốn điều lệ thuộc về cổ đông khác. Tuy nhiên, Báo cáo quản trị PAP cho thấy, Tập đoàn Hoành Sơn đã bán Công ty TNHH MTV Hoành Sơn cho Tập đoàn Tuấn Lộc.

Hay như dự án Cảng tổng hợp Quốc tế Hoành Sơn (cầu cảng số 4) tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng (Hà Tĩnh) với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng (trong đó vốn của chủ đầu tư là 528 tỷ đồng, hơn 970 tỷ đồng là vốn vay từ các nguồn khác) của Tập đoàn Hoành Sơn cũng đang chậm tiến độ.

Đây là dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 5/2015 với công suất khai thác 2.300.000 tấn/năm tại khu dịch vụ hậu cảng, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thuộc KKT Vũng Áng. Thời gian hoạt động dự án là 70 năm.

Sau khi điều chỉnh tiến độ, dự án được kỳ vọng sẽ hoạt động trước tháng 6/2021 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Trong một báo cáo gửi Ban quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần cảng Hoành Sơn cho rằng, việc dự án chậm tiến độ là do những yếu tố khách quan như thời tiết khu vực thi công không thuận lợi, các thủ tục pháp lý trong quá trình thi công dự án gặp nhiều khó khăn, mất thời gian chờ đợi, người dân cản trở việc thi công, ảnh hưởng dịch COVID-19...Ngoài ra, phía Hoành Sơn cũng thừa nhận việc dự án chậm tiến độ là do gặp khó khăn về nguồn vốn nên việc thi công bị ảnh hưởng nhiều.

Đến đầu năm 2023, dự án mới chỉ thi công đạt tiến độ hơn 85%, trong đó, Tập đoàn Hoành Sơn đã hoàn thành các hạng mục: tôn tạo, đổ bê tông bãi chứa hàng và đường giao thông nội bộ rộng 8 ha, bến cập tàu dài 330m rộng 33m. Dự kiến, tháng 6/2023, Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn sẽ đi vào vận hành khai thác sử dụng.

Cũng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, hiện Tập đoàn Hoành Sơn đang thực hiện dang dở nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn như: dự án Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh với tổng mức đầu tư dự kiến 1.230 tỷ đồng; dự án tòa nhà trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê, khách sạn tiêu chuẩn 4 sao và tòa nhà 18 tầng tại TP.Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư tư hơn 220 tỷ đồng;...

Về tình hình kinh doanh, trong năm 2020, mặc dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng Tập đoàn Hoành Sơn vẫn đạt mức tăng trưởng khá với doanh thu đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng 200% so với năm 2019.

Cũng trong năm này, Hoành Sơn đã “mạnh tay” đầu tư 50 xe đầu kéo, 3 tàu vận tải biển tải trọng 80.000 tấn/chiếc và 1 xà lan để chủ động trong việc vận chuyển các đơn hàng thay cho phải hợp đồng thuê tàu như trước đây.

Bạch Hiền (t/h)