Chấp nhận bỏ mác ‘tập đoàn toàn cầu’, bán bớt tài sản, một ông trùm Trung Quốc ‘thoát chết’ trong gang tấc dù BĐS đang rơi tự do
Hầu hết các nhà phát triển bất động sản không thể thoát khỏi làn sóng phá sản, song riêng công ty này thì có.
Tám năm trước, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Wang Jianlin – người giàu nhất Trung Quốc lúc bấy giờ đã được MC ngỏ ý xin lời khuyên để trở thành tỷ phú. Khi đó, ông trả lời như sau: “Đầu tiên, bạn hãy đặt ra cho mình một mục tiêu nhỏ, chẳng hạn như kiếm được 100 triệu nhân dân tệ”.
Tuy nhiên, trong những năm qua, khủng hoảng kinh tế đã khiến khối tài sản ước tính trị giá 215 tỷ nhân dân tệ hồi năm 2016 của ông Wang giảm xuống còn 30 tỷ nhân dân tệ (4,1 tỷ USD) vào năm 2023. Đế chế Wanda do ông xây dựng cũng buộc phải thu nhỏ quy mô, từ một tập đoàn có tầm ảnh hưởng toàn cầu trở thành công ty chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa và bất động sản thương mại sau khi bán một loạt tài sản để trả nợ.
Thăng trầm của Wang và công ty của ông chính là câu chuyện nguyên mẫu về cách một doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh ‘trôi dạt’ theo chu kỳ chính sách chung của Trung Quốc. Tang Dajie, nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Đây là một trường hợp rất hay để xem xét. Công ty này đã sống sót qua nhiều đợt điều chỉnh trong lĩnh vực bất động sản”.
Trong thập kỷ vừa qua, lĩnh vực bất động sản Trung Quốc rơi tự do từ đỉnh. Thế nhưng, trong khi các tập đoàn kinh doanh khổng lồ như Evergrande sụp đổ vì nợ nần chồng chất, Wanda vẫn sống tốt nhờ chủ trương chuyển đổi mô hình kinh doanh sớm.
Khoảng năm 2015 được coi là thời kỳ hoàng kim của Wanda. Trong bối cảnh đô thị hóa tăng trưởng nhanh chóng, công ty mua được một khu đất lớn và phát triển nơi đây trở thành khu phức hợp thương mại, khu dân cư, khách sạn và công viên giải trí chỉ trong vòng 18 tháng.
“Thật không thể tin được là dự án này đã phát triển nhanh đến mức nào. Tốc độ thật phi thường. Tôi đã bị choáng ngợp bởi điều đó”, một chuyên gia cho biết.
Sau khi mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng du lịch, giải trí và thể thao, Wanda bắt đầu đẩy mạnh vay ngân hàng để thực hiện các thương vụ mua lại trên khắp thế giới. Công ty đã sẵn sàng để trở thành gã khổng lồ về phong cách sống toàn cầu, sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng với các dự án đầy tham vọng.
Đến năm 2014, đầu tư ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc tăng gấp 45,6 lần so với năm 2002.
“Tôi đã tự kiếm được tiền. Tôi đầu tư vào bất cứ nơi nào tôi thích”, ông Wang nói trong một diễn đàn.
Đến năm 2017, trong bối cảnh dòng vốn ngoại hối ồ ạt chảy ra nước ngoài, Bộ trưởng Thương mại lúc đó công khai cảnh báo về “các khoản đầu tư mù quáng” của nhiều công ty Trung Quốc. Một số ngân hàng theo đó vội đưa ra chỉ thị, yêu cầu Wanda hoàn trả các khoản vay trước đó. Động thái này chính là nguồn cơn khiến công ty của ông Wang buộc phải bán tài sản để duy trì hoạt động.
Trong cuộc họp thường niên năm 2018, Wang cho biết, năm 2017, Wanda lỗ 11,5% tổng tài sản, chủ yếu do bán 13 dự án văn hóa, du lịch và 77 khách sạn ở Trung Quốc. Nhiều tài sản ở nước ngoài cũng bị thanh lý.
Khoản nợ tăng vọt trong những năm tiếp theo, khi giấc mơ hủy niêm yết khỏi Hồng Kông và quay trở lại thị trường chứng khoán hạng A ở Trung Quốc tan vỡ. Thị trường bất động sản bắt đầu đi xuống còn đại dịch COVID-19 tấn công loạt trung tâm thương mại.
Theo nhà nghiên cứu Tang ở Bắc Kinh, Wang là một trong những ông trùm bất động sản đầu tiên gặp rắc rối, cũng là một trong số ít những cái tên còn sống sốt sau các cuộc điều chỉnh.
“Giống như Hui Ka Yan, hầu hết các nhà phát triển bất động sản không thể thoát khỏi làn sóng phá sản vì tài sản của họ quá lớn”, ông Tang nói.
Theo Sun Liping, giáo sư tại đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, quyết định bán bớt tài sản chứng tỏ ông Wang có tầm nhìn xa và đón đầu tốt. Ông biết mình có thể và không thể kiểm soát điều gì.
“Ông ấy đã hành động khi người khác do dự”, Sun Liping nói.
Mới đây nhất, vào tháng 3, một nhóm các nhà đầu tư bao gồm tập đoàn đầu tư cổ phần tư nhân tập trung vào châu Á PAG, Citic Capital và Ares Management đã đồng ý bơm 60 tỷ nhân dân tệ (8,3 tỷ USD) vào đơn vị Quản lý thương mại Newland của Wanda.
“Thật khó để nói Wanda sẽ đi đâu về đâu trong tương lai. Nhưng hiện tại, có vẻ như nó đang ở vị trí tương đối an toàn hơn so với các công ty khác trong ngành”, Tang từ Viện Doanh nghiệp Trung Quốc cho biết thêm.
Theo SCMP, ông Wang là một trong số ít các nhà tài phiệt hoan nghênh chỉ thị quan trọng của chính phủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế tư nhân. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết bản thân cảm thấy rất phấn chấn. “Khi niềm tin kinh doanh vẫn ở mức thấp, chỉ thị này đã mang đến một cơn mưa sảng khoái cho nền kinh tế tư nhân vốn đang trong giai đoạn khó khăn. Chúng tôi tràn đầy niềm tin vào tương lai”, ông nói trong tuyên bố.
Chen Zhiwu, giáo sư tài chính tại Đại học Hồng Kông, cho biết: “Ở Trung Quốc, chính sách của chính phủ luôn rất quan trọng đối với các công ty tư nhân, cả khi họ đang trên đà phát triển hay đang trên đà suy thoái. Bây giờ, nhiều doanh nhân tư nhân hiểu rằng cải cách kinh tế và chính trị phải đi đôi với nhau; không có cái này thì cái kia không thể tồn tại lâu dài”.
Được biết, Wang Sicong, con trai duy nhất của ông Wang, trước đó đã công khai từ chối tiếp quản công việc kinh doanh của cha. Hiện anh vẫn nắm cổ phần kiểm soát tại 47 công ty, chủ yếu hoạt động trong lĩnh thể thao, giải trí và tư vấn.
Theo: SCMP