Chi hơn 300 tỷ, công ty con của Novaland trở thành cổ đông lớn của tổng công ty sở hữu nhiều bất động sản tại TP.HCM và Hà Nội
Trước khi trở thành cổ đông lớn, Novaland và Seaprodex cũng đã bắt đầu hình thành những mối liên hệ với nhau.
Ngày 4/12, CTCP Nova Hospitality - công ty con của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) đã hoàn tất mua 17,6 triệu cổ phiếu SEA của tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex). Sau giao dịch, Nova Hospitality đã nâng sở hữu tại Seaprodex từ 5,6 triệu đơn vị (tương đương 4,52% vốn) lên 23,3 triệu đơn vị (tương đương 18,6% vốn), qua đó chính thức trở thành cổ đông lớn của Seaprodex.
Trong ngày 4/12, cổ phiếu SEA đã xuất hiện giao dịch thỏa thuận 17,6 triệu đơn vị với tổng giá trị 330 tỷ đồng. Như vậy, Nova Hospitality đã mua mỗi cổ phiếu SEA với giá khoảng 18.700 đồng/cp, thấp hơn thị giá mã này trên sàn. Nova Hospitality cũng sẽ là cổ đông lớn thứ hai của Seaprodex sau SCIC.
Trước đó, vào ngày 1/12, SEA cũng có giao dịch thoả thuận 5,6 triệu cổ phiếu tương đương 105,6 tỷ đồng (giá mua 18.700 đồng/cp). Tổng khối lượng thoả thuận 2 ngày 1/12 và 4/12 của SEA đúng bằng số cổ phần Nova Hospitality mua và nắm đến nay.
Seaprodex trong thời gian gần đây có một số mối liên kết với Novaland. Cụ thể, hồi cuối tháng 9, công ty thủy sản này đã tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường ngay tại Clubhouse PGA Novaworld Phan Thiết để thay thế 2 thành viên HĐQT. Trong tháng 11, Seaprodex thay đổi nhân sự cấp cao khi bà Lương Thị Thu Hương (Giám đốc pháp lý Novaland) được bổ nhiệm thêm chức Phó Tổng Giám đốc.
Seaprodex được thành lập từ năm 1978, từng là anh cả trong ngành thủy sản nước nhà trước khi có sự vươn lên của các công ty tư nhân. Tổng công ty hiện có vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng và giá trị vốn hóa thị trường gần 2.900 tỷ đồng. Doanh nghiệp này có ngành nghề kinh doanh chính liên quan đến các hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản, cùng với một số mảng khác như thức ăn chăn nuôi, bất động sản...
Ngoài hoạt động cốt lõi, Seaprodex còn được nhắc đến như doanh nghiệp sở hữu nhiều đất vàng với khu đất trụ sở chính nằm tại số 2-4-6 Đồng Khởi, Quận 1, TP.HCM. Tổng công ty còn có chi phí xây dựng cơ bản dở dang là mua quyền sử dụng đất khách sạn Blue Sapphire Vũng Tàu, dự án số 2 Ngô Gia Tự Hà Nội...
Seaprodex đã được nhiều người nhắc tới hồi đầu năm nay khi vào ngày 11/5, doanh nghiệp này nhận được văn bản của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - Eximbank Lái Thiêu về việc phong tỏa các tài khoản tiền gửi tiết kiệm theo yêu cầu của Tổng cục thi hành án dân sự – Cục thi hành án Dân sự thành phố Hà Nội với tổng số tiền đề nghị phong tỏa hơn 267 tỷ đồng.
Các tài khoản của tổng công ty đã bị phong tỏa vào chiều ngày 10/5 với số tiền bị phong tỏa hơn 206 tỷ đồng (do đã có 3 tài khoản tiền gửi đã tất toán).
Nguyên nhân Seaprodex bị phong tỏa tài sản có liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"). Theo quyết định thi hành án chủ động của ban hành ngày 27/2/2020, Seaprodex buộc phải nộp số tiền hơn 268 tỷ đồng (gồm 250 tỷ đồng tiền gốc và hơn 18 tỷ đồng lãi vay) vay từ CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để đảm bảo cho việc thi hành án đối với nghĩa vụ của pháp nhân, trách nhiệm dân sự của Phan Văn Anh Vũ trong vụ án này và các giao dịch khác có liên quan.
Về tình hình kinh doanh của Seaprodex, quy mô doanh thu mỗi năm của công ty này bình quân hơn 1.000 tỷ đồng và có lãi khoảng 200-300 tỷ đồng/năm.
Trong quý 3/2023, Seaprodex ghi nhận doanh thu 187 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm mạnh hơn cùng doanh thu tài chính tăng, công ty này bão lãi ròng đạt gần 62 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước.