Chi phí tăng cao, Digiworld lãi ròng 93 tỷ đồng trong quý I/2024

Dù ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ 5.000 tỷ đồng nhưng do các loại chi phí tăng cao đã "bào mòn" lãi ròng quý I/2024 của Digiworld còn 93 tỷ đồng.

CTCP Thế Giới Số (Digiworld, mã: DGW) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với doanh thu thuần 4.985 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Trừ đi giá vốn, DGW lãi gộp hơn 388 tỷ đồng, tăng 49%.

Các ngành hàng đều ghi nhận tăng trưởng, lần lượt hàng tiêu dùng tăng 53%, thiết bị văn phòng tăng 48%, điện thoại di động tăng 29% (đóng góp 49% tổng doanh thu), thiết bị gia dụng tăng 27% và máy tính xách tay & máy tính bảng tăng 4% (đóng góp 23% tổng doanh thu).

Trong kỳ, các loại chi phí tăng cao như chi phí bán hàng tăng 81% lên 214 tỷ đồng, bên cạnh chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 20% lên 55 tỷ đồng.

Kết quả, DGW lãi ròng hơn 93 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng 16% và thực hiện 19% kế hoạch năm.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 ngày 25/4, ban lãnh đạo DGW xác định mục tiêu kinh doanh năm 2024 tham vọng với doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt đạt 23.000 tỷ đồng và 490 tỷ đồng, tăng 22% và 38% so với con số thực hiện năm 2023.

chi-phi-tang-cao-digiworld-lai-rong-93-ty-dong-trong-quy-i-2024-2-1714350251.png
Nguồn: DGW

Về cơ cấu doanh thu, trọng tâm vẫn sẽ là mảng điện thoại di động khi mang về 8.700 đồng (tăng 8%) và mảng máy tính xách tay, máy tính bảng mang về 6.550 tỷ đồng (tăng 11%). Các hoạt động còn lại gồm thiết bị văn phòng, thiết bị gia dụng, hàng tiêu dùng lần lượt tăng 60%, 44% và 78%. 

Tại thời điểm cuối quý I/2024, DGW ghi nhận hơn 6.902 tỷ đồng tổng tài sản, giảm 8% so đầu năm, chủ yếu do các khoản tương đương tiền giảm gần 60%, chỉ còn gần 518 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm nhẹ còn 2.945 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối tài chính, tổng nợ phải trả giảm14% so với đầu năm còn 4.183 tỷ đồng. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn giảm đáng kể 28% chỉ còn hơn 1.117 tỷ đồng. Theo dữ liệu được DGW thuyết minh, phần phải trả cho nhà cung cấp như Asus Global Pte Ltd, Xiaomi H.K Limited và phải trả nhà cung cấp khác đều ghi nhận sụt giảm.

Một khoản mục khác cũng giảm mạnh là chi phí phải trả ngắn hạn sụt 60% còn gần 102 tỷ đồng, chủ yếu do chiết khấu thương mại và chi phí hoạt động, hỗ trợ bán hàng giảm.

Tổng vay nợ tài chính ở mức 2.388 tỷ đồng, trong đó hầu hết là vay ngân hàng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT