Chi thù lao cho cộng tác viên giới thiệu khách vay và giải ngân mạnh quý IV, PGBank báo lỗ 4,6 tỷ đồng

PG Bank là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính, với khoản lỗ 4,6 tỷ đồng trong quý IV.

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển Việt Nam (PG Bank - Mã: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính với khoản lỗ sau thuế 4,6 tỷ đồng trong quý IV/2023, giảm 99,5 tỷ đồng (tương đương 105%) so với cùng kỳ năm ngoái. 

Lũy kế cả năm 2023, ngân hàng thu về lợi nhuận sau thuế là 283,5 tỷ đồng, giảm 29,8% so với 2022.

Theo giải trình của PGBank, nguyên nhân giảm lợi nhuận chủ yếu do giảm lãi suất cho vay khách hàng theo chủ trương của Chính phủ, trong khi chi phí huy động chưa giảm do có độ trễ và tăng trưởng tín dụng của PGBank tập trung vào tháng cuối năm 2023.

Phù hợp với giải trình của nhà băng, tính đến cuối năm 2023, cho vay khách hàng tăng tới 21,6% so với đầu năm. Trước đó vào cuối quý III, cho vay khách hàng mới chỉ tăng 4,9%, cho thấy, phần lớn tăng trưởng tín dụng tập trung vào quý IV/2023.

Một nguyên nhân giảm lợi nhuận đáng chú ý khác được PGBank đưa ra là do ngân hàng chi trả thù lao cho cộng tác viên giới thiệu khách hàng vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng làm cho chi phí hoạt động dịch vụ tăng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, chi phí hoạt động dịch vụ của PG Bank vào năm 2023 đã tăng hơn 68%, chủ yếu do tăng chi phí hoa hồng, môi giới, từ 4,1 tỷ đồng vào năm 2022 lên 28,7 tỷ đồng trong năm 2023.

Chi thù lao cho cộng tác viên giới thiệu khách vay và giải ngân mạnh quý IV, PGBank báo lỗ 4,6 tỷ đồng - Ảnh 1.

PGBank tổ chức đêm nhạc kỷ niệm 30 năm và ra mắt nhận diện thương hiệu mới

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của PG Bank đạt 55.495 tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng nhanh trong quý IV, đạt 905 tỷ đồng vào cuối năm 2023, so với 796 tỷ đồng vào cuối quý III. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu giữ nguyên ở mức 2,56% (giảm nhẹ so với quý III/2023) nhờ dư nợ cho vay khách hàng tăng nhanh.

Trước đó, vào tháng 12 năm 2023, PGBank đã thay đổi nhận diện thương hiệu cùng tên gọi mới là Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển. Sau khi đổi tên, PGBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ. Hiện với mức 3.000 tỷ đồng, PGBank đang là ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống.

Đầu tháng 1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank).

Theo đó, PG Bank sẽ được tăng vốn điều lệ tối đa thêm 1.200 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo Phương án tăng vốn điều lệ được Đại hội đồng cổ đông bất thường 2023 thông qua.

Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của PGBank sẽ tăng từ mức 3.000 tỷ đồng hiện tại lên 4.200 tỷ đồng. 




Trọng Nghĩa

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT