Chỉ với dự án hơn 1 tỷ USD, một quốc gia leo 59 bậc, lọt TOP 10 nền kinh tế rót vốn FDI vào Việt Nam cao nhất 6 tháng 2025
Đây là một trong những nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1969.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh vốn và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Cụ thể, có 1.988 dự án đầu tư mới (tăng 21,7% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký mới đạt gần 9,3 tỷ USD. Có 826 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 31,1% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 8,95 tỷ USD (gấp 2,2 lần cùng kỳ). Ngoài ra, có 1.708 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 7,6% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên 3,28 tỷ USD (tăng 73,6% so cùng kỳ).
Xét theo đối tác đầu tư, đã có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 4,6 tỷ USD, chiếm hơn 21,4% tổng vốn đầu tư, giảm 24,8% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 3 tỷ USD, chiếm gần 14,3% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia với số vốn lần lượt là 2,55 tỷ USD; 2,15 tỷ USD và 1,59 tỷ USD.
Đáng chú ý, cũng trong 6 tháng đầu năm 2025, Thụy Điển ghi nhận mức tăng đột biến, tăng 59 bậc với dự án cấp mới lớn trong tháng 6 là Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester (tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD) đầu tư lĩnh vực sản xuất polyester tái chế, tái chế phế liệu dệt may thành hạt nhựa tại Khu kinh tế Nhơn Hội tỉnh Gia Lai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án tổ hợp sản xuất tái chế vải polyestergiữa Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng và bà Susanna Campbell, Chủ tịch Tập đoàn Syre. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bình Định).
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 30,1%, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 18,5%) và số giao dịch GVMCP (chiếm 26,5%).
Thụy Điển hiện đứng thứ 29/149 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam
Là một trong những nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1969, Thụy Điển tích cực ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất và xây dựng phát triển đất nước.
Quan hệ Việt Nam-Thụy Điển đến nay tiếp tục phát triển tích cực. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 đạt 1,48 tỷ USD. Thụy Điển hiện đứng thứ 29/149 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 111 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 743,39 triệu USD.
Hiện có khoảng hơn 70 doanh nghiệp Thụy Điển đang hoạt động tại Việt Nam, như Ericsson, ABB, IKEA, Electrolux, Volvo, H&M. Ở chiều ngược lại, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Thụy Điển còn khiêm tốn, với 3 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đạt gần 1 triệu USD.
Vào tháng 6/2025, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thụy Điển của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Việt Nam và Thụy Điển đã thống nhất nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược ngành trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo và nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, năng lượng hạt nhân, bán dẫn, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số..., tăng cường liên kết đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại cuộc hội đàm, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển của mỗi nước. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson chúc mừng những thành tựu to lớn của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế thời gian qua.
Thủ tướng Thụy Điển chia sẻ Thụy Điển rất tự hào khi Tập đoàn Ericsson có mặt ở Việt Nam từ rất sớm và cùng đồng hành với Việt Nam trong công nghệ thông tin và viễn thông. ĐỒng thời khẳng định Chính phủ và nhân dân Thụy Điển luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững…
Trên nền tảng "quá khứ hào hùng, tương lai tươi sáng", hai Thủ tướng khẳng định đây là thời điểm để Việt Nam và Thụy Điển làm mới quan hệ và hướng đến nâng quan hệ lên tầm cao mới. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hai nước cần tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao và giao lưu nhân dân nhằm tăng cường tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, tạo tiền đề thuận lợi để mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Thủ tướng cho rằng trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, hai nước cần tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh, chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm về các vấn đề toàn cầu đặc biệt trong tình hình bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng và khó lường. Hai bên cũng nhất trí tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế, đặc biệt tại Liên hợp quốc, khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU); hỗ trợ nhau thúc đẩy quan hệ Việt Nam - EU và Thụy Điển - ASEAN, đóng góp vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu.
Thủ tướng cho rằng Thụy Điển và Việt Nam là hai nền kinh tế có thể hỗ trợ lẫn nhau khi Thụy Điển có những thế mạnh về công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Việt Nam có nguồn lao động, có thị trường hơn 100 triệu dân và là cửa ngõ tới một thị trường năng động và trẻ hơn với khoảng 700 triệu dân là ASEAN.
Trong hợp tác thương mại - đầu tư, hai bên khẳng định sẽ tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa mỗi nước tiếp cận thị trường của nhau thông qua việc triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), qua đó tiếp cận thị trường EU và ASEAN và phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 3 tỷ USD trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Thụy Điển thúc đẩy các nước thành viên còn lại của EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) và ủng hộ Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp Thụy Điển tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam như đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, số và tuần hoàn, năng lượng tái tạo, quy hoạch đô thị…
Hoàng Nguyễn