Chiến lược phát triển nhân lực ngành bán dẫn nhìn từ hợp tác của Tập đoàn FPT và Asia University
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong cuộc cách mạng bán dẫn toàn cầu, nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Bối cảnh này thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế trong đào tạo, giảng dạy... để cung ứng nhân sự đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp bán dẫn được ví như "trái tim" của nền kinh tế số, đóng vai trò chiến lược trong mọi lĩnh vực phát triển công nghệ. Hiện tại đang là thời điểm vàng để Việt Nam bứt phá trong chuỗi giá trị toàn cầu – với điều kiện tiên quyết là phát triển nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao.
Phát biểu tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn vào cuối tháng 4/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Tại Quyết định số 1017/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” công bố tháng 9/2024, Việt Nam đặt mục tiêu có 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó, có ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh.
Trên bình diện quốc tế, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, ngành bán dẫn toàn cầu cũng đang thiếu hụt hàng trăm nghìn kỹ sư. Do đó, nhiều quốc gia và tập đoàn lớn đã mở rộng tuyển dụng tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Điều nãy đã thúc đẩy các mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn với sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.
Trong bối cảnh trên, ngày 19/4, Viện Đại học Quốc tế FPT (thuộc Tập đoàn FPT) tổ chức Hội thảo "Phát triển nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam và toàn cầu - Thông qua liên kết giáo dục và doanh nghiệp" với sự tham dự của các chuyên gia công nghệ, tổ chức giáo dục và đông đảo các bậc phụ huynh quan tâm tới việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn.

Ký kết biên bản ghi nhớ giữa VCCorp, Asia University và Tập đoàn FPT trong việc thúc đẩy “Phát triển nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam và toàn cầu". Ảnh Tuấn Việt
Theo TS. Hoàng Việt Hà, Viện trưởng Viện Đại học quốc tế FPT: "Trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành trụ cột chiến lược của nền kinh tế số toàn cầu, việc lựa chọn đúng nơi, đúng thời điểm để học tập có thể xem là yếu tố then chốt giúp người trẻ nắm bắt cơ hội nghề nghiệp tương lai".
Trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) đang là một trong những trung tâm công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới, nơi quy tụ các tập đoàn lớn như TSMC, MediaTek và sở hữu hệ sinh thái đào tạo gắn kết chặt chẽ giữa đại học và doanh nghiệp. Du học ngành bán dẫn tại Đài Loan có nhiều lợi thế như chương trình đào tạo chất lượng cao, bằng cấp quốc tế được công nhận toàn cầu, học phí hợp lý, cơ hội thực tập và làm việc ngay tại các tập đoàn hàng đầu trong ngành; chưa kể yếu tố địa lý và gần gữi về văn hóa...
Đồng thời, ông Việt Hà chính thức công bố khai trương Asia University Vietnam – chương trình hợp tác quốc tế về đào tạo các ngành Kinh doanh Công nghệ tại Việt Nam giữa Trường Đại học FPT (Tập đoàn FPT) và Đại học Asia - Asia University (Đài Loan -TQ).

Ông Vũ Anh Tú – Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT chia sẻ về cơ hội và thách thức với sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Ảnh Tuấn Việt
Đại diện Tập đoàn FPT, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ chia sẻ, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong cuộc cách mạng bán dẫn toàn cầu, nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh ngành bán dẫn toàn cầu dự kiến đạt quy mô 1.000 tỷ USD vào năm 2030, Việt Nam cần đào tạo 50.000–100.000 kỹ sư để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Nhân hội thảo này, ông Tú chia sẻ thêm về tầm nhìn của FPT trong việc xây dựng hệ sinh thái bán dẫn hoàn chỉnh, từ thiết kế đến R&D. Trong đó, FPT vừa khai trương trung tâm R&D tại Đà Nẵng – hướng đến trở thành “Silicon Bay” của khu vực.
“Việc hợp tác giữa Trường Đại học FPT và Asia University là một bước đi chiến lược của Tập đoàn FPT nhằm phát triển nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao, hướng đến mục tiêu toàn cầu”, ông Vũ Anh Tú nói
"Không thể mãi đi sau, đây là thời điểm vàng để bứt tốc"
Phát biểu tại sự kiện, từ góc độ chia sẻ với các phụ huynh và thí sinh đang quan tâm tới ngành bán dẫn, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, bán dẫn là ngành công nghiệp lõi của công nghệ thông tin, đóng vai trò cốt lõi trong mọi sản phẩm điện tử, từ điện thoại, máy tính, đến xe điện, thiết bị y tế và quốc phòng. Trong đó, sự phát triển của ngành này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn tác động lớn đến khả năng làm chủ công nghệ và an ninh quốc gia.
Ông Thịnh thông tin, Việt Nam đang được Hoa Kỳ xác định là quốc gia có tiềm năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất chip toàn cầu. Đây là cơ hội chưa từng có, giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ hiện đại, đẩy mạnh chuyển giao và hợp tác chiến lược với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Amkor, Samsung, Nvidia...

Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) chia sẻ. Ảnh Tuấn Việt
Theo Phó Giám đốc NIC, để hiện thực hóa tiềm năng này, Việt Nam cần xây dựng hướng đi riêng thay vì chỉ là trung tâm lắp ráp gia công. Điều đó đòi hỏi từ chính sách nhà nước đến chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực - đều cần có sự đầu tư bài bản, đồng bộ và dài hạn.
Trong đó, nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, thông minh và nhanh nhạy là nền tảng khiến lực lượng kỹ sư công nghệ cao của Việt Nam đang không ngừng tăng lên.
“Chúng ta nên thúc đẩy đào tạo trong nước, sau đó cử sinh viên đi học ở các quốc gia công nghệ phát triển, tích lũy kinh nghiệm thực chiến, rồi quay về để phát triển đất nước”, ông Thịnh nêu quan điểm từ mô hình liên kết đào tạo của FPT và Asia University (Đài Loan).
Phó Giám đốc NIC chia sẻ, Việt Nam không thể đi một mình trong hành trình phát triển ngành công nghiệp chip. Vì vậy, việc kết nối với các quốc gia đã phát triển ngành bán dẫn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan… là vô cùng cần thiết để học hỏi, chuyển giao công nghệ, tiếp cận nguồn lực tài chính và hạ tầng.
Đồng thời, tham gia sâu vào ngành bán dẫn không chỉ là cơ hội về công nghệ, mà còn tạo đòn bẩy lớn cho xuất khẩu, tăng trưởng GDP và thu hút vốn FDI chất lượng cao. “Chúng ta không thể mãi đi sau. Đây là thời điểm vàng để bứt tốc, và nếu không tận dụng, cơ hội sẽ trôi qua như nhiều lần trước...”, ông Thịnh nói.
Tuấn Việt