Chính phủ chỉ đạo triển khai thi hành Luật Các tổ chức tín dụng
Chính phủ yêu cầu NHNN cùng các bộ, ngành rà soát, xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản, đảm bảo có hiệu lực thi hành Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) từ ngày 1/7.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 257/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Theo đó, trong quý I-II/2024 và các năm tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì tổ chức quán triệt, phổ biến các quy định của Luật.
Năm 2024 và các năm tiếp theo, NHNN, các Bộ, cơ quan ngang Bộ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện đăng tải toàn văn nội dung Luật và các văn bản quy định chi tiết trên Cổng/Trang Thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật.
Tháng 4/2024, NHNN chủ trì thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật thuộc thẩm quyền ban hành; kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết dưới Luật.
Chính phủ giao NHNN, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành luật.
Đồng thời, rà soát các nội dung quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng giao Chính phủ, Thủ tướng ban hành theo thẩm quyền, xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản hướng dẫn, đảm bảo phù hợp với hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.
Nội dung quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng thực hiện rà soát liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành:
NHNN rà soát, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (khoản 2 Điều 16; khoản 2 Điều 17; khoản 1 Điều 19; khoản 4 Điều 20; khoản 4 Điều 22; Điều 26 của Luật); Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện cấp phép của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (khoản 5 Điều 29 của Luật); Nghị định của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (khoản 2 Điều 110 của Luật); Nghị định của Chính phủ quy định về chương trình tài chính vi mô của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ (khoản 13 Điều 210 của Luật); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (khoản 7 Điều 136 của Luật) và các quy định khác có liên quan của Luật.
Bộ Tài chính rà soát, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (khoản 2 Điều 16; khoản 2 Điều 17; khoản 1 Điều 19; khoản 4 Điều 20; khoản 4 Điều 22; Điều 26 của Luật), Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế tài chính của ngân hàng chính sách (Điều 26 của Luật) và các quy định khác có liên quan của Luật.
Bộ LĐ-TB&XH rà soát, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ, viên chức ngân hàng chính sách (Điều 26 của Luật) và các quy định khác có liên quan của Luật.
Bộ TN&MT rà soát, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về đăng ký biến động đất đai đối với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (khoản 4 Điều 198 của Luật) và các quy định khác có liên quan của Luật.
Bộ Tư pháp rà soát, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về đăng ký thế chấp đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (khoản 4 Điều 198 của Luật) và các quy định khác có liên quan của Luật.
Trước đó, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7, một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Những thay đổi liên quan đến sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng; can thiệp sớm các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý tài sản đảm bảo... sẽ có tác động nhiều nhất đến hoạt động của các ngân hàng niêm yết.