Chờ đợi mòn mỏi 8 năm chưa được nhận nhà, nhiều người Trung Quốc nản lòng chỉ muốn trả hợp đồng lấy lại tiền

Niềm tin người mua nhà đang sụp đổ hoàn toàn. Giờ đây nhiều khách hàng chỉ muốn trả lại hợp đồng để nhận lại tiền sau nhiều năm mệt mỏi với những căn hộ tiền tỷ chẳng biết bao giờ xây xong.

‘Muốn nhận nhà thì đưa thêm tiền đây’: Cơn bĩ cực của các chủ BĐS khi bỏ tiền tỷ nhưng vẫn trắng tay với 20 triệu căn hộ chậm tiến độ, cảm giác như bị lừa và chỉ muốn trả lại hợp đồng - Ảnh 1.

Hãng tin CNBC cho hay tại Tianjin-Trung Quốc, một nhóm 1.500 người mua nhà đã biểu tình đòi chủ đầu tư giao nhà cho họ sau khi đã phải chờ đợi 8 năm kể từ khi trả tiền. Thậm chí theo tài liệu mà phóng viên CNBC chứng kiến, phía chủ đầu tư đã yêu cầu người mua trả thêm tiền nếu muốn nhận nhà.

Đưa tiền đây

Theo CNBC, chủ đầu tư Zhuoda Yidu của dự án tại Tianjin cho biết dự án có thể sẽ hoàn thành vào năm 2025-2026, tức lùi thời hạn giao nhà thêm 7 năm so với cam kết trước đó, nếu như người mua chấp nhận thanh toán thêm những khoản chi phí phụ khác.

Ngoài ra dù giá nhà bị giảm một nửa nhưng hợp đồng vẫn tuân theo mức giá cũ ban đầu và người mua không nhận được bất kỳ khoản bồi thường vì chậm tiến độ nào.

"Tiền trả nhà ban đầu là của bố tôi nhưng giờ tôi chẳng dám nói là dự án bị chậm tiến độ. Trong mùa dịch tôi có bảo là nhà bị giao muộn nhưng đại dịch đã qua đi lâu rồi và chẳng còn lý do nào để giấu nổi nữa", một chủ nhà ngậm ngùi nói.

Nhiều người mua nhà phải dọn vào sống tại các dự án dở dang bị chậm tiến độ do hết tiền đi thuê ngoài

Dù vị chủ nhà này đã thanh toán xong toàn bộ giá trị mua nhà nhưng vẫn phải gánh khoản lãi vay 2.800 Nhân dân tệ/tháng từ ngân hàng. Bởi vậy càng chậm tiến độ thì người mua là bên chịu thiệt. Bởi vậy hầu hết các khách hàng hiện đều muốn hoàn trả hợp đồng để lấy lại tiền thay vì phải trả nợ ngân hàng hàng tháng.

Xin được nhắc rằng việc sở hữu nhà ở liên quan rất nhiều đến khả năng đăng ký hộ khẩu, qua đó ảnh hưởng đến việc xin học cho con cái cùng nhiều phúc lợi công khác. Do đó khi dự án nhà ở bị chậm tiến độ thì khách hàng sẽ bị xáo trộn cuộc sống rất lớn.

Thậm chí một số chuyên gia dự đoán 2/3 số dự án chậm tiến độ hiện nay ở Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ hoàn thành khi chủ đầu tư nợ nần và mất khả năng thanh toán.

Hiện tại một số thành phố, do nhiều gia đình đã không còn tiền tiết kiệm nên buộc phải dọn vào ở các chung cư chưa hoàn thiện nhằm tránh mất tiền thuê nhà.

Cảnh người dân các dự án này phải dùng than đun nước với căn hộ chưa lắp cửa trở thành điều chẳng còn mấy xa lạ ở nhiều nơi.

Hãng tin CNBC cho biết trường hợp của Zhuoda chưa phải bi đát nhất khi một số dự án bán nhà ở trên giấy cho người mua dù chưa hoàn thành giấy phép, khiến vô số nhà đầu tư giờ đây chẳng biết kêu ai để đòi lại tiền.

Quay trở lại dự án ở Tianjin, một căn hộ bình dân 2 phòng ngủ rộng 90 m2 có giá khoảng 700.000 Nhân dân tệ, tương đương 2,5 tỷ đồng. Con số này là rất lớn so với mức thu nhập bình quân đầu người 51.271 Nhân dân tệ của địa phương này.

‘Muốn nhận nhà thì đưa thêm tiền đây’: Cơn bĩ cực của các chủ BĐS khi bỏ tiền tỷ nhưng vẫn trắng tay với 20 triệu căn hộ chậm tiến độ, cảm giác như bị lừa và chỉ muốn trả lại hợp đồng - Ảnh 3.

Tôi bị lừa

Việc mua nhà trên giấy, nghĩa là chủ xây dựng bán căn hộ khi chưa hoàn thành xong dự án vốn là điều khá thường thấy tại Trung Quốc và tại dự án ở Tianjin, chủ xây dựng cam kết sẽ giao nhà vào năm 2019 nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành hết.

"Tôi cảm giác cứ như bị lừa tiền vậy. Mong muốn duy nhất của tôi hiện nay chỉ là được lấy lại tiền và trả lại căn hộ. Kể cả có được lấy nhà thì tôi cũng không muốn nữa.", một người mua nhà nói với CNBC về việc bỏ tiền ra nhưng đổi lại là quãng thời gian bị lợi dụng vốn, kiện cáo, biểu tình đầy mệt mỏi.

Rất nhiều người mua cho biết ban đầu họ đổ tiền vào dự án là để mua nhà cho cha mẹ hoặc con cái học gần trường ở đó. Thế nhưng 8 năm trôi qua và một số ông bà đã ra đi, nhiều trẻ nhỏ đã lớn và chuyển trường khác nhưng căn hộ vẫn chưa được bàn giao.

"Đây là một ví dụ khác về cuộc khủng hoảng bất động sản (BĐS) tại Trung Quốc. Trường hợp tại Tianjin không phải cá biệt. Tôi nghĩ rằng sẽ còn nhiều vụ việc tương tự như vậy diễn ra trong tương lai", chuyên gia kinh tế trưởng Dan Wang của Hang Seng Bank nhận định.

‘Muốn nhận nhà thì đưa thêm tiền đây’: Cơn bĩ cực của các chủ BĐS khi bỏ tiền tỷ nhưng vẫn trắng tay với 20 triệu căn hộ chậm tiến độ, cảm giác như bị lừa và chỉ muốn trả lại hợp đồng - Ảnh 4.

Theo CNBC, thị trường BĐS Trung Quốc đã bùng nổ vay nợ trong nhiều thập niên trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nóng. Tuy nhiên bong bóng thị trường cũng phình lên khi cung vượt cầu và hàng loạt nhà đầu cơ đổ tiền vào đây để lướt sóng trong khi nhiều hộ gia đình coi các căn hộ là nơi tích trữ tài sản.

Thế rồi khi chính quyền Bắc Kinh siết chặt quản lý nguồn vốn thì mọi chuyện bắt đầu tệ đi. Việc tập đoàn Evergrande vỡ nợ vào cuối năm 2021 đã mở đầu cho hàng loạt doanh nghiệp BĐS khác lỡ hạn thanh toán nợ theo sau.

Với Evergrande, doanh nghiệp này đã trở thành hãng BĐS vay nợ nhiều nhất thế giới với tổng giá trị các dự án chưa hoàn thành lên đến 1,26 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 174 tỷ USD cho riêng năm 2020, cao hơn 70% so với số BĐS mà hãng có thể bán được trong năm đó và gấp nhiều lần số dự án được hoàn thành thực tế.

Báo cáo của Nomura ước tính trên toàn Trung Quốc có khoảng 20 triệu căn hộ chưa hoàn thành hay bị chậm tiến độ dù đã được bán trên hợp đồng.

*Nguồn: CNBC

Băng Băng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT