“Chốt” được gói thầu 1.500 tỷ "một dự án trọng điểm" chỉ ít phút trước thềm ĐHĐCĐ, Chủ tịch Searefico thông báo đã vượt chỉ tiêu cả năm, lợi nhuận mục tiêu gấp 5,8 lần

Trong khi năm 2023, Searefico (SRF) đạt chưa đến 2 tỷ lợi nhuận ròng, năm trước đó nữa thì lỗ nặng hơn 141 tỷ đồng.

CTCP Searefico đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024, thông qua kế hoạch doanh số ký hợp đồng 2.200 tỷ đồng. Tương ứng, doanh thu mục tiêu đạt 2.000 tỷ đồng với 70% tỷ trọng đến từ mảng kỹ thuật và xây dựng logistics.

Khấu trừ chi phí, Searefico dự kiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất 22 tỷ đồng, gấp 5,8 lần kết quả năm trước. Nếu đạt được con số trên, HĐQT dự trích 15% lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ cho quỹ khen thưởng CBNV, trích 10% cho quỹ khen thưởng HĐQT, cổ tức tỷ lệ 3% mệnh giá (có thể điều chỉnh nếu lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra).

Chia sẻ tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Lê Tấn Phước cho biết tính tới thời điểm tổ chức đại hội, Công ty đã có doanh số ký hợp đồng riêng năm 2024 đạt 2.200 tỷ đồng, cộng với giá trị của năm ngoái chuyển sang thì tổng backlog đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Trong số này, đáng chú ý là gói thầu tại một dự án trọng điểm gần 1.500 tỷ đồng Công ty vừa mới ký kết ngay trước thềm đại hội ít phút. Nhờ đó, Searefico đã vượt kế hoạch cả năm (kế hoạch 2.200 tỷ đồng).

Năm 2023, Searefico chỉ đạt chưa đến 2 tỷ lợi nhuận ròng, dù vậy cũng cải thiện đáng kể so với khoản lỗ nặng hơn 141 tỷ đồng năm trước đó. Chia sẻ về điều này, ông Phước thừa nhận Searefico đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất lịch sử hình thành và phát triển hơn 30 năm nay. Giai đoạn hậu COVID-19 những tưởng mọi thứ sẽ trở lại như cũ nhưng thực tế đã không như vậy. Các hoạt động truyền thống của Công ty tiếp tục bão hòa, thị trường bất động sản vẫn khó khăn, Công ty buộc phải tiết kiệm, thay đổi cách làm việc, lấn sân lĩnh vực mới.

Theo Chủ tịch, năm qua doanh thu hơn 1.600 tỷ nhưng phần lớn là của những năm trước để lại. Các công trình kéo dài nhiều năm, lạm phát tăng khiến giá vật tư đầu vào tăng, ngân hàng siết chặt tín dụng khiến Công ty không thể giải ngân do ngân hàng giữ tiền theo dự án.

"Có thời điểm Công ty dư 100 tỷ đồng trong ngân hàng nhưng lại không được sử dụng mà phải vay ngân hàng khác 70 tỷ đồng cho dự án khác. Dòng tiền dư dự án này không thể bổ sung vào dòng tiền âm của dự án khác, và điều này chỉ có năm rồi mới xảy ra", ông Phước nói.

Mặt khác, việc công trình kéo dài 2-3 năm, trong khi vẫn phải duy trì hoạt động của ban quản lý dự án, chi phí quản lý gián tiếp ở công trình vẫn cứ tăng lên, làm cho biên lợi nhuận giảm xuống. Để ứng phó, Searefico được biết đã cắt giảm đến 30% chi phí văn phòng công ty mẹ, số lượng CBNV so với lúc trước dịch COVID-19 cũng đã giảm hơn nửa (từ hơn 1.000 vào năm 2019 còn 451 người tính tới hiện tại).

Tại Đại hội năm nay, Searefico giới thiệu HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029 với 5 thành viên, trong đó có 2 thành viên HĐQT độc lập. Các thành viên trúng cử gồm ông Lê Tấn Phước, ông Ryota Fukuda, ông Lê Quang Phúc, ông Nguyễn Hữu Thịnh, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh.

Cũng chia sẻ về việc chuyển đổi sang mô hình holdings, đại diện Công ty cho biết trước đây với quy mô nhỏ doanh thu 200-300 tỷ đồng, công tác quản lý đơn giản, bộ máy điều hành không cần phức tạp… Hiện nay, Công ty đã mở rộng hoạt động, không chỉ có lĩnh vực M&E Công nghiệp, mà còn có vật liệu xây dựng, bất động sản công nghiệp, logistics, năng lượng, tự động hóa. Do đó, Searefico nhận thấy những lĩnh vực này khi mở rộng và phát triển cần tính chuyên biệt hóa, chuyên môn hóa, văn hóa kinh doanh, phân khúc thị trường, tệp khách hàng đa ngành.

Tri Túc

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT