Chủ chiếc máy bay được đấu giá khởi điểm hơn 136 tỷ đồng là ai?

Công ty Cho thuê máy bay Việt Nam có nhu cầu đấu giá thanh lý chiếc máy bay ATR 72-500 sản xuất năm 2010.

z4001901806948-141264c89af812cf6b6a466d483712a0-1679727204.jpg
Công ty Cổ phần Cho thuê máy bay Việt Nam (Ảnh minh họa)

Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Hà Nội vừa thông báo bán đấu giá một tàu bay ATR 72-500 số hiệu sản xuất 925 (MSN 925) với giá khởi điểm 136,6 tỷ đồng. Chiếc máy bay thuộc quyền sở hữu của Công ty cổ phần Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC). 

Máy bay ATR 72-500 được sản xuất vào năm 2010, có 68 ghế ngồi và đang được VALC cho Vietnam Airlines thuê khai thác. Giá khởi điểm tại phiên đấu giá là 136,64 tỷ đồng (tương đương 5,6 triệu USD), chưa bao gồm thuế và phí.

Khách muốn đấu giá sẽ phải đặt trước 6,8 tỷ đồng, tương đương 280.000 USD. Người tham gia đấu giá có thể đến kiểm tra trực tiếp tài sản trong khoảng thời gian 24/3-4/4 tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM). Tuy nhiên, việc kiểm tra này sẽ phải chịu các chi phí liên quan. Cuộc đấu giá sẽ diễn ra vào sáng 10/4 tại Hà Nội. Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp.

Đáng chú ý, đây đã là lần thứ 9 VALC đấu giá chiếc máy bay ATR 72-500 MSN 925. Hồi năm 2016, công ty này thông báo đấu giá 5 máy bay ATR 72-500. Trong đó chiếc ATR 72-500 MSN 925 được bán đấu giá khởi điểm 215 tỷ đồng (tương đương 9,62 triệu USD theo tỷ giá quy đổi 22.340 đồng/USD).

VALC được thành lập năm 2007, với số vốn điều lệ 640 tỷ đồng. Doanh nghiệp ra đời trên cơ sở góp vốn của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn trong nước như: Vietnam Airlines (30%); BIDV (20%); PVN (17%); Vinashin (11%); Tổng Công ty Phong Phú (8%) và 14% còn lại dành cho cổ đông phổ thông. Hiện tại, các cổ đông chính của VALC gồm Vietnam Airlines, BIDV, PVComBank và BRG Group, trong đó, Vietnam Airlines cũng là khách hàng chính thuê lại các máy bay của VALC.

Dự án 5 máy bay ATR 72-500 và Dự án 10 máy bay A321-200 là 2 dự án lớn nhất của VALC, đều được thực hiện với đối tác Vietnam Airlines tại thời điểm đó. Trong khi 5 máy bay ATR 72-500 bị đề nghị chấm dứt trước hợp đồng, thì dự án 10 máy bay A321-200 cũng bị đối tác này đề nghị giảm giá. Việc chào bán 5 tàu bay ATR 72-500 lúc đó, nếu thành công, sẽ mở đường cho VALC trong kế hoạch IPO.

Tại Việt Nam, VALC hiện là công ty duy nhất cho thuê máy bay. Bên cạnh đó, công ty này cũng bảo dưỡng, cung cấp phụ tùng máy bay. Nhiệm vụ chính của VALC là mua máy bay rồi cho các hãng hàng không trong nước thuê lại khai thác, không thực hiện bất cứ chuyến bay nào.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT