Chủ sở hữu nhà máy lọc dầu Dung Quất vượt 81% lợi nhuận cả năm
Bán niên 2023, chủ sở hữu nhà máy lọc dầu Dung Quất báo lãi ròng lũy kế đạt 2.949 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ nhưng đã vượt 81% so với chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã BSR, sàn UPCoM) - đơn vị sở hữu nhà máy lọc dầu Dung Quất ghi nhận kết quả kinh doanh bị ảnh nặng nề vì giá dầu thô giảm mạnh.
Cụ thể, BSR ghi nhận doanh thu thuần 33.670 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 36%. Khấu trừ cho giá vốn, lãi gộp chỉ đạt gần 1.178 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính trong tăng mạnh lên 715 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính giảm 63%, còn 93 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận tăng mạnh 64%, lên 158 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 8% còn 176 tỷ đồng. Kết quả, Lọc hóa Dầu Bình Sơn lãi ròng 1.326,4 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình của doanh nghiệp, dù con số trên giảm mạnh nhưng quý II/2022 là thời điểm BSR đạt kỷ lục lợi nhuận. BSR cho biết, năm 2022 chứng kiến giá dầu thô biến động nhiều và tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây, chạm đến mức đỉnh hơn 123 USD/thùng vào tháng 6/2022.
Trong khi đó, quý II/2023, giá dầu thô giảm từ mức 85.51 USD/thùng vào đầu tháng 4 về 74.97 USD/thùng vào cuối tháng 6. Chênh lệch thành phẩm (cracking spread) và giá dầu thô quý II/2022 cũng tốt hơn rất nhiều so với năm nay, dẫn đến lợi nhuận giảm sâu.
Kết thúc nửa đầu năm 2023, doanh thu luỹ kế của BSR đạt 67.735 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 22%. Lãi sau thuế đạt 2.949 tỷ đồng, giảm 76%.
Năm 2023, cổ đông BSR đặt hoạch kinh doanh với doanh thu thuần đạt 95.370 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.721 tỷ đồng, lần lượt giảm 43% và 89% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, bán niên 2023, BSR đã thực hiện được 71% mục tiêu doanh thu và vượt hơn 81% chỉ tiêu lãi sau thuế của cả năm.
Thời điểm cuối tháng 6, tổng tài sản của BSR đạt 75.043 tỷ đồng, giảm 4% so với cuối năm 2022. Doanh nghiệp nắm giữ gần 19.858 tỷ đồng tiền mặt và gần 9.400 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Khoản hơn 29.000 tỷ đồng nhàn rỗi này đang chiếm gần 39% tổng tài sản của BSR. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận hơn 760 tỷ đồng tiền lãi từ gửi ngân hàng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2022.
Giá trị hàng tồn kho giảm 16%, còn hơn 14.100 tỷ đồng. Trong đó khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho giảm 45% còn 79 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả ở mức 23.420 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong đó, vay nợ ngắn hạn giảm 2,6 lần còn 3.417 tỷ đồng.