Chủ tịch FPT tiết lộ lời cảnh báo: "Ông không biết được tương lai Việt Nam sẽ sáng thế nào đâu, nhưng cơ hội chỉ có 18 tháng thôi"
"Sinh viên trong hệ thống trường FPT đã là 70.000 người, sắp lên 100.000 người rồi và sẽ còn tăng nữa. Những người chỉ trích cứ tiếp tục chỉ trích, còn chúng ta vẫn cứ thực hiện", Chủ tịch FPT nói
Thông tin trên trang Chungta, chuyên trang nội bộ của Tập đoàn FPT, tại phiên thảo luận "Hợp tác phát triển Công nghiệp bán dẫn" trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024" ngày 29/5, ông Trương Gia Bình đã nhận định: "Cơ hội đang tới với Việt Nam, mặc dù rất nhanh nhưng chúng ta sẽ nắm bắt nó. Chúng ta đang có cái "hungry" (khao khát và ý chí) để nắm bắt cơ hội này".
Ông cũng tiết lộ, hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Việt - Mỹ vào tháng 9/2023 có 2 bất ngờ lớn: Thứ nhất là 2 nước đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện, trở thành người bạn thân thiết và thứ hai là phía Mỹ tham dự hầu hết là các công ty về chip và hai bên đặt vấn đề phát triển chip.
Ông Bình cho biết, Mỹ giờ đây đưa ra khái niệm friendshore - các công nghệ cốt lõi phải nằm ở quốc gia là bạn tin cậy của nước Mỹ. Điều này cũng đã được đưa vào Đạo luật Khoa học và Chip (gọi tắt là Chip Act) được Tổng thống Joe Biden thông qua vào năm 2023. Nội dung đạo luật là tài trợ cho các công ty xây dựng nhà máy chip bán dẫn tại Mỹ, và tài trợ phát triển chip cho các quốc gia thân thiện.
Chủ tịch FPT đã có thời gian làm việc với Hiệp hội Bán dẫn Mỹ, khi hỏi về kế hoạch hỗ trợ các nước phát triển chip bán dẫn, ông được cho biết danh sách này có nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Việt Nam, Đài Loan kể cả Mexico, Brazil. Tuy nhiên Việt Nam là nước duy nhất có trong danh sách hỗ trợ sản xuất, điều này cho thấy phía Mỹ cũng rất coi trọng Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Trương Gia Bình cũng cho rằng Việt Nam không có nhiều thời gian để chờ đợi sự hỗ trợ từ phía nước ngoài trong cuộc đua phát triển chip bán dẫn. Ông Bình kể lại trong một cuộc gặp gỡ có sự hiện diện của đại sứ Mỹ, Nhật Bản, Singapore, có một quan chức đã nói với ông rằng: "Ông không biết được tương lai Việt Nam sẽ sáng thế nào đâu, nhưng cơ hội cho Việt Nam chỉ có 18 tháng thôi".
"Công nghệ chip bán dẫn đang phát triển rất nhanh và thế giới không chờ Việt Nam quá lâu. Chúng ta cần có sự phát triển nhanh chóng về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất." - Chủ tịch FPT cho biết
Theo Chủ tịch Trương Gia Bình, lĩnh vực chip đang là một cơ hội đối với Việt Nam và cũng là nhu cầu sống còn với thế giới. Tuy nhiên, có một số chuyên gia chỉ trích rằng Việt Nam dường như đang chạy theo phong trào, và chip bán dẫn không phải là thứ dễ sản xuất. Phản bác lại luận điểm này, ông Bình nói rằng nhu cầu chip bán dẫn của thế giới là hiện hữu, nhưng Việt Nam "không nhìn vào nhu cầu, vào đồng tiền của ai, mà có cơ hội Việt Nam sẽ tự nắm lấy. Có lợi cho đất nước chúng ta mới làm, không có lợi không làm".
"Nếu không được chọn, Việt Nam cũng dồn hết sức mạnh, ý chí và tài sản để thiết kế chip mà không phụ thuộc vào ai", ông Trương Gia Bình khẳng định.
Chủ tịch FPT tin rằng dù chặng đường phát triển công nghiệp bán dẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam sẽ làm được. Ông cho biết, trong các cuộc làm việc với các công ty bán dẫn Đài Loan, họ muốn hợp tác với phía Việt Nam để cùng giành lại thị phần thiết kế bán dẫn từ tay Ấn Độ.
Ông Bình cũng tiết lộ thời gian tới FPT sẽ triển khai một nhà máy AI tại Nhật Bản. AI cũng là lĩnh vực phát triển rất nhanh và rất mới. Nhiều công ty đang rất khát nhân lực AI và trong tương lai AI còn quan trọng hơn cả chip. Người đứng đầu FPT mong muốn Việt Nam có thể phát triển mạnh AI, tích hợp AI vào chip, từ đó các công ty nước ngoài sẽ tự tìm đến Việt Nam mà chúng ta không phải đi kêu gọi khắp nơi.
Ngoài ra, FPT cũng sẽ cung cấp nhân lực cho liên doanh Nhật - Đài để vận hành cho nhà máy của họ ở Nhật Bản, Saudi Arabia và sau đó là nhà máy ở Việt Nam.
"Sinh viên trong hệ thống trường FPT đã là 70.000 người, sắp lên 100.000 người rồi và sẽ còn tăng nữa. Những người chỉ trích cứ tiếp tục chỉ trích, còn chúng ta vẫn cứ thực hiện", Chủ tịch FPT nói