Chủ tịch G6 Group Nguyễn Anh Quê: Việc đánh thuế bất động sản có thể khiến giá bất động sản tạm thời 'xì hơi'
Chia sẻ quan điểm về dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) trong đó có việc đánh thuế 20% trên lãi chuyển nhượng bất động sản, ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch G6 Group, Ủy viên BCH Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, chính sách thuế cần được thiết kế thận trọng, có chọn lọc và thí điểm để không gây “sốc” cho thị trường.

Sau khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất đánh thuế 20% trên lãi chuyển nhượng bất động sản, một số ý kiến vui mừng vì giá bất động sản có thể giảm, tạo thêm cơ hội tiếp cận nhà ở cho người dân. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào sản xuất - dịch vụ cũng được kỳ vọng sẽ hạ, góp phần làm giảm giá hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh và thu hút FDI.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác bày tỏ lo ngại rằng mức thuế này quá cao, có thể dẫn đến sự ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, làm gia tăng nợ xấu ngân hàng, khiến doanh nghiệp không thể trả được trái phiếu và làm giảm tăng trưởng GDP.
Trước thông tin này, ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch G6 Group, Ủy viên BCH Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng cần đưa ra luận điểm rõ ràng về việc vì sao phải đánh thuế bất động sản và mức thuế như thế nào là phù hợp.
Theo ông Quê, giá nhà, đất thành phố Hà Nội, TP.HCM và vùng lân cận thời gian vừa qua tăng nóng làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của người dân, chính vì vậy nên Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu việc đánh thuế bất động sản nhằm mục đích bình ổn giá nhà, đất.
Tuy nhiên, ông cho rằng nước ta đang bước vào “Kỷ nguyên vươn mình”, với mục tiêu tăng trưởng hai con số, trong khi hoạt động sản xuất đứng trước nguy cơ bị Mỹ áp thuế cao hơn trước đây và đầu tư công ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, vai trò của ngành bất động sản làm nòng cốt, động lực tăng trưởng nền kinh tế lại càng thể hiện rõ hơn.
Do vậy, Chính phủ đang đứng trước bài toán hóc búa là vừa phải đánh thuế để bình ổn thị trường bất động sản vừa phải tạo điều kiện thị trường bất động sản phát triển hơn nữa. Để giải bài toán này, ông Quê đưa ra ba nhóm giải pháp.
Thứ nhất là đánh thuế với bất động sản thứ hai trở đi. Theo đó, chỉ nên đánh thuế bất động sản là đất ở, nhà ở. Trong trường hợp người sở hữu hai bất động sản mà một cái là do bố mẹ để lại để thờ phụng thì không đánh thuế đối với bất động sản đó. Nếu mua cho con thì phải thực hiện các thủ tục cho tặng con. Việc áp dụng chính sách nên được thí điểm trước đối với Hà Nội và TP.HCM. Về mức thuế, ông đề xuất áp dụng theo thuế lũy tiến theo số bất động sản hoặc lũy tiến theo giá trị bất động sản.
Thứ hai là đánh thuế với bất động sản bỏ hoang. Theo ông, cần xây dựng bộ tiêu chí như thế nào là bất động sản bỏ hoang, đơn vị nào có thẩm quyền đánh giá. Cũng như nhóm thứ nhất, chỉ đánh thuế với bất động sản là nhà ở, đất ở và nên áp dụng thí điểm trước đối với Hà Nội và TP.HCM. Về cách tính, ông tiếp tục đề xuất áp dụng thuế lũy tiến theo số bất động sản hoặc lũy tiến theo giá trị bất động sản.

Thứ ba là đánh thuế theo thời gian chuyển nhượng. Cụ thể: Dưới 6 tháng 6%, dưới 12 tháng nhưng từ đủ 6 tháng 5%, dưới 18 tháng nhưng từ đủ 12 tháng 4%, dưới 24 tháng nhưng từ đủ 18 tháng 3%, trên 24 tháng 2%.
Tuy vậy, ông Quê cũng cảnh báo rằng nếu đánh thuế nặng vào bất động sản ngay lúc này thì “được 1 mất 5”. Điều được là giá bất động sản tạm thời xì hơi, khả năng tiếp cận mua nhà cho người dân tốt hơn. Nhưng những điều mất thì rất lớn.
Cụ thể, Chủ tịch G6 Group đánh giá, nguồn thu từ bất động sản của nhà nước sẽ giảm đột ngột; GDP giảm, không thể tăng hơn 2 con số trong ít nhất 10 năm tới, khó giữ mức tăng hơn 6% trong 3 năm tới; trái phiếu của các công ty bất động sản không thể trả, nguy cơ các công ty bất động sản phá sản hàng loạt, người dân mất trắng tiền trái phiếu; nợ xấu ngân hàng tăng lên, nhu cầu vay vốn giảm, dòng tiền tắc nghẽn, nền kinh tế thêm u ám và một lực lượng lao động lớn từ ngành bất động sản, ngân hàng, xây dựng,... mất việc làm.
Ông cũng đánh giá rằng thị trường có thể đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản và kéo theo đó là khủng hoảng nền kinh tế.
Kỳ Thư