Chủ tịch HĐTV Vinachem Nguyễn Phú Cường: Tạo sức cạnh tranh từ bảo vệ môi trường
Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Vinachem cho rằng, bên cạnh việc phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần gắn trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường.
Môi trường gắn liền với sự phát triển và tồn tại của doanh nghiệp. Trước bối cảnh đó, các quy định về bảo vệ môi trường của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, từng bước tăng tính hiệu quả bảo vệ môi trường song song với phát triển doanh nghiệp. Việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tiến tới cấp hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ từng bước tiếp cận xu thế chung của thế giới.
Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) để hiểu hơn về những định hướng bảo vệ môi trường, thứ luôn đi song hành trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- ĐS&PL: Bảo vệ môi trường là vấn đề nóng toàn cầu, tại Việt Nam nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM vấn đề này cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, phục vụ đông đảo người tiêu dùng, xin ông đánh giá về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, cũng như đơn vị đã có những hình thức bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh ra sao?
- Ông Nguyễn Phú Cường: Môi trường sống là của chung, của tất cả mọi người trên hành tinh, quyết định đến chất lượng cuộc sống cũng như toàn bộ xã hội, đời sống. Chính vì vậy, môi trường sống là mục tiêu bảo vệ của tất cả cá thể trên thế giới trong đó có cả người dân Việt Nam. Mục tiêu gìn giữ và bảo vệ môi trường, nói có vẻ dễ nhưng thực hiện rất khó.
Bởi đã là hoạt động của con người, dù cho hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, kể cả trong vui chơi giải trí đều có tác động đến môi trường. Chính vì vậy, các nước, các tổ chức quốc tế, cụ thể ở Việt Nam chúng ta, Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm làm sao để bảo vệ, gìn giữ môi trường tốt nhất.
Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội theo chiều hướng đi lên, cùng với đó, các nhu cầu về đời sống cũng tăng thêm như nhu cầu về điện, ăn mặc, phương tiện đi lại, … Cuộc sống càng hiện đại, càng tiêu tốn nhiều tài nguyên. Và khi chúng ta khai thác tài nguyên, chế biến tài nguyên thì sẽ tác động đến môi trường.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp với ngành đặc thù hóa chất, chúng tôi xác định bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống, sự phát triển của xã hội, trong đó có Tập đoàn Hóa chất. Để thích nghi với điều này, bên cạnh tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chúng tôi có 3 định hướng.
Thứ nhất là giảm thiểu nguồn thải. Với quan điểm nguyên liệu vật tư đầu vào được chế biến, quản lý tốt sẽ giảm phát thải ra môi trường, giảm tác hại đến môi trường.
Thứ hai là sản xuất sản phẩm an toàn ra môi trường hơn. Ví dụ như vòng đời của sản phẩm tác động ít nhất đến môi trường ở trong trình độ công nghệ có thể. Như việc sử dụng bao bì đóng gói sản phẩm, Vinachem lựa chọn bao bì theo hướng có khả năng phân hủy dễ phân hủy thay vì chọn các loại bao bì khó hoặc không phân hủy.
Thứ ba, trong quá trình sản xuất của ngành hóa chất phải sử dụng năng lượng, có thể là sơ cấp hoặc hóa thạch như than, xăng dầu, điện,... Tiết kiệm năng lượng cũng là tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm các yếu tố đầu vào. Đồng thời, giảm tác động đến môi trường, giảm nhu cầu với năng lượng, đặc việc là năng lượng hóa thạch.
Đây cũng là giải pháp đem lại hiệu quả sản xuất tốt hơn với doanh nghiệp, bởi sử dụng năng lượng phải dùng tiền. Như vậy, tiết kiệm được chi phí đầu vào thì giá thành của sản phẩm đầu ra sẽ thân thiện với môi trường hơn, đem lại hiệu quả cạnh tranh hơn và đem lại hiệu quả hơn cho doanh nghiệp.
- ĐS&PL: Như ông vừa chia sẻ, việc bảo vệ môi trường có ý nghĩa rất quan trọng, vậy trong quá trình thực hiện bảo vệ môi trường, Vinachem gặp phải những khó khăn gì?
- Ông Nguyễn Phú Cường: Đầu tiên, về những thuận lợi, càng ngày, Luật Bảo vệ môi trường càng được hoàn thiện. Để hướng dẫn luật, các văn bản, nghị định, thông tư đều có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cập nhật để phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện tại.
Chương trình mà các Bộ đang triển khai như chương trình sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng hiệu quả, hoàn nguyên khu mỏ, tái tạo rừng, đền bù rừng… thể hiện các chính sách, quy định xuyên suốt từ luật đến thông tư ngày càng rõ ràng, chi tiết, cụ thể hơn.
Đồng thời, tạo ra sức ép với doanh nghiệp sản xuất: Những sản phẩm có vòng đời có tác động đến môi trường như cao su, nhựa, sản phẩm điện hóa ắc quy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra lộ trình để doanh nghiệp ký quỹ, có trách nhiệm với sản phẩm đã thải bỏ. Trách nhiệm của người thải là phải chia sẻ với việc xử lý chất thải. Đó là những thuận lợi về sự rõ ràng, minh bạch.
Đồng thời, ý thức của người dân, cộng đồng, xã hội ngày càng được nâng lên. Xã hội sẽ ngay lập tức lên án trước những vấn đề gây ảnh hưởng đến môi trường. Nhận thức của xã hội đã được nâng lên rất cao so với trước kia.
Ngoài ra, các công cụ, trình độ thiết bị công nghệ xử lý đầu cuối hiện giờ cũng được phát triển với trình độ cao hơn trước đó. Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ giúp giảm nhẹ những gánh nặng đối với doanh nghiệp. Ví dụ như chi phí lắp đặt, phát triển điện mặt trời áp mái hiện được giảm rất nhiều so với 10 năm trước. Hiện giờ một số đơn vị của chúng tôi đã sử dụng năng lượng này để thay thế năng lượng hóa thạch, giảm bớt gánh nặng sức ép với việc sử dụng năng lượng tái tạo.
Còn về khó khăn, hầu hết doanh nghiệp của Vinachem có tuổi đời khá lớn, trình độ công nghệ được đầu tư từ giai đoạn 60-70 của thế kỷ trước. Máy móc thiết bị vẫn đang được sử dụng từ ngày đầu đến giờ, điều ngày dẫn đến thực trạng mô hình đầu tư từ cũ. Nên việc thay đổi, điều chỉnh không phải là dễ.
Mặt khác là ý thức của người công nhân trong đổi mới công nghệ. Trở lực lớn nhất của thay đổi công nghệ là ý thức không muốn thay đổi, đổi mới của những người trong hệ thống cũ.
Đó là những khó khăn lớn nhất mà Vinachem đang gặp phải để thực hiện đầy đủ trách nhiệm với việc giảm thiểu tác hại với môi trường.
- ĐS&PL: Xu hướng “xanh” không chỉ nổi bật với các doanh nghiệp. Bản thân người tiêu dùng cũng đang thay đổi thói quen, lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn, Tập đoàn Hóa chất đã chuyển mình như thế nào trước nhu cầu này?
- Ông Nguyễn Phú Cường: Quan điểm làm sao bảo vệ môi trường, sử dụng ít năng lượng, tài nguyên nhất mà tạo ra nhiều sản phẩm nhất mới có thể tạo ra sức cạnh tranh.
Với nhận thức xã hội ngày càng được nâng lên, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến mục đích, hiệu quả sử dụng mà còn đưa những tiêu chí về vấn đề môi trường vào yêu cầu với sản phẩm. Chính vì vậy, chúng tôi luôn phải thay đổi bởi mọi thứ luôn vận động. Nếu đứng nguyên với công nghệ cũ hay nếp sống cũ, thói quen cũ, chúng ta sẽ bị đào thải, đó là quy luật. Ví dụ như sản phẩm phân bón của Supe phốt phát Lâm Thao, chúng tôi chuyển từ gần như không sử dụng than đá nữa. Thay vì dùng than đá là năng lượng hóa thạch sơ cấp, chúng tôi sử dụng nhiệt sinh khối thải bỏ trong quá trình chế biến của ngành nông nghiệp để cung cấp nhiệt hơi trong quá trình sản xuất.
Ngoài ra, tại một số công ty, chúng tôi sử dụng hầu hết là điện áp mái, còn điện lưới chỉ sử dụng để duy trì. Khi làm được như vậy, dù vận hành phức tạp hơn, kỹ thuật rắc rối hơn, người công nhân cũng phải tập trung hơn để tránh gây ra những sự cố nhưng đáp ứng được nhiều yêu cầu khắt khe, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Nhờ đó mà chúng tôi có thể xuất khẩu đến những khách hàng khó tính như châu Âu.
Khi sản phẩm thân thiện với môi trường hơn, thị trường cũng rộng mở hơn. Chi phí bỏ ra cũng đem lại hiệu quả đáng kể. Bên cạnh đó, toàn bộ quy trình sản xuất thay vì dùng xe nâng chạy bằng dầu, hiện chúng tôi sử dụng xe bằng ắc quy, giảm phát thải khói do động cơ chạy bằng dầu. Bằng những thay đổi đó đem lại hiệu quả trong tỉ phần năng lượng chúng tôi sử dụng cấu thành sản phẩm. Đây cũng thuộc bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm tại nhiều thị trường khó tính.
Những giải pháp luôn được đội ngũ thành viên Vinachem tìm tòi, nghiên cứu với mục tiêu chung là cùng một lượng nguyên vật liệu, tài nguyên và nguồn năng lượng đầu vào tạo ra nhiều sản phẩm nhất có thể. Có nghĩa là giảm được phát thải. Phải làm sao, tất cả nguyên vật liệu đầu tư đi vào phải ra được sản phẩm cuối cùng thay vì ở quá trình trung gian. Nếu để hao hụt nguyên liệu ở các khâu trung gian thì vừa không tiết kiệm mà vừa dễ bị đào thải.
- ĐS&PL: Bảo vệ môi trường là một mục tiêu đi song song trong quá trình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Với cương vị của người đứng đầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, cũng là đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp, ông có đề xuất, kiến nghị gì để các doanh nghiệp có thể yên tâm sản xuất, kinh doanh vừa tạo động lực phát triển đất nước vừa bảo vệ được môi trường, không vi phạm luật?
- Ông Nguyễn Phú Cường: Chúng tôi mong muốn, cần có sự quan tâm của cơ quan quản lý trong việc thường xuyên cập nhật các quy định về pháp luật. Lý do là vì thực tế, ngày hôm nay, luật vừa được ban hành là đúng, nhưng 1 năm, 3 năm, 5 năm nữa, xã hội phát triển sẽ nảy sinh ra những vấn đề lớn cần phải xử lý. Khi có những vấn đề mới thì cần cập nhật bởi có những thứ hiện giờ người ta không làm nữa.
Chính vì vậy, tôi mong muốn, khi xã hội liên tục vận động, trình độ công nghệ, nhận thức của người dân liên tục thay đổi theo chiều hướng đi lên, làm sao các văn bản, thay đổi luật bám sát với thực tiễn. Không phải suốt ngày thay đổi luật mà phải được liên tục cập nhật, từ thời gian thực hiện mà đánh giá tác động. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ yên tâm để thực hiện.
- ĐS&PL: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống & Pháp luật số đặc biệt Xuân Giáp Thìn 2024.