Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: Chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí “phải làm thay vì nói”

Khẳng định vai trò quan trọng của cuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí, ông Lê Quốc Minh cho rằng các cơ quan báo chí cần nghiên cứu kỹ và bắt tay ngay vào làm, có như vậy độc giả mới tìm thấy mình trên xa lộ các nền tảng mạng xã hội. Năm 2023, được đánh giá là năm chứng kiến sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong những ngày xuân Giáp Thìn 2024, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đã có những chia sẻ với Tạp chí Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL) về sự chuyển mình của các cơ quan báo chí, của những người làm báo trong công cuộc chuyển đổi số, nhất là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí thời gian qua.

Trí tuệ nhân tạo là một phần bắt buộc…

•          ĐS&PL: Ông đã từng chia sẻ về những thách thức của báo chí trong dòng chảy xã hội hiện nay, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, chiến lược “chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng đã được Chính phủ phê duyệt. Vậy, ông đánh giá như thế nào về quá trình chuyển đổi số báo chí, cũng như trở ngại lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số báo chí là gì?

-           Ông Lê Quốc Minh: Hơn 2 năm qua, chúng ta đã nói rất nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số trong xã hội cũng như trong báo chí. Tuy nhiên, nhìn lại có thể thấy việc chuyển đổi số trong báo chí vẫn khá chậm. Có nhiều cơ quan báo chí khác hoặc suy nghĩ về chuyển đổi số khá đơn giản chỉ có một website đã yên tâm là mình đã chuyển đổi số. Hoặc vẫn loay hoay với câu hỏi “chuyển đổi số phải làm gì? Bắt đầu từ đâu?”.

 Trong nhiều hội nghị, chúng tôi đã nói, chuyển đổi số chính là chuyển đổi về mặt tư duy, việc chuyển đổi về mặt công nghệ chỉ là một phần. Chúng ta có thể mua những thiết bị mới, mua phần mềm mới nhưng không thay đổi tư duy từ người lãnh đạo cho đến từng phóng viên, biên tập viên trong đơn vị thì không phải là chuyển đổi số. 

 Bên cạnh đó, chuyển đổi số không phải đơn giản đưa các nội dung lên môi trường số. Có nhiều cơ quan báo chí, báo in, phát thanh, truyền hình đưa nội dung lên website, YouTube, mạng xã hội từ lâu nhưng đây vẫn chưa phải là chuyển đổi số mà mới chỉ là số hóa… Chuyển đổi số là phải tạo ra sản phẩm mới, thậm chí tạo ra một văn hóa mới trong tòa soạn, quy trình làm việc mới.

 Chuyển đổi số không phải chỉ ở mỗi khâu sản xuất nội dung mà phải trong toàn bộ khâu quản trị của tòa soạn. Có những hệ thống smart office để quản trị tòa soạn, mọi hoạt động từ hành chính văn bản, hội họp, phê duyệt nội dung cũng được thực hiện qua hệ thống như vậy.

 Thay vì đặt ra những câu hỏi là chuyển đổi số như thế nào? phải làm gì? thì các cơ quan báo chí nên chủ động bắt tay vào làm. Tùy quy mô, nguồn kinh phí, nguồn lực của mỗi đơn vị có thể làm với cách thức lớn nhỏ khác nhau.

chu-tich-hoi-nha-bao-viet-nam-le-quoc-minh-chuyen-doi-so-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-bao-chi-phai-lam-thay-vi-noi-antt-1707318609.jpg
Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rất mạnh mẽ trong nhiều cơ quan báo chí.

•          ĐS&PL: Thời gian qua việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều lĩnh vực đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dùng. Còn trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, ông cũng từng chia sẻ việc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) trong báo chí rất cần thiết và nếu ai đó giờ này nói không nên đầu tư vào AI thì thật sự rất tụt hậu. Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về nhận định này?

-           Ông Lê Quốc Minh: Chúng ta cũng đang ồn ào về câu chuyện trí tuệ nhân tạo, người hồ hởi, người lo lắng. Có thể khẳng định, trí tuệ nhân tạo hiện nay là một phần gần như bắt buộc của các tòa soạn, các tòa soạn ở Việt Nam sử dụng ít nhưng theo thống kê mới nhất thì 75% tòa soạn trên thế giới đã sử dụng ít nhiều các công cụ trí tuệ nhân tạo.

 Khi nói đến trí tuệ nhân tạo nhiều người mới nghĩ đến câu chuyện máy móc viết bài thay cho con người. Nhưng trí tuệ nhân tạo bao hàm nghĩa rộng lớn hơn rất nhiều.

 Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rất mạnh mẽ trong nhiều cơ quan báo chí ở rất nhiều cách thức từ rất lâu, bây giờ tiến hóa ở mức độ cao hơn nữa. Tức là, có thể viết một bài văn, làm một bài thơ, viết một bài báo. Đặc biệt, người dùng có thể ra lệnh một cách đơn giản giống như ra lệnh cho những con người với nhau. Đây là những bước đi của trí tuệ nhân tạo rồi sẽ phổ biến hơn trong các tòa soạn.

 

…nhưng chưa có sự đe dọa với công việc sáng tạo của nhà báo

•          ĐS&PL: Ứng dụng công nghệ AI trong báo chí như ông nói là rất cần thiết, thế nhưng cũng có ý kiến lo ngại rằng nếu AI làm hết thì nhiệm vụ của người làm báo sẽ làm gì? Ông có cho rằng lo ngại này là đúng? Và người làm báo cần trau dồi những điều kiện cần và đủ như thế nào để không bị lệ thuộc vào AI?

-           Ông Lê Quốc Minh: Sẽ có ý kiến cho rằng nếu máy móc làm như vậy thì vai trò của con người ở đâu? Liệu có khiến cho các nhà báo bị mất việc hay không?

 Tôi xin khẳng định rằng, ít nhất trong một tương lai nhìn thấy được thì máy móc mới chỉ dừng ở việc hỗ trợ cho con người để làm những việc nặng nhọc, tỉ mẩn, chi tiết, lặp đi lặp lại. Còn những nội dung mang tính sáng tạo, sáng tạo gốc thì máy móc hiện nay cũng chưa thể làm được.

 Máy móc hiện nay viết bài, hình ảnh thực chất dựa vào những thông tin đầu vào đã có sẵn trên internet, chứ không tạo ra những nội dung hoàn toàn mới. Cho nên, sự đe dọa này đối với công việc sáng tạo của nhà báo là chưa có.

 Còn việc để cho máy móc tự viết bài, nghiên cứu mới nhất cho thấy xu hướng này là có nhưng các tòa soạn phải nên hết sức cân nhắc. Bởi, theo như khảo sát cho thấy độc giả sẽ đòi hỏi những nội dung nào do máy viết phải dán nhãn để phân biệt sự khác biệt giữa nhà báo bằng xương bằng thịt. Nhưng, điều quan trọng hơn nếu các cơ quan báo chí sử dụng nhiều bài viết do máy thực hiện thì niềm tin của người dùng đối với các cơ quan báo chí đó lại giảm đi.

 

chu-tich-hoi-nha-bao-viet-nam-le-quoc-minh-chuyen-doi-so-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-bao-chi-phai-lam-thay-vi-noi-antt-1707319206.jpg

AI chưa có sự đe dọa với công việc sáng tạo của nhà báo. Ảnh: Hữu Thắng. 

 

•          ĐS&PL: Và theo ông, để nội dung là “vua”, công nghệ là “nữ hoàng” trong hoạt động báo chí thì việc sử dụng AI cần phải đặc biệt lưu ý những gì?

-           Ông Lê Quốc Minh: Cần phải khẳng định câu “nội dung là vua” thì không bao giờ sai. Nội dung có hay thì người dùng mới đọc, mới xem, mới nghe đây là điều “bất di bất dịch”. Tuy nhiên, trong một môi trường thông tin quá nhiều, quá dày đặc, chưa kể thông tin giả xấu độc, sai lệch tràn ngập như hiện nay thì nội dung càng phải khác biệt, tạo ra nội dung thu hút người dùng hơn.

 Tuy nhiên, trong bối cảnh quá nhiều nguồn phát ra thông tin như vậy thì một thông tin dù có hay cũng phải cạnh tranh rất nhiều với các nền tảng mạng xã hội khác. Nếu không có những biện pháp mang tính công nghệ để đưa những nội dung của mình đến “trúng đích” thì khả năng nội dung của mình được đọc là rất ít.

 Nếu không biết, không nắm, không giỏi về công nghệ thì không thể đưa được những thông tin của mình đến với những người mà mình mong muốn. Bởi, có nhiều người đọc thì tờ báo mới được mọi người biết đến, có vị thế và có thể tạo ra nguồn thu. Cho nên, trong bối cảnh hiện nay, việc nắm bắt công nghệ là vô cùng quan trọng và chắc chắn công nghệ phải là một phần song hành rất quan trọng trong hoạt động báo chí.

•          ĐS&PL: Rõ ràng, báo chí hiện nay phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cạnh tranh. Vậy trong năm 2024, theo ông đội ngũ những người làm báo phải chuyển mình ra sao để phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số cũng như ứng dụng được trí tuệ nhân tạo vào phục vụ công nghệ?

-           Ông Lê Quốc Minh: Những xu thế về mặt công nghệ có thể mang tính nhất thời hoặc có thể hỗ trợ được cho tòa soạn. Cho nên, mỗi tòa soạn cần phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng để đầu tư công nghệ dựa vào khả năng, mục tiêu hướng tới, đội ngũ nhân lực. 

 Ứng dụng công nghệ tuy là điều bắt buộc nhưng việc chọn lựa công nghệ nào cho đúng cũng là một vấn đề phải tính. Điều quan trọng là phải chuẩn bị đội ngũ nhân lực để có thể triển khai những cách thức làm, công nghệ mới mẻ trong tương lai.

 Ngoài những kỹ năng cốt lõi, các nhà báo hiện nay cũng cần phải được trang bị những kỹ năng mới. Những người nhà báo kinh nghiệm lớn tuổi, không nắm bắt công nghệ cần phải được hỗ trợ của đội ngũ nhà báo hay nhân viên công nghệ trẻ hơn.

 Đặc biệt, các kỹ năng về công nghệ sẽ trở thành một kỹ năng gần như bắt buộc đối với các nhà báo trẻ. Cho nên, nhà báo phải được trang bị bộ kỹ năng mềm để linh hoạt uyển chuyển, để ngày mai điều mới mẻ xảy ra thì vẫn có thể thích ứng.

•          ĐS&PL: Theo ông trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan báo chí ở đây là gì để bắt kịp xu thế, thích ứng được với sự chuyển đổi mạnh mẽ của công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong hoạt động báo chí?

-           Ông Lê Quốc Minh: Nếu cơ quan báo chí nào mà lãnh đạo hiểu được công nghệ thì quá trình chuyển đổi số sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ và kết quả đạt được có thể tăng 30-40% so với các cơ quan báo chí khác.

 Lãnh đạo không cần phải là một chuyên gia về mặt công nghệ mà cần phải hiểu việc ứng dụng, áp dụng công nghệ là cần thiết, phải đi tiên phong trong việc thúc đẩy công nghệ.

 Người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, khi người đứng đầu quyết tâm, đưa cả bộ máy thay đổi theo hướng mới thì hiệu quả sẽ cao hơn. Tinh thần chuyển đổi số phải được lan tỏa tất cả các bộ phận, các cá nhân.

 Điều quan trọng hơn nữa là “phải làm thay vì nói”, dù có trăn trở, mong muốn nhưng vẫn chỉ loay hoay xem chuyển đổi số thế nào? đi đâu, về đâu? thì không thể hiệu quả bằng việc chủ động áp dụng, ứng dụng từ quy mô nhỏ rồi dần mở rộng khi đã đạt hiệu quả nhất định.

 Thay vì hô khẩu hiệu hãy bắt tay vào làm, hãy dám thử nghiệm, dám chấp nhận kể cả những sai lầm để điều chỉnh kịp thời. Chỉ trực tiếp làm thì chuyển đổi của tòa soạn nói chung cũng như chuyển đổi số mới có thể thành công.

•          ĐS&PL: Báo chí hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn thu, về đấu chọi với các nền tảng mạng xã hội khác. Ông có kỳ vọng như thế nào về việc chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp cơ quan báo chí tạo ra nguồn thu?

-           Ông Lê Quốc Minh: Trong chiến lược chuyển đổi số báo chí Chính phủ đề ra cũng nêu rõ những mục tiêu rất cụ thể cần hướng tới, trong đó có cả mục tiêu về việc tăng doanh thu.

 Doanh thu từ những kênh truyền thống chắc chắn là giảm sút nếu không chuyển đổi số để theo kịp việc “di cư” của độc giả, khán thính giả lên nền tảng số.

 Do đó, chuyển đổi số kịp thời chính là việc trước mắt duy trì nguồn thu hiện tại và bù lại được phần nguồn thu mất đi từ những kênh truyền thống. Nếu làm tốt hơn, nguồn thu này có thể tăng lên. Nhưng, không nên chỉ trông cậy vào nguồn thu quảng cáo mà phải tìm cách thức để đa dạng nguồn thu, đa dạng hóa mô hình kinh doanh, phương thức để tạo nguồn thu cho từng cơ quan báo chí.

 Đối với các cơ quan báo chí nước ngoài thì một trong những định hướng quan trọng của chuyển đổi số chính là thu phí độc giả. Nhưng với thị trường đang phát triển như Việt Nam thì việc này khó hơn sẽ đòi hỏi phải kiên trì. Chúng ta phải suy nghĩ đến một logic rất rõ ràng của nền kinh tế thị trường là phải bỏ tiền ra thì mới được sản phẩm có ích.

•          ĐS&PL: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống & Pháp luật số đặc biệt Xuân Giáp Thìn 2024.

 

 

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT