Chủ tịch Lê Phước Vũ: Tôn Hoa Sen vay vốn rẻ nhất thị trường, hạn mức 17.000 - 18.000 tỷ đồng, lãi suất trung bình 2,1%/năm
Mặc dù vậy, Chủ tịch Lê Phước Vũ cho biết: Hoa Sen tôn trọng các định chế tài chính, do đó không thực hiện vay tiền rồi đem tiền gửi ngân hàng lãi suất 4-5% để hưởng chênh lệch.
Sáng ngày 18/03, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 với nhiều kế hoạch quan trọng trình cho cổ đông.
Tập đoàn Hoa Sen đang vay lãi suất bình quân 2,1%/năm
Phát biểu trong cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2024, Chủ tịch Lê Phước Vũ cho rằng nếu năm tài chính 2023 mà lãi được 1 tỷ đồng là thành công, đáng thưởng cho ban điều hành, vì quý 1 đã lỗ 800 tỷ đồng.
Ông Vũ giải thích, điều này hoàn toàn khách quan do Hoa Sen vừa là nhà nhập khẩu, sản xuất, phân phối và xuất hẩu, vì vậy tồn kho lúc nào cũng phải đảm bảo 4 tháng. Trong quý 1/2023, giá nguyên liệu đã rơi từ 1.000 USD xuống 500 USD trong quý 1. Với 4 tháng tồn kho thì lỗ 800 tỷ đồng là đương nhiên.
Ba quý cuối, giá cả vẫn biến động, sự suy yếu của cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Do vậy, Hoa Sen vẫn lãi 30 tỷ là một nỗ lực tột bậc của ban điều hành.
Theo đó, khoản lợi nhuận giữ lại tính đến cuối năm 2023 là hơn 4.400 tỷ đồng, dòng tiền dương hơn 1.000 tỷ đồng, không còn nợ trung và dài hạn. Ông Lê Phước Vũ cho rằng nếu HSG đột ngột đóng cửa, dừng hoạt động thì vẫn dư tiền để trả nợ ngân hàng.
Với tình hình tài chính như vậy, HSG đã tiếp cận được nguồn vốn rẻ của các định chế tài chính quốc tế với chi phí vốn 2,3%, kỳ hạn 4 tháng.
“Nếu HSG không tạo ra dòng tiền tốt thì không thể tiếp cận được khoản vay giá rẻ như vậy, trong bối cảnh tình hình địa chính trị đang rất phức tạp trên thế giới, thậm chí có cảnh báo về thế chiến thứ ba”, Chủ tịch HSG cho biết.
Ông Vũ cũng cho biết thêm, hạn mức tín dụng của doanh nghiệp hiện đạt mức 17.000 - 18.000 tỷ đồng, với mức lãi suất bình quân là 2,1%/năm. Hoa Sen tôn trọng các định chế tài chính, do đó không thực hiện vay tiền rồi đem tiền gửi ngân hàng lãi suất 4-5% để hưởng chênh lệch.
Tuy tình hình tài chính của công ty đang thuận lợi nhưng ông Vũ cũng cho rằng: Chúng ta không nên chủ quan, nên ở thế phòng thủ nhiều hơn. Tiền của cổ đông còn hơn 4.000 tỷ lợi nhuận còn giữ lại. Nếu giữ lại sẽ tạo giá trị cho cổ đông trong tương lai, nội lực mạnh sẽ tạo ra giá trị cho cổ đông trong tương lai.
Tình hình sử dụng vốn của Hoa Sen và dự báo
Ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT thường trực cho biết, dư nợ dự kiến duy trì trên dưới 3.000 tỷ. Năm nay, Hoa Sen dự kiến lãi ít nhất là 400 - 500 tỷ đồng. 1 tháng khấu hao gần 100 tỷ đồng. Đến nay, Hoa Sen đã lãi 400 tỷ đồng. Doanh thu bình quân 3.000 tỷ đồng mỗi tháng.
Vị lãnh đạo này cho biết, hiện dư nợ đã tăng lên 5.000 tỷ đồng, nhưng chỉ mang tính thời điểm, vì đơn hàng về sớm quá nên tồn kho tăng cao. Bình thường dư nợ của Hoa Sen chỉ 3.000 tỷ, lãi bình quân 2,1%/năm.
"Tôi khẳng định rằng không có doanh nghiệp nào tiếp cận nguồn vốn rẻ đến thế. Mỗi năm dòng tiền của chúng ta đều dương. Đến tháng này, lợi nhuận trên dưới 400 tỷ. Dòng tiền năm nay dương 1,500 tỷ đồng", ông Chu nói trong hội nghị.
Về kết quả kinh doanh, quý 1 của NĐTC 2023-2024, Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần hơn 9,000 tỷ đồng và lãi ròng hơn 103 tỷ đồng, khả quan hơn tình cảnh lỗ nặng của cùng kỳ.
Cho năm tài chính 2024, ông trùm tôn mạ xây dựng hai kịch bản kinh doanh. Trong kịch bản tích cực nhất, Tập đoàn dự kiến tiêu thụ hơn 1,73 triệu tấn sản phẩm, doanh thu thuần 36,000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng.
Trong kịch bản 2, sản lượng tiêu thụ đạt 1,625 triệu tấn, doanh thu thuần 34.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng.