Chủ tịch Sudico không muốn “bán lúa non” tại DA Nam An Khánh
Theo vị Chủ tịch, do tiến độ của khu công cộng và dịch vụ bị chậm nên giá của DA Nam An Khánh đang thấp hơn các DA xung quanh như Vinhomes Đại Mỗ, Geleximco... gần 30%.
Ngày 20/3, CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã chứng khoán SJS) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.
Năm 2023, Sudico ghi nhận doanh thu thuần đạt 416 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm trước và lợi nhuận ròng đạt 185 tỷ đồng – tăng 54%. Con số tăng trưởng của lợi nhuận đến từ sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh khi lãi gộp của Sudico tăng tới 236%, nhưng đồng thời cũng có sự đóng góp lớn của hoạt động tài chính. Cụ thể, Sudico đã lãi gần 109 tỷ đồng từ bán cổ phần của CTCP Đầu tư BĐS và Thương mại Thăng Long – đơn vị từng do Sudico sở hữu 30% vốn cổ phần.
Đánh giá vấn đề còn tồn tại, lãnh đạo Sudico nhận xét, công tác thu hồi công nợ còn chưa triệt để và việc cân đối dòng tiền còn khó khăn, chưa trả được cổ tức cho cổ đông.
Tiếp tục kế hoạch tăng vốn lên 2.400 tỷ, đổi tên, chuyển trụ sở
Năm 2024, Sudico đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu hợp nhất 858 tỷ đồng, tăng 60,1% so với năm 2023, lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng, tăng 38,3% và cổ tức dự kiến từ 10% đến 15%. Tổng giá trị đầu tư dự kiến tăng 34,9% so với thực hiện trong năm trước, lên 1.421 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Sudico, 3 dự án trọng điểm trong năm 2024 là DA Nam An Khánh (tổng giá trị đầu tư 425 tỷ đồng), DA Thịnh Lang – Hòa Bình (371,5 tỷ đồng) và DA Văn La (297 tỷ đồng). Một trong những mục tiêu được chú trọng là đẩy mạnh bán hàng ở các dự án Khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo – Hòa Bình; mở rộng, xử lý hợp đồng với khách hàng cũ là chủ đầu tư cấp 2 của dự án Nam An Khánh.
Sudico tiếp tục kế hoạch không trả cổ tức năm 2023 với lý do để tập trung nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; đổi tên công ty, và tăng vốn điều lệ. Đây vốn là những nội dung đã được thông qua tại ĐHCĐ thường niên năm 2022, năm 2023 nhưng chưa thực hiện. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết bước đầu sẽ chuyển văn phòng về số 105 Chu Văn An, Hà Đông và kiện toàn cơ cấu tổ chức doanh nghiệp.
Với việc tăng vốn, Sudico dự kiến phát hành 126,3 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ theo 2 phương án: (1) Phát hành 29,86 triệu cổ phiếu trả cổ tức các năm từ 2018 đến 2021; (2) Phát hành 96,27 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 84%.
Sau phát hành Sudico sẽ tăng vốn điều lệ từ 1.148 tỷ đồng lên 2.411 tỷ đồng.
Ngày 16/6/2022, Sudico đã thông qua việc chuyển hình thức chi trả cổ tức năm 2018, 2019 và năm 2020 từ cổ tức bằng tiền sang cổ phiếu. Trong đó, tỷ lệ cổ tức bằng tiền năm 2018 là 10%, năm 2019 là 10%, và năm 2020 với tỷ lệ 3%.
Những vướng mắc tại dự án Nam An Khánh
Tại Đại hội, trả lời các câu hỏi của cổ đông, Chủ tịch HĐQT Đỗ Văn Bình đã chia sẻ cụ thể về dự án Nam An Khánh – dự án "gà vàng chưa đẻ trứng" của công ty này.
Theo đó, có 198 ha tại DA Nam An Khánh đã hoàn thành nghĩa vụ ngân sách với nhà nước, đã xây dựng hạ tầng và sản phẩm nhưng Sudico vẫn chưa thực hiện bán hàng. Lý do, phần tiện ích gồm 5 khu công cộng và dịch vụ chưa được cấp phép đầu tư và thủ tục pháp lý cho hoạt động này rất phức tạp, cần thời gian.
Theo vị Chủ tịch, do tiến độ của khu công cộng và dịch vụ bị chậm nên giá của DA này đang thấp hơn các DA xung quanh gần 30%. Ban lãnh đạo của Sudico cho rằng thực hiện bán Nam An Khánh lúc này sẽ không có giá tốt bằng phương án hoàn thiện tiện ích rồi mới bán, thậm chí nếu bán vội có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến giá bán của các khu sau này.
"Chúng tôi chọn bán khi đã đạt điều kiện thuận lợi nhất để có giá trị cao nhất cho công ty. Bán lúa non không thể bằng bán lúa chín" – Ông Đỗ Văn Bình nhấn mạnh.
Cũng bởi vì chưa muốn bán Nam An Khánh nên trong năm qua Sudico gặp khá nhiều khó khăn về dòng tiền. Mặc dù vậy, các cổ đông ý kiến Sudico vẫn có thể bán một phần dự án – dù giá chưa được 'chín' như Chủ tịch mong muốn – để có tiền trả cổ tức cho cổ đông.
Vì sao chưa chia cổ tức?
Chủ tịch công ty thừa nhận: "Một doanh nghiệp có 8 năm không chia cổ tức quả là một hình ảnh rất xấu nhưng điều này có nguyên nhân".
Theo đó, trong 10 năm qua, Sudico liên tục rơi vào tình trạng bất ổn trong bộ máy lãnh đạo. Khi ông Đỗ Văn Bình trở thành Chủ tịch HĐQT đã đưa quan hệ tín dụng với ngân hàng về trạng thái bình thường để có thể bắt đầu xây dựng dự án và bán hàng.
Tuy nhiên, do chủ trương thoái vốn của Tổng công ty Sông Đà, Sudico đã mất 4 năm "bất động" chờ định giá tài sản để thoái vốn. Cho đến năm 2022, TCT Sông Đà mới chính thức thoái hết 36% vốn cổ phần tại Sudico cho nhóm cổ đông mới.
Ngày 19/4/2022, Tổng công ty Sông Đà - CTCP đã bán ra toàn bộ 41,7 triệu cổ phiếu SJS để giảm sở hữu từ 36,35% về còn 0% vốn điều lệ. CTCP Thương mại dịch vụ Đầu tư An Phát mua vào 41,7 triệu cổ phiếu SJS để nâng sở hữu từ 0% lên 36,35% vốn điều lệ.
"Khi đó, chúng tôi mới tập trung huy động vốn, xử lý thủ tục pháp lý, tính toán nguồn tiền để làm DA. Sudico có kế hoạch trả cổ tức nhưng giữa năm 2023 bất ngờ xuất hiện một khoản 593 tỷ đồng không nằm trong dự tính, do kết luận thanh tra truy thu thuế từ ngày xưa. Mọi thứ căng như dây đàn. Chúng tôi ưu tiên nộp thuế trước, vì không hoàn thành nghĩa vụ thuế thì sẽ không thể làm gì khác. Đến nay đã hoàn thành, nhưng vì vậy mà chưa có tiền trả cổ tức cho cổ đông trong năm 2023" – Ông Đỗ văn Bình nói.
Kế hoạch tăng vốn gây áp lực rất lớn với Sudico, nhất là khi các dự án đã làm thủ tục, cần có vốn đối ứng để vay ngân hàng. Trong khi đó, Ủy ban chứng khoán yêu cầu Sudico phải hoàn tất các khoản nợ cổ tức bằng tiền mặt đối với cổ đông thì mới được duyệt phương án tăng vốn điều lệ.
"Cho nên trước ngày 31/12/2024, Sudico phải trả cổ tức của năm 2016, 2017 rồi mới tăng vốn bằng chia cổ tức bằng cổ phiếu được" – Chủ tịch cho biết.