Chủ tịch Trương Gia Bình: Việt Nam cần có chiến lược ngoại giao tổng lực cho bán dẫn để nắm bắt "cơ hội ngàn năm có một"

Cách đây 25 năm, Việt Nam bắt đầu gia nhập lĩnh vực phần mềm công nghệ thông tin từ con số 0. Nhưng hiện tại, với công nghiệp bán dẫn, Việt Nam chắc chắn không bắt đầu với con số 0, bởi hiện tại chúng ta đang có nhiều lợi thế trong lĩnh vực này.

Chủ tịch Trương Gia Bình: Việt Nam cần có chiến lược ngoại giao tổng lực cho bán dẫn để nắm bắt

Sáng 29/5, hội thảo "Hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn" trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024) đã diễn ra.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) nhận định: bán dẫn là một trong những công nghệ lõi quan trọng để các quốc gia tăng tốc phát triển trong nền kinh tế số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Chip bán dẫn là một loại vi mạch cung cấp năng lượng cho nhiều loại hàng hóa, linh kiện điện tử, công nghệ, cho phép máy móc thực hiện những chức năng chính như điều khiển, xử lý dữ liệu, lưu trữ... Nói cách khác, chip bán dẫn là một thành phần không thể thiếu trong các thiết bị điện tử, công nghệ hiện nay.

Ông Bình cho biết số lượng chip bán dẫn sẽ tăng gấp đôi sau 2 năm còn dữ liệu thế giới sẽ tăng gấp đôi sau mỗi năm. Đó cũng là lý do mà thế giới công nghệ toàn cầu đang diễn ra “cuộc chiến bán dẫn”, bởi đây quốc gia nào, tổ chức nào cũng mong muốn đi đầu trong công nghệ sẽ làm chủ tương lai này.

Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này khi các công ty nước này chiếm gần một nửa doanh số chip bán dẫn thế giới. Ấn Độ đang sở hữu lượng kỹ sư thiết kế chip bán dẫn hàng đầu còn Trung Quốc là nơi sản xuất nhiều chipset (nhóm mạch tích hợp các chip) nhất (chiếm 70%).

Để củng cố vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, Mỹ đã ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS liên ngành, với các gói hỗ trợ tài chính lên tới 200 tỷ USD trong 10 năm tới để cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc. Còn phía chính Trung Quốc, để tăng cường tự chủ công nghệ, nước này cũng vừa rót thêm gói đầu tư thứ 3 hơn 47 tỷ USD để tập trung phát triển thiết bị sản xuất chip. Đây cũng là gói đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào ngành công nghiệp bán dẫn của đất nước tỷ dân.

Phần còn lại của thế giới cũng chạy đua đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng khan hiếm chip bán dẫn.

Cách đây 25 năm, Việt Nam bắt đầu gia nhập lĩnh vực phần mềm công nghệ thông tin từ con số 0. Nhưng hiện tại, với công nghiệp bán dẫn, Việt Nam chắc chắn không bắt đầu với con số 0, bởi hiện tại chúng ta đang có nhiều lợi thế trong lĩnh vực này.

Chủ tịch VINASA cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược ngoại giao tổng lực cho bán dẫn để nắm bắt cơ hội ngàn năm có một. FPT sẽ đồng hành cùng VINASA và các doanh nghiệp trong công cuộc phát triển công nghiệp bán dẫn.

“Mới đây, Hiệp hội VINASA đã thành lập Ủy ban phát triển công nghiệp bán dẫn với định hướng tập hợp lực lượng chuyên gia, doanh nghiệp, đối tác cùng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam thông qua các hoạt động như: Đào tạo; tuyên truyền phổ biến các kiến thức; kết nối hợp tác; vận động, kết nối với chính quyền các cấp, tạo ưu đãi cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế”, ông Bình cho biết thêm.


Thục Trinh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT