Chủ tịch Vinamit lên TikTok bán hàng, mở công ty mới La Moi và hướng tới thực phẩm 'chữa lành' nguồn gốc thực vật

"DN lớn với những con người quen làm việc theo cách truyền thống rất khó để thích ứng với thời đại VUCA. Vậy nên, Vinamit buộc phải thành lập thêm công ty tên La Moi. Ngoài ra, tôi thậm chí còn lên TikTok vì người tiêu dùng muốn gặp tôi thay vì anh sale nào đó của Vinamit. Nhưng thú thật là tôi vẫn chưa thích ứng giỏi bằng các bạn trẻ", ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ.

Doanh nghiệp lớn khó thích ứng với VUCA hơn là các startup

Chia sẻ trong một phiên tọa đàm của Mekong Connect 2023, ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Vinamit cho biết: thật ra thì các công ty lớn như Vinamit sợ VUCA hơn các SMEs hay starup.

"Như các bạn đã biết, hiện tại kinh tế chưa quay đầu trở lại sau Covid-19. Nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung không phải đang ảm đạm mà đã đến giai đoạn suy thoái, nhất là năm 2023. Ngày nay, có rất nhiều hình ảnh về các địa điểm buôn bán – mà trước đây rất khó thuê song bây giờ không ai đoái hoài.

Các doanh nghiệp lớn như Vinamit càng khó chuyển mình, bởi tất cả đều đã vào nề nếp, nên rất khó để chuyển động linh hoạt, ví dụ như phục vụ khách hàng theo cách cá nhân hóa mà thị trường ngày nay cần. Thời đại VUCA vừa không chắn chắn, mơ hồ vừa phức tạp. DN lựa chọn đóng cửa hay duy trì đều không dễ dàng. Duy trì thì kinh phí bao nhiêu là đủ? Chúng ta chỉ thấy đóng cửa hàng, chứ thật ra là nhiều DN còn đóng chi nhánh và cả phân xưởng.

Trong khi các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ có nhiều ưu thế hơn trong VUCA. Khi được tôi truyền cảm hứng, các bạn trẻ chuyển đổi rất nhanh; như làm các tiêu chuẩn quốc tế, từ nông nghiệp bình thường qua hữu cơ, hay bắt đầu nghiên cứu đến các thị trường tương lai là plant-based và thực phẩm chữa lành.

Tuy nhiên, nếu quyết tâm thì các DN lớn có thể tìm ra con đường sáng mới cho riêng mình. Vinamit đã phải ra mắt thêm công ty mới là La Moi, phải linh hoạt bán hàng/phân phối đa kênh và lên cả TikTok Shop thì mới vượt qua được kỷ nguyên này", Chủ tịch Vinamit chia sẻ.

Vinamit ứng phó với thời kinh tế suy thoái: Chủ tịch tái xuất hiện trên truyền thông, mở công ty mới La Moi và hướng tới thực phẩm 'chữa lành' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Lâm Viên vẫn còn rất đam mê với ngành nông nghiệp.

Để dẫn dắt DN vượt qua được VUCA, các doanh nhân phải thiết lập tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn, luôn theo sát thị trường và sẵn sàng thay đổi, đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, nâng cao khả năng thích ứng, đẩy mạnh hợp tác theo nhóm, lấy khách hàng làm trọng tâm.

Về thiết lập tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn: mỗi lãnh đạo cần sở hữu một tầm nhìn đầu tư dài hạn cho các mục tiêu toàn cầu của tổ chức. Để thực hiện điều này, việc tạo sự kết nối trong tổ chức và thúc đẩy truyền thông là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, việc duyệt xét và phân tích các thông tin về môi trường bên ngoài cùng các lựa chọn chi tiết cho tương lai của doanh nghiệp, cũng là một phần không thể thiếu về nhiệm vụ của nhà lãnh đạo.

Luôn theo sát thị trường và sẵn sàng thay đổi: các doanh nghiệp cần theo dõi và nắm bắt xu hướng cũng như tổng hợp thông tin chi tiết về các đối thủ cạnh tranh. Điều này giúp xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh một cách chính xác.

Đẩy mạnh hợp tác theo nhóm: sự kết nối giữa nhân viên và tổ chức nội bộ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Vì vậy, DN cần tạo điều kiện để các bộ phận và phòng ban có thể làm việc cùng nhau - hợp tác tốt hơn. Đồng thời, lãnh đạo cần phải tăng cường việc nghe ý kiến đóng góp từ phía nhân viên.

3 nguyên tắc vàng cho DN nếu muốn tham gia vào chuỗi giá thị trường plant-base

Vậy vì sao lại là plant-based (thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật)? Theo ông, sau Covid-19, hầu hết người tiêu dùng đều muốn nâng cao hệ miễn dịch nên họ rất quan tâm đến khoa học về lối sống. Thực phẩm plant-based đang bùng nổ nhanh trên khắp thế giới – như Thái Lan đã tăng trưởng 46% mảng này trong năm 2023, nhưng ở Việt Nam vẫn còn mơ hồ.

Trong khi, chúng ta đang sống trong kho tàng nguyên liệu thực vật quý giá song vẫn chưa biết trân quý; bởi chúng ta quên mất điều đó hoặc do chúng ta không được giáo dục từ bé cũng như thiếu kiến thức. Nếu người Việt nhận ra những gì mình đang có sẽ tạo nên sức cạnh tranh mạnh trong khu vực, vì chúng ta vừa có tài nguyên vừa có người lao động.

Vinamit ứng phó với thời kinh tế suy thoái: Chủ tịch tái xuất hiện trên truyền thông, mở công ty mới La Moi và hướng tới thực phẩm 'chữa lành' - Ảnh 2.

Yêu cầu của thế giới với các sản phẩm plant-base.

"Hơn nữa, thị trường ngách (như plant-based hay thực phẩm chữa lành) thường sẽ có nhu cầu tiềm ẩn nhưng chưa bùng phát. Chúng ta đừng coi thường thị trường ngách/xu hướng bởi nếu nó lớn lên thì sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn, tạo điều kiện tốt để chúng ta phát triển", ông Nguyễn Lâm Viên khẳng định.

Có 3 nguyên tắc vàng dành cho doanh nghiệp nếu muốn tham gia vào chuỗi giá trị của thị trường, đồ ăn và thức uống plant-based

Đầu tiên là phải chuyển chuyển đổi xanh. Người tiêu dùng hiện nay không muốn sử dụng thực phẩm có phụ gia, 'siêu chế biến' mà là thực phẩm hữu cơ – plant-based, chữa lành. Thời đại ăn ngon và sức khỏe thể chất đã qua, nay là thời đại ăn để có sức khỏe tinh thần – để hạnh phúc.

"Chúng ta cần tập trung marketing và truyền thông, đưa câu chuyện hữu cơ, plant-based và chữa lành vào thực phẩm của mình. Nếu bạn kịp theo những xu hướng này, thì trong năm 2024 sẽ tốt.

Hôm trước, có một đối tác Trung Quốc đã qua Việt Nam gặp tôi để đề nghị tham gia vào cái gọi là 'bệnh viện online trái cây'. Bạn không nghe lầm đầu! Người tiêu dùng Trung Quốc không thích ăn rau, họ thích trái cây hơn và với họ, thì trái cây chính là thực phẩm chữa lành. Đó chính một trong những nguyên do khiến nhu cầu ăn trái cây từ Việt Nam (như sầu riêng) của người tiêu dùng Trung Quốc bùng nổ mạnh trong năm nay.

Tại châu Âu hay Việt Nam, càng ngày càng có nhiều người tiêu dùng chọn lối sống thuần chay", Chủ tịch Vinamit phân tích.

Trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác vẫn đang đánh vật với nông nghiệp hữu cơ – organic, thì Vinamit bắt đầu chạy đua đến plant-based và ngấp nghé thực phẩm chữa lành. Làm người tiên phong luôn mệt mỏi, nhưng vì Vinamit còn có giấc mơ chinh phục các cường quốc Âu Mỹ, nên bắt buộc phải theo xu hướng mới nhất của thế giới.

Vinamit ứng phó với thời kinh tế suy thoái: Chủ tịch tái xuất hiện trên truyền thông, mở công ty mới La Moi và hướng tới thực phẩm 'chữa lành' - Ảnh 3.

Vinamit ứng phó với thời kinh tế suy thoái: Chủ tịch tái xuất hiện trên truyền thông, mở công ty mới La Moi và hướng tới thực phẩm 'chữa lành' - Ảnh 4.

Một vài sản phẩm tiêu biểu của La Moi.

Thứ hai là phải chuyển đổi số. Sở dĩ Vinamit phải thành lập thêm công ty tên là La Moi để phục vụ cho dự án mới – plant-based hay thực phẩm thay đổi sự sống là vì nhân sự có sẵn của Vinamit không thích ứng được với các xu hướng tiêu dùng/marketing/bán hàng mới.

Vinamit có những người làm sale/marketing theo cách cũ, quen bán sỉ ra chợ hoặc kênh MT như siêu thị/cửa hàng tiện lợi. Mỗi khi ký 1 hợp đồng cung cấp hàng, thì họ thường thuê một công ty logistic là có thể giao hàng khắp toàn quốc. Họ không quen và không thích việc chăm sóc cho từng cá nhân, lên từng đơn hàng một và đóng gói từng bao bì nhỏ chuyển đi tới tay từng khách hàng.

La Moi đã tuyển người trẻ và họ khá thích thú với những áp lực của tốc độ chăm sóc từng khách hàng và các kênh marketing/phân phối kỹ thuật số.

"Trong thời đại VUCA, không chỉ hàng hóa phải thường xuyên xuất hiện trên các nền tảng số như Foodmap hay TikTok Shop mà các ông chủ cũng phải thường xuyên xuất hiện trên đó.

Vậy nên, sau Covid-19, tôi nghĩ là mình phải tái xuất hiện lại trên truyền thông, thậm chí trên TikTok. Bởi người tiêu dùng muốn gặp mình chứ không phải anh bán hàng hoặc chị truyền thông nào đó của Vinamit. DN lớn thường làm những công việc truyền thống giỏi, tôi vẫn chưa thích ứng giỏi bằng các bạn trẻ", ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ tiếp.

Cuối cùng là sự liên kết và gắn kết. Hiện các doanh nhân trẻ của Việt Nam đã làm khá tốt điều này và tương lai chúng ta có thể có một cộng đồng mạnh mẽ vươn ra quốc tế.

Quỳnh Như

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT