Chưa từng có trong lịch sử: Trung Quốc sẽ mua lại hàng triệu BĐS ‘ế khách’ từ người dân, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài trên thị trường

Trung Quốc sẽ cần ít nhất 7 nghìn tỷ Nhân dân tệ để có thể hấp thụ hết lượng BĐS dư thừa trong vòng 18 tháng.

Chưa từng có trong lịch sử: Trung Quốc sẽ mua lại hàng triệu BĐS ‘ế khách’ từ người dân, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hàng năm trời trên thị trường - Ảnh 1.

Theo hãng tin Reuters, chính phủ Trung Quốc đang xem xét kế hoạch mới nhằm giải tỏa căng thẳng trên thị trường bất động sản (BĐS). Cụ thể chính quyền địa phương có thể sẽ mua lại hàng triệu căn nhà chưa bán được từ người dân nhằm gia tăng thanh khoản cho thị trường.

Nguồn tin thân cận giấu tên cho biết Trung Quốc đang thu thập ý kiến từ các địa phương cho kế hoạch mới để giải cứu thị trường BĐS.

Hãng tin Reuters nhận định dù chính phủ Trung Quốc đã thực hiện thí điểm một số biện pháp giải cứu thị trường BĐS từ nguồn vốn ngân sách nhưng nếu kế hoạch mới được thông qua thì chương trình hỗ trợ thị trường này được cho là sẽ có quy mô lớn hơn rất nhiều.

Chưa từng có trong lịch sử: Trung Quốc sẽ mua lại hàng triệu BĐS ‘ế khách’ từ người dân, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hàng năm trời trên thị trường - Ảnh 2.

Cụ thể, những tập đoàn quốc doanh địa phương sẽ được yêu cầu hỗ trợ mua lại các BĐS chưa bán được của người dân nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường, tạo nguồn vốn mới cho các công ty xây dựng hoàn thiện dự án.

Hiện nhiều tập đoàn do vay nợ quá nhiều nên không còn đủ vốn thực hiện nhiều dự án gây chậm trễ, qua đó tạo tâm lý sợ hãi trên thị trường và làm giảm doanh số bán nhà. Chính điều này lại càng làm giảm tính thanh khoản của thị trường và khiến công ty càng đói vốn, tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Nguồn tin giấu tên cho hay các quan chức vẫn đang thảo luận chi tiết của kế hoạch mới và nếu được thông qua thì cũng phải mất nhiều tháng mới có thể đưa vào thực hiện.

Chấn động toàn thị trường

Nếu kế hoạch trên được thông qua thì các chuyên gia đánh giá đây sẽ là chương trình giải cứu gây chấn động toàn thị trường với quy mô rộng lớn, qua đó tác động mạnh lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Trong 4 tháng đầu năm nay, doanh số bán nhà tại Trung Quốc đã giảm 47% khiến lượng BĐS tồn kho chưa bán được lên cao nhất 8 năm. Theo tính toán, khó khăn của ngành BĐS có thể khiến 5 triệu lao động Trung Quốc bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập.

"Kế hoạch mới nếu được thông qua sẽ tăng tính thanh khoản trực tiếp cho thị trường và cải thiện tình hình tài chính toàn ngành, đồng thời giải phóng ngay lập tức lượng lớn BĐS ứ đọng. Đây là một giải pháp tích cực nhưng cũng cần rất nhiều nguồn vốn. Ít nhất Trung Quốc sẽ cần 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ để thực hiện kế hoạch trên với quy mô đủ sức tạo hiệu quả trên thị trường", chuyên gia Raymond Cheng của CGS International Securities HK nhận định.

Đồng quan điểm, giám đốc Shujin Chen của Jefferies Financial Group cho rằng con số ít nhất phải là 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 277 tỷ USD.

Chỉ số CSI 300 Index, bao gồm những tập đoàn BĐS lớn ở Trung Quốc, đã tăng 5% ngay sau thông tin trên.

Trên thực tế Trung Quốc đã từng thực hiện mua lại BĐS từ người dân và doanh nghiệp để tăng tính thanh khoản cho thị trường trước đây nhưng do quy mô quá nhỏ nên không thành công.

Đầu năm 2023, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm 100 tỷ Nhân dân tệ cho các tổ chức tài chính nhằm giúp 8 thành phố thí điểm chương trình mua lại BĐS từ người dân và doanh nghiệp.

Tờ Economic Observer cho biết vào tháng 1/2024, các thành phố như Qingdao và Fuzhou tiếp tục thực hiện việc mua lại BĐS từ thị trường nhưng chỉ với nguồn vốn 2 tỷ Nhân dân tệ do các quan chức địa phương vẫn đang cực kỳ thận trọng.

Dẫu vậy kể từ tháng 4/2024, một số thành phố như Hangzhou bắt đầu tăng cường chiến dịch mua lại BĐS và nới rộng thêm nguồn vốn từ ngân sách.

Trong khi đó, khoảng 50 thành phố khác đang có chương trình đổi nhà cũ lấy nhà mới nhằm kích cầu thị trường.

Chưa từng có trong lịch sử: Trung Quốc sẽ mua lại hàng triệu BĐS ‘ế khách’ từ người dân, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hàng năm trời trên thị trường - Ảnh 4.

Thách thức

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn khá lo lắng về thị trường BĐS Trung Quốc khi cho rằng kế hoạch mới chỉ mang tính ngắn hạn. Về dài hạn, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn chưa tìm được giải pháp để cân bằng cung cầu thực tế trên thị trường nhà đất.

Số liệu chính thức cho thấy tổng diện tích BĐS chưa bán được ở Trung Quốc đã lên đến 334 triệu m2 vào năm 2023, mức cao nhất kể từ năm 2016.

Theo ước tính của Tianfeng Securities, Trung Quốc sẽ cần ít nhất 7 nghìn tỷ Nhân dân tệ để có thể hấp thụ hết lượng BĐS trên trong vòng 18 tháng.

Kế hoạch trên nếu thực hiện không chỉ giúp giảm lượng nhà tồn kho mà còn hỗ trợ tình hình nợ nần chồng chất của nhiều tập đoàn đang không tìm được nguồn vốn để trả nợ. Tổng vay nợ của ngành BĐS tại Trung Quốc đã lên đến 56% GDP năm 2023.

Ngành ngân hàng Trung Quốc cũng đang chịu áp lực rất lớn khi các con nợ là tập đoàn BĐS trễ hẹn thanh toán do không bán được các dự án.

Trong khi đó khoảng 80% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc được đổ vào BĐS như một kênh tài sản đầu cơ và trú ẩn an toàn. Thế nhưng khi giá nhà tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần 7 năm qua, tình hình thị trường bắt đầu đảo chiều và đóng băng.

Những tập đoàn BĐS lớn như Country Garden đã phải sa thải đến 70.000 lao động trong khi vô số công nhân biểu tình đòi thanh toán khoản tiền lương chậm trễ.

"Tôi chẳng quan tâm công ty đang khủng hoảng ra sao. Tôi chỉ muốn đòi lại số tiền lương kiếm được bằng mồ hôi và nước mắt của mình", một nữ công nhân xây dựng họ Fu tại Guangdong cho biết khi tham gia biểu tình.

*Nguồn: Tổng hợp

Băng Băng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT