Chứng khoán APG sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần 2 vào cuối tháng 7
Do chỉ có 47,57% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự nên ĐHĐCĐ thường niên của Chứng khoán APG đã không thể diễn ra. Công ty cho biết sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần hai vào cuối tháng 7.
CTCP Chứng khoán APG (mã: APG, sàn HoSE) đã không tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 như kế hoạch.
Theo biên bản được công bố, tính đến 9h sáng ngày 30/6/2024, số cổ đông và người đại diện ủy quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của APG là 19 đại biểu, đại diện cho 106,37 triệu cổ phần, tương đương 47,57% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Căn cứ điều lệ công ty và Luật Doanh nghiệp hiện hành, ĐHĐCĐ thường niên lần thứ nhất của Chứng khoán APG không đủ điều kiện tiến hành theo quy định.
HĐQT Chứng khoán APG sau đó ra nghị quyết thông qua kế hoạch tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 lần thứ 2. Thời gian tổ chức vào ngày 21/7, tại Tòa nhà số 132 Mai Hắc Đế, Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
Theo tài liệu được công bố trước đó, Chứng khoán APG lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 390,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 239 tỷ đồng, tăng trưởng 47,5% và 42,55% so với cùng kỳ năm 2023.
Về phương án phân phối lợi nhuận, APG dự kiến trình kế hoạch chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu tỷ lệ 9%, tương ứng phát hành thêm hơn 20.1 triệu cp mới. Năm 2024, Công ty dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 5%.
Bên cạnh đó, Chứng khoán APG trình phương án chào bán 223,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:1), phát hành 11,2 triệu cổ phiếu ESOP (tỷ lệ 5%) và chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ.
Với phương án chào bán223,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá 10.000 đồng/cp. Số tiền huy động được, công ty sẽ dùng 70% bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh. Nguồn vốn còn lại bổ sung cho hoạt động đầu tư các giấy tờ có giá (20%) và hoạt động môi giới (10%).
Cùng với đó, APG dự kiến phương án chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.200 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh quý I/2024, APG ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 30 tỷ đồng và lãi sau thuế trên 6 tỷ đồng, lần lượt giảm 40% và 86% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính do hoạt động tự doanh kém hơn cùng kỳ, lỗ bán các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng trong khi chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL giảm.
Tại thời điểm 31/03/2024, danh mục FVTPL (toàn bộ là cổ phiếu) có giá trị gốc khoảng 407.7 tỷ đồng, tạm lãi trên 300 triệu đồng, kém xa mức lãi gần 35 tỷ đồng hồi đầu năm.