Chứng khoán DSC đảo chiều lợi nhuận sau 2 năm 'về tay' TC Group

Quý II/2023, Chứng khoán DSC báo lãi ròng 45 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 4 tỷ đồng, trong đó hoạt động tự doanh tăng trưởng tốt, đóng góp lớn nhất trong doanh thu.

Theo báo cáo tài chính quý II/2023 mới công bố, CTCP Chứng khoán DSC (mã chứng khoán DSC) ghi nhận doanh thu 127 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái. 

Về cơ cấu doanh thu, hoạt động tự doanh đóng góp 37,13 tỷ đồng, bứt phá mạnh so với 476,4 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái. Khoản thu nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán phát sinh trong quý này là 25 tỷ đồng thông qua giao dịch với CTCP Đầu tư NTP (bao gồm phí tư vấn 25 tỷ đồng, phí chuyển nhượng quyền mua hơn 2,57 tỷ đồng).

Tiếp đến, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán tăng gấp khoảng 15 lần lên mức hơn 30 tỷ đồng. Còn lãi từ khoản cho vay và phải thu 29,5 tỷ đồng, gấp 5 lần.

Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động của DSC chỉ 27,3 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Trong đó chi phí nghiệp vụ môi giới chứng khoán chiếm tới hơn 24 tỷ đồng. Ngoài ra phải kể tới chi phí lãi vay tăng gấp 4 lần lên 35,5 tỷ đồng.

Kết quả, Chứng khoán DSC vẫn mang về 56,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 45 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng tích cực so với khoản lỗ hơn 4 tỷ đồng cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, DSC mang về 194 tỷ đồng doanh thu, gấp 2,3 lần và lợi nhuận sau thuế đạt 56 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ năm 2022.

chung-khoan-dsc-dao-chieu-loi-nhuan-sau-2-nam-ve-tay-tc-group-1689919283.jpg
Chứng khoán DSC ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II đạt 45 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 4 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của DSC tăng mạnh hơn 80% đạt 4.372 tỷ đồng sau 6 tháng. Trong đó, các tài sản tài chính thông qua lãi lỗ (FVTPL) tăng mạnh lên gần 2.000 tỷ đồng (riêng Chứng chỉ tiền gửi chiếm gần 1.860 tỷ đồng). Các khoản cho vay đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.

Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả tăng 2,4 lần lên mức 3.251 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngắn hạn lên tới 2.227 tỷ đồng, tăng 1,7 lần và đều là các khoản vay ngân hàng. Các khoản phải trả, phải nộp khác cũng tăng mạnh từ hơn 2 tỷ đồng lên 703 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu đạt 1.121 tỷ đồng, tăng hơn 150 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó vốn góp của chủ sở hữu là hơn 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối hơn 120 tỷ đồng.

Chứng khoán DSC tiền thân là CTCP Chứng khoán Đà Nẵng, thành lập năm 2006. Tháng 8/2021. công ty tăng vốn “thần tốc” từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, bằng cách phát hành 94 triệu cổ phiếu riêng lẻ . 

CTCP Đầu tư NTP là một trong các nhà đầu tư đã mua 70 triệu cổ phiếu, qua đó trở thành công ty mẹ - cổ đông lớn của DSC.

Được biết, CTCP Đầu tư NTP là doanh nghiệp rất “trẻ”, thành lập tháng 3/2021 có địa chỉ tại tầng 8 Thành Công Building, số 80 Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. 

Doanh nghiệp do ông Nguyễn Đức Anh (SN 1995) là Chủ tịch, kiêm tổng giám đốc và đại diện theo pháp luật. Ông Nguyễn Đức Anh cũng là Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán DSC.

Chủ tịch Chứng khoán DSC Nguyễn Đức Anh là con trai của ông Nguyễn Quốc Hoàn - Chủ tịch Tập đoàn Thành An (anh trai ông Nguyễn Anh Tuấn). Ông Hoàn là đại diện pháp luật hàng chục công ty phân phối ô tô với thương hiệu Thành An, HyunDai tại các tỉnh thành.

Một thông tin đáng chú ý đó là mới đây, Tập đoàn Thành Công (TC Group) đã chính thức công bố về việc Chứng khoán DSC thuộc hệ sinh thái của mình. 

“Là một đơn vị trẻ, mới gia nhập Tập đoàn Thành Công từ cuối năm 2021, đến nay CTCP Chứng khoán DSC đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô và vị thế trên thị trường chứng khoán. Theo danh sách Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất trong quý 2/2023 trên sàn UPCoM, Chứng khoán DSC xếp thứ 4 với 6,43%”, trích thông báo trên website của Tập đoàn Thành Công ngày 12/7.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT