Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Chứng khoán ngày 11/3: Lực bán dồn dập, VN-Index điều chỉnh cực mạnh

Hà Thị Lưu Luyến

Thị trường chứng khoán ngày 11/3 ghi nhận lực bán dồn dập, đặc biệt ở nhóm VN30 khiến thị trường chưa có cơ hội hồi phục. VN-Index tiếp tục giảm mạnh gần 12 điểm.

Sau đôi chút hồi phục yếu ớt của phiên sáng, thị trường bước vào phiên chiều lại không hề lạc quan như mong đợi. Sắc đỏ áp đảo bảng điện tử khi lực bán dồn dập. Thanh khoản sụt giảm mạnh, cho thấy thị trường chưa đủ hấp dẫn để dòng tiền mới nhập cuộc.

Phiên 11/3, chỉ số VN-Index giảm 11,86 điểm, tương đương 0,95%, xuống 1.235,49 điểm.

chung-khoan-ngay-11-3-nhom-ngan-hang-rot-tham-vn-index-van-dieu-chinh-cuc-manh-1710150460.png
Cổ phiếu thanh khoản lớn giảm giá cực mạnh phiên 11/3

Hôm nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng là gánh nặng chính của thị trường. Giảm mạnh nhất trên sàn HoSE là LPB khi mất 3,22% giá trị. Khá nhiều mã giảm trên 2% như VPB, MBB, SHB, NAB, OCB. Cặp đôi MBB và SHB vẫn có thanh khoản sôi động nhất ngành khi khớp tương ứng 34,91 triệu đơn vị và hơn 30 triệu đơn vị, lần lượt đóng cửa giảm 2,8% và 2,6%. Đa số các mã ngân hàng còn lại đều giảm trên 1%. Riêng HDB và EIB ghi nhận sắc xanh với mức tăng lần lượt 0,43% và 1,41%.

Cổ phiếu chứng khoán phân hoá hơn khi sắc xanh hiện lên ở FTS (tăng 2,7%), CTS (tăng 1,37%), AGR (tăng 0,95%), TVS (tăng 1,04%). Dẫu vậy, sắc đỏ vẫn là chủ đạo, trong đó SSI giảm 1,47%, VND giảm 2,55%, VCI giảm 0,42%, HCM giảm 1,77%, VIX giảm 0,26%, VDS giảm 3,13%, ORS giảm 2,06%, APG giảm 1,02%. Trong đó, VIX và VND có thanh khoản tốt nhất nhóm, đạt hơn 32-34 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản cũng ghi nhận sắc đỏ chiếm ưu thế. Đáng chú ý có VIC giảm 1%, BCM giảm 3,17%, VRE giảm 3,54%, NVL giảm 2,73%, KBC giảm 3,02%, VCG giảm 2,04%, DXG giảm 1,66%, HDG giảm 3,25%, DXS giảm 1,13%, CRE giảm 2%, NBB giảm 3,29%... Số mã tăng rất ít, có thể kể đến VPI, KOS, SJS, LGC.

Cổ phiếu năng lượng cũng giao dịch hết sức tiêu cực khi GAS giảm 2,14%, POW giảm 0,85%, PGV giảm 0,46%, PLX giảm 2,31%.

Nhóm sản xuất phân hoá rõ rệt, số mã tăng tương đương số mã giảm. Trong đó nhóm xuất nhập khẩu đều tăng điểm như ANV, FMC, MSH, ASM. Đáng chú ý, DBC tăng 4,1% lên mức 30.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24 triệu đơn vị, đứng ở vị trí thứ 7 trong top cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường. Ngoài ra, IDI và STK lần lượt có thêm 4,84% và 5,89% giá trị; DMC thậm chí tăng kịch trần.

Cổ phiếu bán lẻ phân hoá rất mạnh khi MWG và DGW giảm lần lượt 2,83% và 1,66% nhưng PNJ và FRT tăng lần lượt 2,59% và 5,82%. FRT.

Tín hiệu tích cực là khối ngoại đã trở lại mua ròng, với giá trị gần 250 tỷ đồng trên sàn HoSE (trong tổng số gần 4.000 tỷ đồng giao dịch). Trong đó, FRT được mua ròng mạnh nhất với giá trị 97 tỷ đồng, kế đến là EIB 66 tỷ đồng, FTS và HPG 63 tỷ đồng, VPI 57 tỷ đồng, DBC 50 tỷ đồng; KDH, VHM, VIC trên 40 tỷ đồng; STB, HDB 48 tỷ đồng…

Chiều bán ròng dẫn đầu là MSN -92 tỷ đồng, tiếp theo là KBC 64 tỷ đồng, VPB 49 tỷ đồng, PVD, SAB 41 tỷ đồng, DXG 38 tỷ đồng, DGW 34 tỷ đồng, MWG 33 tỷ đồng; DGC, PVT, SHB 25 tỷ đồng…

Toàn sàn HoSE có 106 mã tăng giá, 57 mã đứng giá tham chiếu và 392 mã giảm giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 976 triệu đơn vị, giá trị gần 23.858 tỷ đồng, giảm 27,7% về lượng và 26,6% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 8/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 53,23 triệu đơn vị, giá trị 1.311 tỷ đồng.

Sàn HNX có 56 mã tăng và 124 mã giảm, HNX-Index giảm 2,48 điểm (-1,05%) xuống 233,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 92,17 triệu đơn vị, giá trị gần 1.913 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,4 triệu đơn vị, giá trị 102,62 tỷ đồng.

UPCoM-Index giảm 0,57 điểm (-0,63%) xuống 90,66 điểm với 152 mã tăng và 140 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,52 triệu đơn vị, giá trị gần 487 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 4 triệu đơn vị, giá trị 116,6 tỷ đồng, trong đó, đáng kể có 3,29 triệu cổ phiếu DAN, trị giá 98,7 tỷ đồng.

Hà Ly (t/h)