Chứng khoán ngày 16/8: Bất động sản và ngân hàng đưa VN-Index 'bay cao'

Thị trường chứng khoán ngày 16/8 ghi nhận dòng quay trở lại đặc biệt đổ vào nhóm bất động sản và ngân hàng, giúp VN-Index vượt mốc 1.240 điểm.

Dòng tiền trở lại mạnh mẽ hôm nay, đặc biệt VIC và STB giao dịch khổng lồ, đã giúp nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng tăng tốt nhất thị trường. Trong 10 cổ phiếu kéo điểm nhiều nhất cho chỉ số chung thì có tới 3 mã bất động sản và 5 mã ngân hàng. Chỉ 8 mã này đã đem lại 9,9 điểm cho VN-Index.

Phiên 16/8, chỉ số VN-Index tăng 9,21 điểm, tương đương 0,75%, lên 1.243,26 điểm. 

chung-khoan-ngay-16-8-bat-dong-san-va-ngan-hang-dua-vn-index-bay-cao-1692178740.png
Diễn biến sàn HoSE đóng cửa phiên 16/8

Tâm điểm của phiên giao dịch hôm nay chính là nhóm cổ phiếu nhà Vingroup khi Vinfast đã có phiên chào sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ quá rực rỡ. Riêng bộ 3 cổ phiếu nhà Vin đã mang về cho VN-Index khoảng 6 điểm trong phiên giao dịch hôm nay.

VIC và VHM là hai trụ mạnh nhất. Trong đó, VIC chốt ổn định ở giá kịch trần, thanh khoản tới 1.467,7 tỷ đồng chưa kể 22,7 tỷ đồng thỏa thuận. Tính theo giá trị, hôm nay là phiên giao dịch kỷ lục của mã này. Còn VHM đóng cửa tăng 1,94%, thanh khoản khoảng 401 tỷ đồng, thuộc Top 15 mã giao dịch lớn nhất thị trường.

VRE lại là mã được mua vào nhiều nhất với 5,24 triệu đơn vị, trong khi chỉ bán ra 1,84 triệu đơn vị, theo đó khối ngoại mua ròng 3,4 triệu cổ phiếu VRE, cao nhất về khối lượng, tương đương giá trị mua ròng 107,6 tỷ đồng, đứng thứ 2 sau VIC. Tuy nhiên, về mức giá, VRE là mã có mức tăng khiêm tốn nhất trong nhà khi chỉ tăng 0,6% lên 31.500 đồng, khớp 11,8 triệu đơn vị. 

Loạt mã bất động sản cũng diễn biến tích cực như LGC tăng 1,34%, PDR tăng 1,79%, SJS tăng 2,17%, DXS tăng 3,03%. Ở chiều ngược lại, BCM giảm 0,41%, KDH giảm 1,25%, KBC giảm 0,77%, HDG giảm 1,76%,SZC giảm 1,19%... NVL khớp 41 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm nhẹ 0,5% trong khi DIG tăng 4% lên 28.500 đồng, khớp 31,5 triệu đơn vị; DXG cũng tăng 1,7% lên 20.750 đồng, khớp 22,61 triệu đơn vị. 

Nhóm ngân hàng cũng giao dịch hết sức sôi động, tạo động lực cho chỉ số VN-Index. Tuy vậy cũng chỉ có 8/27 cổ phiếu ngân hàng đóng cửa tăng quá được 1%. Cụ thể, VCB tăng 0,34%, BID tăng 1,06%, VPB tăng 1,82%, TCB tăng 3,67%, STB tăng 4,44%, EIB tăng 1,62%. Chỉ có 2 cổ phiếu ngân hàng là CTG và SHB ghi nhận sắc đỏ, nhưng mức giảm đều không đáng kể.

Trong nhóm, STB là mã có thanh khoản tốt nhất với 44,95 triệu đơn vị. Tiếp đến là VPB khớp 39,59 triệu đơn vị, đứng thứ 4 trên sàn.

Cả sàn HoSE, trong 23 cổ phiếu đạt thanh khoản phiên này trên 200 tỷ đồng thì có 10 mã bất động sản và 6 mã ngân hàng.

Cổ phiếu chứng khoán phân hóa với SSI tăng 0,52%, VND tăng 0,95%, HCM tăng 0,5%, VIX tăng 6,41% thì VCI giảm 0,35%, FTS giảm 1,07%, BSI giảm 0,91%, AGR giảm 0,31%.

Nhóm sản xuất ngập tràn bởi sắc đỏ khi MSN giảm 0,73%, GVR giảm 0,47%, DGC giảm 0,92%, SBT giảm 1,53%, BHN giảm 1,82%, BMP giảm 1,77%, DHG giảm 2,17%, VHC giảm 1,6%.

Cổ phiếu năng lượng và hàng không diễn biến ảm đạm: GAS giảm 0,2%, PGV giảm 0,34%, PLX giảm 0,25% còn POW đứng giá tham chiếu; VJC giảm 1,08% trong khi HVN đứng giá tham chiếu.

Cổ phiếu bán lẻ phân hóa khi MWG và FRT giảm lần lượt 0,37% và 1,48% nhưng PNJ lại có thêm 1,52% giá trị.

Độ rộng của VN-Index hôm nay cũng chỉ duy trì được mức cân bằng yếu, với 217 mã tăng/243 mã giảm. Số tăng chỉ có 55 mã tăng quá 1% và phía giảm có 91 mã giảm trên 1%.

Tổng khối lượng giao dịch sàn HoSE đạt 930,7 triệu đơn vị, giá trị 20.918,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 65 triệu đơn vị, giá trị 1.898,6 tỷ đồng.

HNX-Index tăng 1,11 điểm (+0,44%), lên 252,56 điểm với 79 mã tăng và 109 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 109,4 triệu đơn vị, giá trị 2.099 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6 triệu đơn vị, giá trị 98 tỷ đồng.

UPCoM-Index tăng nhẹ 0,19 điểm (+0,2%), lên 93,67 điểm với 153 mã tăng và 136 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,7 triệu đơn vị, giá trị 1.053,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,1 triệu đơn vị, giá trị 201,9 tỷ đồng.

Nếu tổng hợp cả 3 sàn, giá trị giao dịch đạt 24.012 tỷ đồng, quay lại ngưỡng “tỷ đô” sau phiên hôm qua tụt xuống còn hơn 22 ngàn tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT