Chứng khoán ngày 26/7: HVN được 'giải cứu', VN-Index trở lại ngưỡng 1.240 điểm
Thị trường chứng khoán ngày 26/7 vẫn ghi nhận thanh khoản yếu xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm. Tuy nhiên, lực cung giá thấp đã tạo điều kiện cho VN-Index trở lại ngưỡng 1.240 điểm.
Phiên giao dịch sáng nay ghi nhận áp lực bán giảm bớt nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp. Bước sang phiên chiều, lực cầu dù cải thiện không đáng kể nhưng việc tiết cung giá thấp là động lực chính sắc xanh lan rộng ra thị trường. Kết quả, VN-Index tìm lại được mốc 1.240 điểm.
Riêng thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm và khối lượng giao dịch trên sàn HoSE trong phiên hôm nay đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm, kể từ phiên 20/4/2023, còn giá trị giao dịch thuộc top 3 phiên thấp nhất kể từ đầu năm 2024.
Phiên 26/7, VN-Index tăng 8,92 điểm (+0,72%) lên 1.242,11 điểm.
Nhóm VN30 kết phiên tăng gần 10 điểm khi có tới 22 mã tăng, 5 mã đứng giá và chỉ còn 3 mã giảm. Trong đó, 3 cổ phiếu Vingroup thiếu sự đồng thuận với nhóm bluechip khi VRE giảm 2%, VHM giảm nhẹ 0,1% và VIC đứng giá tham chiếu. Ngược lại, cổ phiếu POW vẫn tăng tốt nhất khi đóng cửa tăng 5% lên mức 13.550 đồng/cổ phiếu và thanh khoản thuộc top sôi động với 12,85 triệu đơn vị khớp lệnh.
Bộ 3 mã lớn gồm BCM, MSN và FPT đều nới rộng biên độ tăng, là các động lực chính đã đóng góp gần 3 điểm cho chỉ số chung. Kết phiên, BCM tăng 4,9% lên mức 72.500 đồng/CP, MSN và FPT lần lượt tăng 4,2% và 2,4%, đều đứng tại mức giá cao nhất trong ngày, tương ứng là 74.000 đồng/cổ phiếu và 128.000 đồng/cổ phiếu.
Nhóm công nghệ viễn thông là nhóm hồi phục mạnh nhất. FPT trở lại vùng giá 128.000 đồng/cổ phiếu. CMG cũng tăng mạnh 5,8%, CTR tăng 3,1%, FOC tăng 3,6%, FOX tăng 4,4%, VTP tăng hơn 3%... Ngược chiều, VGI, ELC, SGT giảm nhẹ.
Nhóm ngân hàng, dù sắc xanh chiếm ưu thế nhưng chủ yếu chỉ tăng nhẹ với CTG, MBB, OCB, STB tăng hơn 1%, còn chủ yếu tăng chưa tới 0,5%; trong khi cặp đôi lớn VCB và TCB đứng giá tham chiếu; còn LPB vẫn là mã giảm mạnh nhất ngành khi đóng cửa giảm 3,3% xuống mức 29.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 14,35 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán ghi nhận VND và SSI tăng nhẹ; VCI, SHS, HCM tăng hơn 1%. Một số mã nhỏ tăng mạnh, gồm CSI +8,8%, HAC +6%, SBS +3,5%, BMS +3,5%. Chiều giảm có VIX -1,8%, PHS -4,2%, CTS -1,5%, TCI -1,6%, WSS -1,9%, TCI -1,6%... Trong đó, VIX giao dịch sôi động nhất thị trường với 20,24 triệu đơn vị, tuy nhiên đóng cửa là cổ phiếu giảm mạnh nhất ngành khi để mất 1,8% xuống mức 13.800 đồng/cổ phiếu.
Nhóm xây dựng và bất động sản ngoài BCM thì nhiều mã cũng ở chiều tăng, như DGT và HVH tăng trần. DPG, DTD, BCG, SJS, SZC, IJC… tăng hơn 2%. HDG, HHV, NHA, TDC, VCG, CTD, HUT… tăng hơn 1%. Chiều giảm có VRE -2%, NVL -2,2%, DXG -1,4%, CEO -1,3%, PDR -1%; VHM, VPI, HDC, TIP, SCR… giảm nhẹ.
HVN được giải cứu thành công sau chuỗi 10 phiên lao dốc, trong đó có 6 phiên nằm sàn. Kết phiên, HVN tăng 3,47% lên mức 20.900 đồng/cổ phiếu với thanh khoản đứng ở vị trí thứ 6 toàn thị trường, đạt hơn 9,68 triệu đơn vị.
Khối ngoại quay đầu mua ròng với giá trị 379 tỷ đồng phiên hôm nay, trong đó khối này giải ngân 1.945 tỷ đồng và bán ra 1.566 tỷ đồng.
Những mã bị đẩy bán mạnh nổi bật là DGC 87 tỷ đồng, MWG 85 đồng, SSI 73 tỷ đồng, HPG 55 đồng, VHM 36 tỷ đồng,… Ngược lại, những mã mua gom chủ yếu KDC 466 tỷ đồng, VCB 107 tỷ đồng, BID 71 tỷ đồng, MSN 67 tỷ đồng, FPT 45 tỷ đồng,...
Tổng khối lượng giao dịch sàn HoSE đạt gần 458,8 triệu đơn vị, giá trị 11.853,7 tỷ đồng, giảm 5,3% về khối lượng và nhích nhẹ 1,1% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 41,5 triệu đơn vị, giá trị 1.735,7 tỷ đồng.
Sàn HNX có 97 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 1,4 điểm (+0,6%) lên 236,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 32,78 triệu đơn vị, giá trị 658 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,94 triệu đơn vị, giá trị 138,94 tỷ đồng.
UPCoM-Index tăng 0,67 điểm (+0,71%) lên 95,18 điểm với 217 mã tăng và 119 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 41,1 triệu đơn vị, giá trị 449,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,2 triệu đơn vị, giá trị 53,88 tỷ đồng.