Chứng khoán ngày 5/6: 'Anh cả' VCB dẫn lối, VN-Index tiến sát mốc 1.100 điểm

Thị trường chứng khoán ngày 5/6 ghi nhận cổ phiếu VCB tăng điểm ấn tượng, thanh khoản sôi động, qua đó, kéo chỉ số chung VN-Index tăng 6,98 điểm.

Phiên giao dịch đầu tuần tiếp tục diễn biến tích cực từ cuối tuần trước. Nhóm cổ phiếu trụ tiếp tục làm tốt vai trò gánh vác, có lúc VN-Index vượt mốc 1.100 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán chốt lời khiến thị trường trở nên phân hóa.

Nhóm VN30 ghi nhận 22/30 mã tụt giá, chỉ số VN30-Index tăng 0,38%. Smallcap thậm chí còn bị đánh tụt xuống dưới tham chiếu, dù mức giảm không đáng kể. Độ rộng áp đảo ở phía giảm với 105 mã trong khi tăng là 81 mã.

Chốt phiên 5/6, chỉ số VN-Index tăng 6,98 điểm, tương đương 0,64%, lên 1.097,82 điểm. Việc có được phiên tăng thứ 3 liên tiếp đã giúp VN-Index tiến sát đỉnh cao nhất kể từ đầu năm 2023. Đây là một mức đỉnh ngắn hạn đáng chú ý, vì vậy có khả năng nhà đầu tư sẽ gia tăng áp lực bán hơn nữa. 

chung-khoan-ngay-5-6-anh-ca-vcb-dan-loi-keo-vn-index-len-7-diem-1685957634.png
Phiên 5/6, chỉ số VN-Index tăng 6,98 điểm, lên 1.097,82 điểm. Ảnh minh họa.

Trong nhóm ngân hàng, "anh cả" VCB ghi nhận mức tăng lên tới 3,27% lên 98.000 đồng/cổ phiếu, trở thành cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VN-Index. Cổ phiếu này đã đóng cửa tại mức giá cao nhất kể từ cuối năm 2021 đến nay và nếu tính theo giá đã điều chỉnh do Ngân hàng thực hiện các quyền chia cổ tức, cổ phiếu thưởng… thì đây là thị giá cao kỷ lục nhất kể từ thời điểm VCB chào sàn vào giữa tháng 6/2009.

Ngoài mức giá ấn tượng, thanh khoản của VCB cũng sôi động với xấp xỉ 1,3 triệu đơn vị khớp lệnh, gấp 2,6 lần so với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên giao dịch gần đây là khoảng 0,5 triệu đơn vị/phiên.

Các mã ngân hàng khác giao dịch khá ảm đạm và tỏ ra đuối sức sau phiên giao dịch bùng nổ cuối tuần trước. Một số mã biến động mạnh có thể kể đến EIB giảm 2,59%, OCB giảm 1,9% trong khi SHB tăng 2,49%, LPB tăng 2%.

Cổ phiếu chứng khoán diễn biến kém khả quan khi VND giảm 1,37%, VCI giảm 1,86%, HCM giảm 2,01%, FTS giảm 3,52%, BSI giảm 2,96%, ORS giảm 2,41%, CTS giảm 3,61%.

Nhóm bất động sản bị sắc đỏ lấn át. Trong đó, một số mã giảm khá mạnh có thể kể đến NVL giảm 2,53%, KBC giảm 2,62%, DIG giảm 2,75%, NLG giảm 1,85%, DXG giảm 3,3%, CII giảm 2,2%, CRE giảm 3,33%, DXS giảm 2,39%.

Nhóm sản xuất diễn biến tích cực hơn, đặc biệt là cổ phiếu vốn hóa trên trung bình. Cụ thể, VNM tăng 0,91%, HPG tăng 0,23%, MSN tăng 2,49%, SAB tăng 0,98%, DGC tăng 4,97%, DCM tăng 3,04%, DPM tăng 2,64%, SBT tăng 1,83%, VHC tăng 4,29%, HSG tăng 2,26%, POM tăng kịch trần. Trong khi đó, các mã vốn hóa dưới trung bình phân hóa.

Cổ phiếu năng lượng gây ấn tượng khi GAS tăng 2,17%, PLX tăng 2,22%, POW tăng 2,2%, PGV tăng 2,23%, NT2 tăng 2,13%, PPC tăng 4,79%, TMP tăng kịch trần.

Cổ phiếu vận tải cũng gây chú ý không kém PVT tăng 2,12%, DVP tăng 3,26%, PVP tăng 3,03%, HAH và VOS đều tăng kịch biên độ.

Cổ phiếu bán lẻ phân hóa khi FRT giảm 0,61% nhưng MWG và PNJ lần lượt có thêm 0,98% và 0,96% giá trị.

Toàn sàn HoSE có 201 mã tăng giá, 39 mã đứng giá tham chiếu và 199 mã giảm giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 948,36 triệu đơn vị, giá trị 17.560,59 tỷ đồng, giảm 8,55% về khối lượng và 4,3% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 2/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 54,39 triệu đơn vị, giá trị 1.244,7 tỷ đồng.

Thanh khoản giảm chủ yếu do giao dịch của nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm. Cụ thể, tính chung các cổ phiếu ngân hàng ở HoSE, giá trị khớp lệnh tuyệt đối hôm nay giảm 1.373 tỷ đồng.

HoSE ghi nhận 15 mã kịch trần thì chỉ có HAH và VOS là thanh khoản tốt, tương ứng 252 tỷ đồng và 77,6 tỷ đồng. Sàn này cũng còn 86 cổ phiếu tăng hơn 1% giá trị, bao gồm 16 mã thanh khoản trên 100 tỷ đồng.

Sàn HNX có 97 mã tăng và 100 mã giảm, HNX-Index tăng nhẹ 0,53 điểm (tăng 0,24%), lên 226,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 107,23 triệu đơn vị, giá trị 1.628,26 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,46 triệu đơn vị, giá trị 66,66 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 có phần kém tích cực khi giảm 1,4% với việc ghi nhận 16 mã giảm và 11 mã tăng. Trong đó, các mã tăng tốt là TVD tăng 8%, DXP tăng 6,6%, LAS tăng 3,7%, NBC tăng 3,1%, TNG tăng 3%, TDN tăng 1,8%, còn lại các mã chỉ tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Trên sàn UPCoM, chỉ số UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (lên 0,17%), lên 84,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 68,88 triệu đơn vị, giá trị 828,25 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 05 triệu đơn vị, giá trị 7,42 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR tiếp tục giữ vững vị trí vua thanh khoản trên UPCoM với 14,98 triệu đơn vị giao dịch thành công, kết phiên tăng 2,9% lên mức 17.600 đồng/cổ phiếu.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT