Chứng khoán SmartInvest đã ‘pha loãng’ cổ phiếu thế nào?

Với số tiền huy động được, AAS sẽ sử dụng một phần tiền để thực hiện giao dịch vớ chính các pháp nhân có liên hệ. Với phương thức này, nhóm AAS có thể đẩy tài sản của giới chủ lên sàn chứng khoán, vừa có thể làm “đẹp” BCTC với quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu được tăng lên rất nhiều.

Tăng vốn thông qua việc chào bán, phát hành cổ phần luôn là một trong các chiến lược quan trọng của nhóm công ty chứng khoán. Nguồn vốn dày dặn là yếu tố cần thiết để các công ty chứng khoán có thể gia tăng thị phần, cung cấp các sản phẩm tài chính đáp ứng nhu cầu khách hàng. Giai đoạn thị trường chứng khoán tăng điểm rất mạnh (giai đoạn 2021-2022) đã chứng kiến làn sóng tăng vốn mạnh mẽ của nhiều công ty chứng khoán.

CTCP Chứng khoán SmartInvest (Mã AAS) cũng không đứng ngoài “cuộc đua” tăng vốn. Theo thống kê, AAS giai đoạn 2016 – 2023 đã tăng vốn thông qua 3 đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng, phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Nhờ vậy, vốn đầu tư chủ sở hữu công ty tăng mạnh từ 22 tỷ đồng (ngày 31/12/2015) lên gần 2.300 tỷ đồng (ngày 30/9/2024).

Đi cùng với đó, kết quả doanh thu, lợi nhuận AAS cũng có sự cải thiện trong cùng giai đoạn.

Đi cùng với đó, KQKD AAS có sự tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-9 tháng đầu năm 2024 ấn tượng, với doanh thu và lợi nhuận AAS tăng bình quân lần lượt 216,5%/năm và 1.729%/năm. Đây là sự chuyển mình tích cực của AAS kể từ khi về tay vợ chồng Chủ tịch HĐQT AAS Ngô Thị Thùy Linh và Phó Chủ tịch HĐQT Trần Minh Tuấn.

Dù vậy, quá trình tăng vốn nhanh chóng của AAS đặt ra không ít dấu hỏi nếu nhìn vào cách công ty chứng khoán này sử dụng nguồn tiền từ các đợt huy động.

AAS đã sử dụng nguồn vốn thu được thế nào?

Tìm hiểu của PV chỉ ra AAS sẽ sử dụng một phần tiền từ các đợt phát hành để thực hiện giao dịch vớ chính các pháp nhân có liên hệ. Với phương thức này, nhóm AAS có thể đẩy tài sản của giới chủ lên sàn chứng khoán, vừa có thể làm “đẹp” BCTC với quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu được tăng lên rất nhiều.

Cụ thể, ở năm đầu tiên hoạt động với đội ngũ lãnh đạo mới (2016), AAS đã thực hiện tăng vốn từ 22 tỷ đồng lên 310 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giá phát hành 10.000 đồng/CP.

Chứng khoán SmartInvest đã ‘pha loãng’ cổ phiếu thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Với số tiền huy động (288 tỷ đồng), AAS đã chi 74,2 tỷ đồng đặt cọc thuê văn phòng với Công ty TNHH Xây dựng Ba Đình – ICT trong thời gian 40 năm để làm trụ sở công ty (Hợp đồng được ký vào tháng 10/2016); và chi 77,1 tỷ đồng mua phần mềm giao dịch chứng khoán của CTCP Nông nghiệp Lumex Việt Nam (hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ).

Đây đều là 2 doanh nghiệp có nhiều liên hệ với ông Trần Minh Tuấn (thời điểm đó là Chủ tịch HĐQT AAS từ tháng 6/2015 – tháng 4/2018).

Cụ thể, Ba Đình – ICT được bố ông Tuấn và người cùng nhà là ông Trần Văn Thái – bà Trần Thị Ngọc Liên nắm 100% vốn trong vỏn vẹn 4 tháng (từ tháng 4/2016 đến tháng 10/2016). Sau đó, vào tháng 10/2016, bà Nguyễn Thị Nguyệt mua 99,375% vốn công ty, trong khi bà Ngọc chỉ còn nắm 0,625% vốn Ba Đình – ICT. Đến tháng 1/2017, hợp đồng giữa 2 bên chấm dứt và Ba Đình – ICT hoàn trả AAS tiền đặt cọc kèm lãi.

Bên cạnh đó, AAS còn chi 77,1 tỷ đồng từ tiền huy động vốn để mua phần mềm giao dịch chứng khoán của CTCP Nông nghiệp Lumex Việt Nam. Cũng trong tháng 10/2016, Lumex Việt Nam trở thành công ty con của CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc (HNX: HKB) – nơi ông Tuấn làm Thành viên HĐQT (tháng 12/2015 – tháng 6/2019).

Công thức này tiếp tục lặp lại trong đợt tăng vốn thứ 2 của AAS vào tháng 7/2021. AAS tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho 15 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp (giá chào bán 10.000 đồng/CP – thấp hơn vùng giá trên sàn thời điểm đó là 11.000 – 13.000 đồng/CP).

Danh sách 15 cá nhân xuất hiện một số cái tên quen thuộc như Đàm Mạnh Quân, Phạm Phan Anh, Nguyễn Đức Mạnh - các mắt xích là lãnh đạo cấp cao tại nhiều doanh nghiệp liên hệ AAS từng được đề cập.

Theo kế hoạch công bố, AAS dùng số tiền huy động được để đầu tư giấy tờ có giá trên thị trường (290 tỷ đồng), bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán (100 tỷ đồng) và bổ sung nguồn vốn cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán (100 tỷ đồng).

Các năm 2021 và 2022 ghi nhận AAS liên tục công bố Nghị quyết HĐQT thông qua giao dịch mua trái phiếu của một số tổ chức phát hành đáng chú ý như: Mua tối đa 200 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va; 75 tỷ đồng và 145 tỷ đồng trái phiếu do Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu tổng hợp Đức Mai phát hành; hay hơn 115,4 tỷ đồng và 284,3 tỷ đồng trái phiếu của Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản LC….

Đáng chú ý, HĐQT AAS cũng thông qua việc mua tối đa 2 lô trái phiếu của thành viên liên hệ là CTCP Quản lý Tài sản Smart Invest (tên cũ CTCP Thời trang & May mặc Demoda) với tổng giá trị 160 tỷ đồng và CTCP Du lịch Sinh thái Kim Lan (80 tỷ đồng). Hay tính tới cuối năm 2021, AAS cũng nắm 171 tỷ đồng trái phiếu của Công ty TNHH Tư vấn và quản lý Smart Invest.

Ngoài ra, AAS trong năm 2022 còn phát sinh gần 800 tỷ đồng phải thu các tài sản tài chính với một số pháp nhân liên hệ như CTCP Đầu tư Công nghệ Smarttech (123,6 tỷ đồng), CTCP Quản lý Tài sản Smart Invest (123,6 tỷ đồng), CTCP Chợ Mơ (144,2 tỷ đồng), CTCP Du lịch sinh thái Kim Lan (206 tỷ đồng)…

Đáng kể nhất là AAS cùng năm 2022 đã chi 195 tỷ đồng để mua tòa nhà Smart Invest số 220-222-224 Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) từ Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Smart Invest – một pháp nhân cùng nhóm. Trong đó, 100 tỷ đồng từ số tiền chi ra được lấy từ đợt tăng vốn thứ 2 (tháng 7/2021).

Chưa dừng lại ở đó, vào ngày cuối của năm 2022, HĐQT AAS tiếp tục thông qua việc mua toàn bộ lô đất số CO 845137 thuộc diện tích thương mại tại Trung tâm Thương mại Chợ Mơ (địa chỉ số 459C Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) thuộc sở hữu của CTCP Chợ Mơ. Tổng giá trị là 650 tỷ đồng.

Đây cũng là một giao dịch mang tính chất nội bộ, bởi CTCP Chợ Mơ là công ty liên kết của AAS. Đáng chú ý, công ty này từng có 2 cổ đông góp vốn (tại tháng 4/2021) là ông Trần Minh Hoàng (95,18%) – cùng nhà ông Tuấn; Phạm Phan Anh (4,82%) – “mắt xích” trong nhóm AAS.

Chưa kể, nhờ những nghiệp vụ này, AAS có thể đẩy lượng lớn cổ phần lên sàn chứng khoán. Từ vỏn vẹn 24 cổ đông nắm 100% vốn (tháng 8/2015), AAS tại thời điểm cuối năm 2023 có đến 6.012 cổ đông.

Dù vậy, thực tế thì cơ cấu cổ đông của AAS vẫn khá “cô đặc”. ĐHĐCĐ thường niên của AAS năm 2024 ghi nhận 22 cổ đông tham dự, tương đương tỷ lệ 73,15% tổng số cổ phần có quyền biển quyết. Trước đó, ĐHĐCĐ năm 2023 có 24 cổ đông/đại diện cổ đông tham gia, tương đương tỷ lệ 73,8%.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT