Chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm: VN-Index tăng 10% nhà đầu tư vẫn buồn, sóng doanh nghiệp Nhà nước kéo UPCoM bứt phá nhưng vẫn thua một chỉ số gồm toàn cổ phiếu “hot”

VN-Index tăng 10% từ đầu năm là kết quả không hề tệ. Tuy nhiên, việc chỉ số nhiều lần vượt 1.300 bất thành, đến khi chính thức vượt lại nhanh chóng đánh rơi thành quả có lẽ là nguyên nhân khiến bữa tiệc của chứng khoán Việt Nam có phần kém vui.

Chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm: VN-Index tăng 10% nhà đầu tư vẫn buồn, sóng doanh nghiệp Nhà nước kéo UPCoM bứt phá nhưng vẫn thua một chỉ số gồm toàn cổ phiếu “hot”- Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán khép lại nửa đầu năm 2024 với nhiều biến động mạnh nhưng xu hướng đi lên vẫn là chủ đạo. Sau nhịp điều chỉnh sâu hồi tháng 4, thị trường đã đảo chiều hồi phục mạnh mẽ. VN-Index leo lên trên 1.300 điểm, mức cao nhất trong vòng 2 năm trước khi quay đầu điều chỉnh trong nửa cuối tháng 6.

Dù vậy, VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng hơn 10% từ đầu năm với lực kéo chủ yếu đến từ dòng tiền luân phiên quanh nhóm vốn hóa lớn. Chỉ số VN30 ghi nhận mức tăng vượt trội gần 13% từ đầu năm trong khi VNMID (đại diện nhóm Midcap) tăng 11% còn VNSML (đại diện nhóm Penny) tăng hơn 9%. Như thường lệ, các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn biến động dữ dội, tăng sốc, giảm sâu.

photo-1719670623339

Hiệu suất VN30 vượt trội so với VNMID và VNSML

Trong khi VN-Index tăng hơn 10%, HNX-Index lại gây thất vọng khi chỉ tăng chưa đến 3%. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trên HNX như IDC, PVS, SHS, HUT,… có hiệu suất không quá ấn tượng. MBS, PVI, VCS bứt phá khá mạnh nhưng không đủ để HNX có đại diện lọt vào danh sách tỷ USD vốn hóa.

Trong khi đó, UPCoM-Index lại có cú tăng tốc ngoạn mục từ cuối tháng 4 để khép lại nửa đầu năm với mức tăng hơn 12%. Cổ phiếu của một loạt doanh nghiệp Nhà nước như VGI, ACV, MVN, VEA cùng một số đại diện khối tư nhân như FOX, MCH, QNS nổi sóng là nhân tố giúp chỉ số đạt mức tăng vượt trội. Đặc biệt, bộ đôi VGI và ACV còn vượt qua hàng loạt tên tuổi lớn trên HoSE để lọt top 3 giá trị nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

photo-1719670657122

UPCoM-Index bứt phá ngoạn mục

Thực tế, mức tăng 10% từ đầu năm là kết quả không hề tệ. Tuy nhiên, việc VN-Index nhiều lần vượt 1.300 bất thành, đến khi chính thức vượt lại nhanh chóng đánh rơi thành quả có lẽ là nguyên nhân khiến bữa tiệc của nhà đầu tư chứng khoán kém vui. Trong bối cảnh đó, một chỉ số đầu tư của HoSE lại có hiệu suất vượt trội.

Từ đầu năm, VNDiamond đã tăng gần 23% tức là gấp hơn 2 lần mức tăng của VN-Index. Chỉ số này hiện đang ở gần mức đỉnh lịch sử, thậm chí còn cao hơn thời kỳ VN-Index trên 1.500 điểm hồi tháng 4/2022. Các cổ phiếu tỷ trọng lớn trong rổ như FPT, PNJ, GMD, REE, ACB, TCB đều đang ở gần vùng đỉnh lịch sử cùng mức tăng hàng chục % từ đầu năm.

VNDiamond là chỉ số được HoSE công bố vào ngày 18/11/2019. Điểm khác biệt lớn nhất giữa VN Diamond và những chỉ số khác đó là hệ số FOL (Foreign Ownership Limit) - giới hạn tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài. Những cổ phiếu nào có hệ số FOL đạt tối thiểu 95% có khả năng được xem xét để đưa vào rổ VNDiamond.

photo-1719670694239

VNDiamond tăng trưởng vượt trội so với VN-Index

Con số nào cho nửa cuối năm?

Trong báo cáo chiến lược mới công bố, đội ngũ phân tích của Chứng khoán TPS đánh giá nửa cuối năm nay sẽ là giai đoạn tiền đề cho xu hướng Uptrend của thị trường từ câu chuyện nâng hạng thị trường đang sáng hơn khi trong báo cáo đánh giá của MSCI tháng 6/2024 cho thấy Việt Nam đã cải thiện được tiêu chí khả năng chuyển nhượng.

Bên cạnh đó, hệ thống KRX đang gấp rút hoàn thiện, kỳ vọng được triển khai từ tháng 9 sẽ củng cố thêm cho khả năng nâng hạng của thị trường. Ngoài ra, các bộ luật quan trọng như Luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản,... có hiệu lực từ quý 3 năm nay cũng sẽ tạo động lực tăng điểm cho thị trường.

Trong kịch bản cơ sở, TPS dự báo VN-Index sẽ giao động quanh mục tiêu 1.381 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng thận trọng 10% cho cả năm và P/E mục tiêu ở là 15,x lần (tương đương với P/E trung bình 10 năm gần nhất).

photo-1719670730751

Dự báo VN-Index của Chứng khoán TPS

Dưới góc nhìn lạc quan hơn, VN-Index có thể đạt mức 1.444 điểm với kịch bản lợi nhuận tăng trưởng 15% khi các yếu tố khó khăn về vĩ mô sẽ thuyên giảm, các Ngân hàng Trung Ương thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ. Qua đó kích thích hoạt động tiêu dùng tăng trưởng trở lại, tạo tiền đề cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Lạc quan hơn nữa, Petri Deryng - người đứng đầu Pyn Elite Fund trong thư gửi nhà đầu tư quý 2/2024 tiếp tục bày tỏ sự tự tin vào việc VN-Index có thể đạt 1.700 điểm vào cuối năm 2024. Dựa theo dự báo đồng thuận của các CTCK, VN-Index sẽ đạt tới 1.400-1.500 điểm trong phần còn lại của năm. Tuy nhiên, với quan điểm tích cực dựa trên tăng trưởng thu nhập, quỹ ngoại này tin rằng chỉ số có thể tăng cao hơn trong năm nay.

photo-1719670777985

Quỹ ngoại Pyn Elite Fund cho rằng VN-Index có thể lên rất cao

Ngoài sự tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ, quỹ ngoại này còn chỉ ra các yếu tố khác cũng có thể thúc đẩy tâm lý của các nhà đầu tư trong nước, thậm chí dẫn đến một động lực mạnh mẽ ở mức thị trường chứng khoán. Đầu tiên là kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sắp tới của Mỹ sẽ làm giảm bớt áp lực lên VND, điều đang tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch KRX mới dự kiến sẽ được triển khai trong năm nay và nút thắt về việc ký quỹ trước giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể được tháo gỡ ngay sau quý 3 tới đây sẽ tác động tích cực đến thị trường. Ngoài ra, Pyn Elite Fund cũng kỳ vọng lãi suất ở Việt Nam sẽ duy trì ở mức rất vừa phải, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hà Linh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT