Chứng khoán Việt sau 25 năm: "Hàn thử biểu" của nền kinh tế chuyển mình
Sau 25 năm hình thành và phát triển, chứng khoán không chỉ là nơi huy động vốn, mà còn là tấm gương phản chiếu độ mở, chiều sâu và khát vọng vươn lên của quốc gia trên bản đồ tài chính toàn cầu.
1/4 thế kỷ định hình một thị trường
Tròn 25 năm kể từ phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một hành trình đầy biến động nhưng cũng rất đỗi ấn tượng.
Khởi đầu khiêm tốn với chỉ 2 mã cổ phiếu và vài chục nhà đầu tư, đến nay, thị trường đã vươn lên trở thành kênh dẫn vốn trung – dài hạn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp không nhỏ vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy minh bạch tài chính và lan tỏa tư duy đầu tư vào đại chúng.
Tính đến giữa năm 2025, tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường đã đạt trên 60% GDP, với gần 2.000 mã chứng khoán đang giao dịch trên HoSE, HNX và UPCoM.
Hành trình 25 năm ấy được đánh dấu bằng hàng loạt cột mốc chính sách then chốt. Từ Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (nay là HoSE) chính thức khai trương phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000, đến thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội năm 2006, khai sinh thị trường UPCoM, thị trường cũng trải qua giai đoạn cải cách mạnh mẽ sau khủng hoảng tài chính 2008–2011 với các biện pháp nâng chuẩn quản trị, siết margin, chuẩn hóa công bố thông tin.
Thị trường từng bùng nổ trong giai đoạn 2020–2021 với làn sóng nhà đầu tư F0 và thanh khoản đạt kỷ lục, nhưng cũng sớm bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh từ năm 2022 khi phải đối mặt với tác động của thắt chặt tiền tệ và các vụ việc vi phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, thao túng thị trường.
Dù vậy, những cú sốc ấy lại trở thành phép thử cho sức bền và độ sâu của thị trường, buộc cơ quan quản lý siết chặt kỷ cương, thúc đẩy tái cơ cấu toàn diện.
Bên cạnh cải cách hệ thống hạ tầng giao dịch – tiêu biểu là dự án hệ thống KRX đi vào vận hành vào tháng 5/2025, Việt Nam còn đặt mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi theo tiêu chuẩn FTSE.
Việc dỡ bỏ các rào cản như giới hạn sở hữu nước ngoài, rút ngắn chu kỳ thanh toán và nâng cao chất lượng công bố thông tin đang được Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ráo riết triển khai. Nếu thành công, Việt Nam sẽ chính thức mở cửa đón dòng vốn quy mô lớn từ các quỹ ETF toàn cầu, ước tính có thể lên tới hàng chục tỷ USD.
Vốn hóa thị trường còn nhiều dư địa để bứt phá
Nói về quá trình hình thành và phát triển, ông Nguyễn Đức Hoàn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá, thị trường đã thay đổi rất tích cực trong suốt 25 năm qua, mặc dù con số này vẫn là rất khiêm tốn so với nhiều thị trường trong khu vực.
Nhìn lại chặng đường 25 năm, từ con số 5 doanh nghiệp ban đầu năm 2000, đến nay, trên HoSE đã có hơn 400 doanh nghiệp niêm yết, hơn 300 mã niêm yết trên HNX và gần 900 mã giao dịch tập trung trên UPCoM. Tổng hợp lại, có gần 1.600 mã niêm yết và giao dịch tập trung.
Ngoài ra, về số lượng nhà đầu tư cũng từ 3.000 tài khoản nhà đầu tư cá nhân năm 2000, và đến hết tháng 6/2025 đã có hơn 10,2 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước, tương đương 10% dân số. Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng nhanh chóng, cuối tháng 6/2025 đạt 48.600 tài khoản.
"Tôi nghĩ rằng là chiến lược từ năm 2025 đến năm 2030, giá trị vốn hóa của thị trường chúng ta còn rất nhiều room để tiếp tục tăng trưởng", ông Hoàn kỳ vọng.

Ông Nguyễn Đức Hoàn kỳ vọng chiến lược từ năm 2025 đến năm 2030, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán còn rất nhiều room để tiếp tục tăng trưởng.
Ông cho rằng vai trò của thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp niêm yết vô cùng quan trọng. Nhìn vào số liệu lịch sử cho thấy, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp.
Quy mô huy động vốn mới của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào triển vọng của thị trường chứng khoán. Ví dụ trong giai đoạn 2015-2020, quy mô huy động vốn mới của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, khi thị trường bùng nổ vào năm 2021-2020, bình quân mỗi năm huy động 20.000 đến 30.000 tỷ đồng, trước khi sụt giảm trở lại khoảng 5.000 tỷ đồng năm 2023, và đang có sự cải thiện trở lại trong bối cảnh tích cực dần lên của thị trường chứng khoán.
"Chúng ta thấy rằng trong suốt thời gian qua, sự chỉ đạo sát sao và hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã luôn luôn bổ sung, cải tiến tất cả các quy trình, quy chế để phù hợp nhất và hỗ trợ cho các thành viên tham gia thị trường và đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài", CEO ACBS đánh giá.
Dưới góc nhìn tổ chức đầu tư quốc tế, bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc Khối Thị trường vốn Dragon Capital tin rằng Việt Nam có thể được FTSE Russell nâng hạng trong tháng 9 này và tiến tới lọt vào rổ thị trường mới nổi của tổ chức xếp hạng thị trường MSCI trong 18–24 tháng tới.
Để hiện thực hóa tiềm năng, bà Minh cho rằng cần hành động cụ thể về các vấn đề như cơ cấu lại thành phần nhà đầu tư, đa dạng hóa dòng tiền, cải thiện định giá thị trường đang ở mức thấp và tăng chất lượng hàng hóa để tạo hấp dẫn cho cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức.
Thời điểm chín muồi đưa chứng khoán lên tầm cao mới
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, tại tọa đàm Lực đẩy dòng vốn mới vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh thị trường chứng khoán cần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn, phải là "hàn thử biểu" phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, năng lực của các doanh nghiệp.
"Sau 25 năm phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng ta đã cùng nhau xây dựng thị trường với nhiều thành công, để đến thời điểm hiện tại là giai đoạn phù hợp để hoạch định tầm nhìn phát triển thị trường lên một tầm cao mới", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, thị trường chứng khoán phải là "hàn thử biểu" phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, năng lực của các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay, để thị trường chứng khoán Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ, phát triển bền vững và nâng tầm hội nhập, cần tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất là hoàn thiện khung khổ pháp lý. Việc rà soát, cập nhật và hoàn thiện hệ thống pháp luật là yêu cầu cấp thiết, để từ đó đưa ra những đề xuất sửa đổi phù hợp, tạo nền tảng pháp lý minh bạch, ổn định và thông thoáng hơn cho thị trường vận hành hiệu quả.
Thứ hai là tăng số lượng và chất lượng hàng hóa trên thị trường. Hiện nay, việc tìm kiếm cổ phiếu có vốn hóa lớn, thanh khoản tốt và chất lượng cao vẫn còn thách thức. Do đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước và khuyến khích các tập đoàn, tổng công ty lớn niêm yết, huy động vốn qua thị trường chứng khoán.
Thứ ba là phát triển cơ cấu nhà đầu tư. Việc nâng cao tỉ trọng nhà đầu tư tổ chức sẽ góp phần ổn định và nâng cao chất lượng dòng vốn. Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh đào tạo, phổ biến kiến thức tài chính cho nhà đầu tư cá nhân với sự tham gia không chỉ của cơ quan quản lý mà còn của các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp.
Thứ tư là hỗ trợ các thành viên thị trường. Các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và tổ chức trung gian cần được lắng nghe, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động để nâng cao vai trò và đóng góp vào sự phát triển của thị trường.
Thứ năm là nâng cấp hạ tầng và hướng tới mục tiêu nâng hạng. Nâng hạng thị trường là mục tiêu quan trọng, không chỉ mang tính biểu tượng mà còn giúp thị trường Việt Nam chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn và thu hút hiệu quả dòng vốn trung – dài hạn.
PV