Chứng khoán VPS sẽ vay Bắc Á Bank 1.700 tỷ

Trong năm 2022, HĐQT Chứng khoán VPS đã thông qua việc bán vốn tại Bảo hiểm OPES, đồng thời doanh nghiệp này sẽ vay thêm 1.700 tỷ đồng của Bắc Á Bank.

CTCP Chứng khoán VPS  (Chứng Khoán VPS, MCK: VPBS, sàn OTC) được thành lập vào năm 2006. Chứng Khoán VPS ban đầu có tên gọi là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) do VPBank nắm giữ đa số vốn.

Tuy nhiên, tới tháng 12/2015, VPBank đã thoái 89% vốn tại VPBS. Mức giá chuyển nhượng và đối tác của thương vụ không được tiết lộ.

Sau khi VPBank thoái vốn, VPS đã cải thiện đáng kể quy mô vốn điều lệ nhằm phục vụ cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Đến cuối năm 2022, VPS có vốn điều lệ 5.700 tỷ đồng, nằm trong danh sách các công ty chứng khoán top đầu.

Vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPS hiện nay do ông Nguyễn Lâm Dũng đảm nhiệm. Ông Dũng từng là Giám đốc của CTCK Habubank và là Tổng giám đốc CTCK VPS từ năm 2010.

chung-khoan-vps-se-vay-bac-a-bank-1700-ty-antt-1680396510.JPG
VPBank là tổ chức tín dụng thu xếp vốn cho nhiều lô trái phiếu có trị giá hàng nghìn tỷ đồng do Chứng khoán VPS làm đại lý phát hành. Ảnh minh họa

Dù VPBank đã thoái vốn tại VPS, xong những năm qua, nhà băng này vẫn là tổ chức tín dụng thu xếp vốn cho nhiều lô trái phiếu có trị giá hàng nghìn tỷ đồng do VPS làm đại lý phát hành.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của VPS, tại thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản của công ty đạt 20.215 tỷ đồng, giảm hơn 6.600 tỷ đồng so với số đầu năm. VPS đã bán toàn bộ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng, trong khi số dư đầu năm là 2.311 tỷ đồng.

Dư nợ margin cấp cho các khách hàng cũng chỉ còn 6.170 tỷ đồng, giảm gần 4.400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và giảm 2.300 tỷ đồng trong riêng quý IV/2022. Cùng với đó, các khoản phải thu cũng giảm xuống mức 259 tỷ đồng trong khi số đầu năm là 2.117 tỷ đồng, phần lớn nhờ thu hồi được khoản phải thu bán các tài sản tài chính.

Danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ FVTPL của VPS đạt 3.756 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ đồng hồi đầu năm, trong đó chủ yếu là công cụ thị trường tiền tệ.

Ở chiều ngược lại, VPS tăng tích trữ tiền gửi dưới 3 tháng có tính thanh khoản cao. Chỉ trong 3 tháng cuối năm, tiền và tương đương tiền đã tăng 8.070 tỷ đồng lên 9.191 tỷ đồng; còn so với đầu năm thì khoản này tăng gần 3.000 tỷ đồng.

Về nợ phải trả, vay ngắn hạn của VPS tại thời điểm cuối năm khoảng 10.840 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa nguồn vốn của công ty. Con số này giảm gần 4.400 tỷ đồng so với đầu năm nhưng cao hơn nhiều mức 7.750 tỷ đồng cuối quý 3. Có thể thấy, VPS đã tăng vay nợ trở lại trong quý IV.

Trong năm 2022, VPS từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt, do cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng.

Ngoài ra, VPS còn bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, vị trí mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Theo Báo cáo quản trị 2022 của VPS, trong năm HĐQT công ty đã thống nhất chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Bảo hiểm Opes cho VPBank. Dữ liệu Báo cáo tài chính quý 4/2022 cũng thể hiện, VPS giảm tỷ lệ sở hữu tại OPES từ 9% xuống còn 1%.

Ngoài ra, ngày 21/12/2022, HĐQT VPS cũng có Nghị quyết thông qua giao dịch vay 1.700 tỷ đồng của Bắc Á Bank. Đây là lần thứ 2 trong năm, VPS thông qua nghị quyết vay vốn của Bắc Á Bank.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT