Chứng khoán VPS thu lãi 2 tỷ đồng/ngày từ môi giới, mảng tự doanh vẫn 'đi lùi'

Theo BCTC hợp nhất quý IV/2023, mảng môi giới tiếp tục đóng góp lớn nhất vào doanh thu của Chứng khoán VPS với 808 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Ước tính, VPS thu lãi 2 tỷ đồng/ngày từ môi giới trong khi mảng tự doanh vẫn là điểm yếu của doanh nghiệp này.

CTCP Chứng khoán VPS vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với doanh thu hoạt động tăng 13% so với cùng kỳ 2022, đạt 1.589 tỷ đồng. 

Trong cơ cấu doanh thu, mảng môi giới vẫn đóng góp lớn nhất với 808 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2023 có 65 phiên giao dịch, như vậy bình quân mỗi ngày VPS thu về hơn 12 tỷ đồng tiền phí môi giới, sau khi trừ đi chi phí sẽ thu lãi 2 tỷ đồng/ngày. Đây là điều hoàn toàn có cơ sở bởi VPS vẫn là công ty chứng khoán dẫn đầu về thị phần môi giới trên 3 sàn.

Bên cạnh mảng môi giới, hoạt động cho vay của VPS cũng khởi sắc khi mang về 336 tỷ đồng doanh thu, tăng 32% so với cùng kỳ. Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) tăng vọt gấp hơn 9 lần lên mức 66 tỷ đồng. 

Ngược lại, hoạt động tự doanh vẫn là điểm yếu của VPS khi lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm mạnh 40% so với cùng kỳ 2022, xuống còn 308 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí hơn 300 tỷ đồng, VPS chỉ thu lãi vỏn vẹn 8 tỷ đồng từ mảng tự doanh.

Chi phí hoạt động giảm nhẹ về còn 1.056 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng tới 80% lên xấp xỉ 210 tỷ đồng. Kết quả, VPS lãi trước thuế hơn 238 tỷ đồng trong quý IV/2023, tăng tới 140% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 cũng tăng trưởng 109% lên mức 48 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2023, VPS đạt doanh thu 6.374 tỷ đồng, giảm 24% so với thực hiện năm 2022. Trong đó, doanh thu môi giới cả năm cũng giảm nhẹ 2% về mức 2.785 tỷ đồng. Cùng chiều, lợi nhuận trước thuế cả năm giảm 18% xuống mức 828 tỷ đồng. Kết quả này vừa đủ để VPS hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2023.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của VPS ở mức 22.459 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, danh mục FVTPL của VPS có giá trị gần 5.600 tỷ đồng, giảm gần 4.000 tỷ so với cuối quý III nhưng vẫn cao hơn gần 900 tỷ so với đầu năm. 

chung-khoan-vps-thu-lai-2-ty-dong-ngay-tu-moi-gioi-mang-tu-doanh-van-di-lui-1705743185.PNG
Danh mục FVTPL của Chứng khoán VPS

Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là công cụ thị trường tiền tệ với 4.950 tỷ đồng, trái phiếu chiếm khoảng 600 tỷ đồng, lần lượt giảm 2.900 tỷ và 1.000 tỷ so với cuối quý trước. Cổ phiếu niêm yết chỉ chiếm 32 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.

Cùng thời điểm, dư nợ cho vay của VPS ở mức 11.626 tỷ đồng, tăng hơn 5.400 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) ở mức hơn 11.100 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, VPS đang có dư nợ hơn 12.800 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn với 12.544 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng cuối kỳ đạt gần 16.555 tỷ đồng trong đó chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư theo phương thức công ty chứng khoán quản lý.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT