Chuỗi cung ứng bền vững: Chìa khóa để Việt Nam nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu
Là trung tâm sản xuất và nông nghiệp lớn, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại quốc tế. Do đó, các chiến lược và thách thức về khí hậu của Việt Nam cũng tác động đáng kể đến các sự kiện kinh tế và địa chính trị bên ngoài.
Mới đây, tại TP. Hồ Chí Minh, Raise Partners và Vietnam Innovators đã đồng tổ chức Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2024, sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của Việt Nam. Theo đó, đây là lần thứ hai Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam được tổ chức với mục tiêu kết nối các nhà đầu tư, các lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và phi chính phủ trong và ngoài nước. Hội nghị hướng đến việc thúc đẩy các dự án môi trường, xã hội, và quản trị doanh nghiệp (ESG), từ đó xây dựng một tương lai Việt Nam bền bỉ, hòa nhập và thịnh vượng.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Van Ly, Đối tác tại Raise Partners cho biết, ESG hiện không chỉ được xem là một phần của CSR hay hoạt động tiếp thị nhằm xây dựng hình ảnh doanh nghiệp. Giờ đây, ESG đã trở thành một yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh, quan hệ đối tác pháp lý, hệ thống chứng nhận và tiêu chí đầu tư.
"Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động củng cố chính sách ESG để đáp ứng yêu cầu quốc tế, từ đó mở ra cánh cửa cho sự tăng trưởng và mở rộng. Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam ra đời với sứ mệnh lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của hoạt động kinh doanh có tác động mạnh mẽ như một kim chỉ nam hướng đến tương lai bền bỉ", bà Van Ly nhấn mạnh.
Yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và quốc gia
Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (net-zero), chấm dứt phá rừng vào năm 2030 và giảm thiểu khí nhà kính. Để thực hiện những cam kết này, Việt Nam cần nguồn vốn đầu tư lên đến 368 tỷ USD cũng như thúc đẩy các hoạt động quan hệ đối tác công – tư.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của việc xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tư vững chắc để thúc đẩy dòng vốn đáng kể vào các hoạt động giảm thiểu phát thải carbon. Nhiều dự án trọng điểm, bao gồm phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo cho các khu công nghiệp và dịch vụ, lưới điện thông minh và hệ thống lưu trữ năng lượng, đang cần nguồn tài chính để triển khai và phát triển, góp phần vào đà tăng trưởng của Việt Nam.
Còn theo ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, lộ trình chuyển đổi năng lượng và mô hình đầu tư hiệu quả cần sự chung tay hợp tác của cả khu vực công và tư, vì mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 chỉ có thể đạt được thông qua nỗ lực hợp tác, tận dụng thế mạnh và nguồn lực từ cả hai phía. Ông Evans khẳng định cam kết của HSBC trong việc đồng hành cùng chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và quốc gia, yếu tố then chốt nằm ở vai trò lãnh đạo và khả năng chuyển đổi các giá trị thành những hoạt động thực tiễn một cách có chiến lược. Theo bà Quyên Vưu, Giám đốc điều hành Biti's: "Việc xây dựng một chiến lược ESG hiệu quả không chỉ đơn giản là đặt ra mục tiêu. Để đạt được thành công lâu dài, chiến lược này cần được xây dựng dựa trên nền tảng giá trị lãnh đạo của tổ chức và được triển khai trên toàn bộ các cấp trong doanh nghiệp".
Chìa khóa để Việt Nam nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu
Là trung tâm sản xuất và nông nghiệp lớn, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại quốc tế. Do đó, các chiến lược và thách thức về khí hậu của Việt Nam cũng tác động đáng kể đến các sự kiện kinh tế bên ngoài.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng Việt Nam đối mặt với nhiều nguy cơ từ biến đổi khí hậu, ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành tại Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất và nông nghiệp ưu tiên xây dựng khả năng phục hồi và áp dụng các biện pháp mang tính bền vững để đảm bảo chuỗi cung ứng hoạt động tốt trước tác động của mọi trường.
"Để ứng phó với biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp như nâng cấp cơ sở hạ tầng, đa dạng hoá nguồn cung, triển khai biện pháp thích ứng và nâng cao năng lực lao động", ông Bruno Jaspaert khuyến nghị.
Theo ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital và ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban Hội đồng Doanh nghiệp vì Sự phát triển Bền vững Việt Nam, đầu tư vào nguồn nhân lực là chìa khóa để Việt Nam củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cũng như đảm bảo tăng trưởng bền vững và khả năng thích ứng trước những thách thức đang diễn ra.
Ông Craign Martin cho biết thêm: “Mặc dù Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các công ty toàn cầu nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, song cần nhiều nỗ lực cần thiết để đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất thực thụ và tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi cung ứng giá trị cao trên toàn cầu. Chúng ta cần ưu tiên đầu tư vào hiện đại hóa và xanh hóa khu công nghiệp, quản lý thông minh các cơ sở ESG, nâng cao chất lượng nghiên cứu phát triển và năng lực nguồn nhân lực".
Đồng tình với các ý kiên trên, ông Huân Lê, Tổng cố vấn Pháp lý của Rainscales, cho biết thêm rằng kỹ năng và hiệu quả của lực lượng lao động đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Trong phiên thảo luận về chủ đề xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật số và xanh do Giáo sư Rick Bennett từ Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam điều phối, ông Huân đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào giáo dục để đào tạo đội ngũ lao động đa năng, am hiểu công nghệ và có ý thức bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp vốn đang biến đổi không ngừng.