Chuyên gia chỉ ra lý do giá vàng nhẫn tăng mạnh và có thể tiếp tục tăng

TS. Bùi Duy Tùng, giảng viên kinh tế Đại học RMIT cho rằng, khi giá vàng miếng bị kìm giữ ở mức thấp so với giá vàng nhẫn có thể khuyến khích các hành vi đầu cơ hoặc chuyển dịch dòng tiền không mong muốn, gây ra sự bất ổn cho thị trường.

Kể từ đầu năm 2024 đến tháng 5, giá vàng SJC và vàng nhẫn trong nước ghi nhận biến động mạnh. Tại một số thời điểm, giá vàng tăng liên tục, thậm chí thay đổi theo giờ. Giá vàng SJC trong nước từng chênh lệch với giá vàng thế giới lên tới 18 triệu đồng mỗi lượng.

Trước biến động của giá vàng, từ đầu tháng 6, NHNN thay đổi chiến lược bằng cách bán vàng trực tiếp cho người dân theo giá chỉ định thông qua các ngân hàng thương mại được cấp phép bán vàng SJC.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng thực hiện đồng thời giải pháp hành chính gồm thanh kiểm tra, định danh vàng, chống đầu cơ đã chấm dứt hiện tượng giá vàng SJC đẩy lên cao bất thường. Sau hơn 2 tháng triển khai, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã thu hẹp đáng kể. Giá vàng SJC trong nước hiện dao động ở ngưỡng 80 triệu đồng/lượng. 

Đánh giá về các chính sách bình ổn giá vàng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra trong thời gian qua, TS. Bùi Duy Tùng, giảng viên kinh tế Đại học RMIT nhận định, các chính sách đã góp phần thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Hiện nay, giá vàng trong nước chỉ còn cao hơn giá thế giới khoảng gần 5 triệu đồng/lượng, so với mức chênh lệch rất lớn 16-17 triệu đồng/lượng trong các tháng đầu năm.

Đặc biệt, tình trạng "vàng hóa" cũng đã được kiểm soát. Ông Tùng cho rằng, chính sách bán vàng qua các ngân hàng thương mại đã giúp giảm nhu cầu tích trữ vàng của người dân, từ đó giảm tình trạng vàng hóa trên thị trường. Điều này góp phần ổn định thị trường vàng trong thời gian ngắn hạn.

"Cơ chế bán vàng hiện nay đã giúp giảm bớt "cơn sốt" vàng trong nước, khi mà người dân không còn ồ ạt mua vàng như trước đây. Điều này giúp ổn định thị trường và ngăn chặn tình trạng "vàng hóa". Bằng việc giữ giá vàng miếng SJC ổn định, NHNN đã giúp tâm lý của người tiêu dùng và nhà đầu tư trong nước không bị lung lay, tránh được tình trạng đổ xô mua vàng dẫn đến các cơn sốt vàng không kiểm soát. Điều này đã góp phần làm giảm áp lực lên thị trường vàng và tránh các hệ lụy tiêu cực về kinh tế", ông Tùng cho hay. 

Chuyên gia chỉ ra lý do giá vàng nhẫn tăng mạnh và có thể tiếp tục tăng- Ảnh 1.

Diễn biến giá vàng SJC trong vòng 3 tháng qua. Chart: CAFEF

Tuy nhiên, theo ông Tùng, chính sách bình ổn giá vàng vẫn tồn tại một số nhược điểm.

Đầu tiên, mạng lưới giao dịch vàng bị thu hẹp. Việc NHNN chỉ định bán vàng qua bốn ngân hàng thương mại và SJC đã làm thu hẹp mạng lưới giao dịch vàng, khiến người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận vàng, đặc biệt ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Điều này làm giảm tính sôi động của thị trường và cản trở người dân có nhu cầu mua vàng.

Thứ hai, quá trình mua bán vàng trở nên phức tạp. Quy trình mua vàng hiện tại, yêu cầu phải đăng ký trực tuyến, chờ vài ngày để nhận vàng và giới hạn số lượng điểm bán, đã làm giảm sự linh hoạt và gây khó khăn cho người dân. Điều này khiến nhiều người cảm thấy nản lòng khi tham gia giao dịch vàng. Vì chỉ có các ngân hàng thương mại và SJC được phép bán vàng mà không mua lại, nhiều người cảm thấy không an toàn khi đầu tư vào vàng. Việc không có nhiều lựa chọn để bán lại vàng đã khiến người dân ít quan tâm đến vàng như một kênh đầu tư.

Thứ ba, thị trường thiếu sự cân bằng cung cầu. Mặc dù NHNN đã thực hiện các biện pháp nhằm ổn định giá vàng, việc kiểm soát quá chặt chẽ làm mất cân bằng cung cầu có thể dẫn đến những bất ổn trong dài hạn, như xuất hiện thị trường chợ đen và việc mua bán vàng không đúng quy định. Thị trường vàng miếng SJC trở nên kém sôi động, với tình trạng ế ẩm và mất thanh khoản. Trên cơ sở đó, giao dịch vàng giảm mạnh, khiến thị trường không còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Ngoài ra, theo ông Tùng, việc duy trì các biện pháp quản lý hành chính quá lâu có thể dẫn đến các vấn đề tiêu cực như hình thành thị trường chợ đen, xuất hiện vàng giả, vàng nhái, và lừa đảo trong mua bán vàng. Điều này có thể làm mất niềm tin của người dân vào thị trường vàng chính thức.

Thứ tư, các chính sách vẫn chưa xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng SJC. Chính sách hiện tại vẫn giữ nguyên độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, điều này có thể dẫn đến sự chênh lệch giá không hợp lý và không đảm bảo tính cạnh tranh công bằng trên thị trường. Việc NHNN vẫn độc quyền nhập khẩu vàng cũng hạn chế nguồn cung, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và tăng giá không đáng có.

Thứ năm, giá vàng nhẫn tăng vượt giá vàng miếng. Khi vàng miếng SJC trở nên khó mua do hạn chế số lượng bán ra, người tiêu dùng đã chuyển hướng sang mua vàng nhẫn. Việc giá vàng nhẫn tăng vượt giá vàng miếng SJC do nhu cầu chuyển hướng của người tiêu dùng cho thấy sự bất cân đối trong quản lý thị trường vàng.

"Chính sách bình ổn giá vàng miếng đã tạo ra hiện tượng "bóp chỗ này, lồi chỗ kia", khiến giá vàng nhẫn tăng mạnh và có khả năng tiếp tục tăng, gây bất ổn cho thị trường. Sự can thiệp mạnh mẽ của NHNN trong việc quản lý giá vàng miếng SJC có thể dẫn đến sự bóp méo thị trường vàng. Khi giá vàng miếng bị kìm giữ ở mức thấp so với giá vàng nhẫn, điều này có thể khuyến khích các hành vi đầu cơ hoặc chuyển dịch dòng tiền không mong muốn, gây ra sự bất ổn dài hạn cho thị trường", ông Tùng nhận định.


Đức Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT