Chuyên gia chia sẻ những giải pháp khi Mỹ áp dụng mức thuế lên tới 46%
PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất các giải pháp như đa dạng hóa thị trường, nâng chuỗi giá trị, cải thiện logistics, minh bạch nguồn gốc, hỗ trợ doanh nghiệp và chiến lược dài hạn nhằm đối phó với mức thuế đối ứng của Mỹ.

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng mức thuế nhập khẩu mới lên tới 46% đối với một số mặt hàng Việt Nam, cùng với thuế suất phổ quát 10% có hiệu lực từ ngày 5/4/2025, đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu. Trước tình hình này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đã có những phân tích và đề xuất giải pháp cụ thể.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, điểm mấu chốt đầu tiên cần thực hiện là giảm thiểu sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ - hiện chiếm tới 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
"Chúng ta cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, tận dụng triệt để các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng sang các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi hay Mỹ Latinh", ông nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng việc nâng cao giá trị sản phẩm là yếu tố then chốt. "Thay vì duy trì mô hình gia công truyền thống, doanh nghiệp cần chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu riêng và ứng dụng công nghệ hiện đại", PGS.TS Long phân tích. Ông lưu ý đây cũng là cách để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, lao động và truy xuất nguồn gốc từ các thị trường lớn.
Về phía Nhà nước, vị nguyên Viện trưởng đề xuất cần thiết lập cơ chế cảnh báo sớm và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. "Trước làn sóng điều tra thương mại ngày càng gia tăng từ phía Mỹ, việc hỗ trợ kịp thời về thông tin và pháp lý sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản", ông nói.
PGS.TS Long đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề minh bạch hóa chuỗi cung ứng. Ông nhận định việc ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc và siết chặt quản lý chứng nhận xuất xứ là biện pháp then chốt để tránh tình trạng hàng hóa nước ngoài 'đội lốt' sản phẩm Việt Nam.
Trong ngắn hạn, ông khuyến nghị doanh nghiệp cần linh hoạt chuyển hướng sang các thị trường FTA và đàm phán lại hợp đồng. Về dài hạn, ông đề xuất xây dựng chiến lược xuất khẩu bền vững với trọng tâm là nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu quốc gia.
"Đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc nền sản xuất, giảm dần sự phụ thuộc và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu", PGS.TS Ngô Trí Long kết luận, đồng thời nhấn mạnh sự thành công đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng.
Vào ngày hôm qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố một loạt thuế quan mới, được gọi là thuế "Ngày Giải phóng" lên hơn 180 quốc gia. Theo đó, mức thuế cơ bản 10% được áp dụng cho tất cả các quốc gia, cùng với chính sách thuế đối ứng nhắm vào các quốc gia có thâm hụt thương mại cao với Hoa Kỳ. Cụ thể, Việt Nam phải đối mặt với mức thuế 46% trên hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bày tỏ sự tiếc nuối và cho rằng quyết định áp thuế của Mỹ không phản ánh đúng thực tế hợp tác kinh tế và thương mại cùng có lợi giữa hai nước. Phát ngôn viên Phạm Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp để thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương phát triển ổn định và bền vững.
Để đối phó với tình hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để đánh giá tình hình và thảo luận các giải pháp ứng phó. Tại cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo thành lập tổ phản ứng nhanh do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu nhằm giải quyết tác động kinh tế từ các mức thuế mới.
Thúy Hạnh