Chuyên gia Hàn Quốc: Việt Nam có thể học hỏi mô hình BTS để xuất khẩu thương hiệu quốc gia ra thế giới
Chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ, trong xây dựng thương hiệu quốc gia cần dựa trên đổi mới sáng tạo với các trụ cột: công nghệ, giáo dục, hạ tầng, ngoại giao mềm và văn hóa.

Tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia 2025 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Đại học RMIT tổ chức vừa qua, ông Bok Dug Gyou, Trưởng Ban Korea Desk tại Vietrade kiêm Phó Giám đốc KOTRA tại Hà Nội đã chia sẻ một số góc nhìn đáng chú ý về cách Hàn Quốc đã xây dựng và đưa thương hiệu quốc gia vươn ra toàn cầu.
Theo đó, ông Bok cho biết, để đạt được vị thế hiện tại, Hàn Quốc đã trải qua hành trình dài với nhiều nỗ lực bền bỉ từ Chính phủ và khối doanh nghiệp. Đặc biệt, sự kết hợp giữa đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và các chính sách hỗ trợ hệ thống đã tạo nên nền tảng cho các thương hiệu quốc gia mạnh mẽ.
“Phát triển thương hiệu quốc gia không thể ngày một ngày hai mà cần sự kiên định và chiến lược lâu dài. Như trường hợp của BTS, đó không chỉ là một nhóm nhạc, mà là biểu tượng văn hóa được đầu tư, định hướng và đồng hành bởi cả hệ thống từ chính phủ đến doanh nghiệp”, ông Bok nói.

Ông Bok Dug Gyou, Trưởng Ban Korea Desk tại Vietrade kiêm Phó Giám đốc KOTRA tại Hà Nội.
Theo ông, thành công của BTS phản ánh sự đầu tư bài bản từ đào tạo tài năng, chiến lược truyền thông đến sự hậu thuẫn đồng bộ từ chính phủ và các tập đoàn tư nhân. Đây không chỉ là hiện tượng âm nhạc, mà là kết quả của một hệ sinh thái sáng tạo được xây dựng có định hướng.
Ông Bok cho biết, Hàn Quốc từ lâu đã xem ngành công nghiệp văn hóa như một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Chính phủ nước này đã không ngừng mở rộng các chính sách hỗ trợ, từ việc đầu tư vào giáo dục nghệ thuật, ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp sáng tạo, đến thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm văn hóa ra thị trường toàn cầu.
Không chỉ vậy, Hàn Quốc còn tích cực xây dựng hình ảnh quốc gia thông qua âm nhạc, phim ảnh, thời trang và ẩm thực – những lĩnh vực gần gũi và có sức lan tỏa mạnh mẽ với công chúng quốc tế. Việc phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư nhân cũng là yếu tố giúp Hàn Quốc tạo ra một hệ sinh thái thương hiệu quốc gia có chiều sâu và bền vững.
Cùng với đó, khẩu hiệu quốc gia cũng được làm mới định kỳ để phản ánh tinh thần thời đại. Từ "Dynamic Korea – Hàn Quốc năng động", họ chuyển sang "Creative Korea – Hàn Quốc sáng tạo", thể hiện rõ định hướng phát triển lấy đổi mới làm trung tâm.
Theo ông Bok, Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo mô hình này, đặc biệt ở vai trò dẫn dắt của các tập đoàn lớn và chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trong lĩnh vực sáng tạo.
Phó Giám đốc KOTRA tại Hà Nội cho rằng, đầu tiên Việt Nam phải xác định rõ một chiến lược dài hạn trong xây dựng thương hiệu quốc gia, dựa trên những lĩnh vực có lợi thế như văn hóa, du lịch, nông sản hay công nghệ. Đồng thời, việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo nhân lực sáng tạo là điều kiện tiên quyết để hình thành một lực lượng kế cận có khả năng cạnh tranh trong môi trường toàn cầu.
Ông cũng nhấn mạnh rằng chính phủ cần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và quảng bá thương hiệu ra thị trường quốc tế, thông qua các cơ chế chính sách về tài chính, pháp lý và xúc tiến thương mại. Ngoài ra, Việt Nam cần tận dụng tối đa kho tàng văn hóa truyền thống phong phú để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ đặc trưng mang bản sắc riêng. Cuối cùng, việc xây dựng một hình ảnh quốc gia tích cực, thân thiện và sáng tạo sẽ là chìa khóa để thu hút sự chú ý, thiện cảm và hợp tác từ cộng đồng quốc tế.
Theo báo cáo của Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng 102% trong giai đoạn 2019-2023, đạt 498,13 tỷ USD vào năm 2023, xếp hạng 33 trong số 121 thương hiệu quốc gia mạnh nhất thế giới . Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy tiềm năng phát triển thương hiệu quốc gia của Việt Nam là rất lớn.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia, như thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, hạn chế trong việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo nhân lực sáng tạo, và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế.
Kỳ Thư