Chuyên gia lý giải vì sao lãi suất cho vay khó tăng sớm trở lại

Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ngày càng lan rộng. Tín hiệu này dấy lên lo ngại về sự tăng trở lại của lãi suất cho vay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lãi suất cho vay tăng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Kể từ tháng 4 trở lại đây, làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm tăng mạnh trở lại. Riêng trong tháng 4, số lượng ngân hàng tăng lãi suất đã nhiều hơn so với số ngân hàng giảm lãi suất. Bước sang tháng 5 đã có 20 ngân tăng lãi suất tiết kiệm. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ 3-4 lần.

Cũng chỉ sau 3 ngày làm việc đầu tiên của tháng 6 đã có tới 7 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm bao gồm: TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank. Xu hướng tăng lãi suất được dự báo sẽ còn tiếp diễn và lan rộng. Lãi suất huy động tăng là một trong những tín hiệu khiến không ít lo ngại cho rằng, lãi suất cho vay có thể sẽ sớm tăng trở lại. 

Trước đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, thời điểm lãi suất tiết kiệm tăng cho đến khi kéo theo lãi suất cho vay tăng cần có độ trễ. Thông thường với các ngân hàng huy động vốn để cho vay ngay ra, thì ảnh hưởng lên lãi suất cho vay đầu ra sẽ diễn tức thời, không cần độ trễ. Nhưng nhìn chung, từ huy động vốn đến việc đẩy ra nền kinh tế sẽ có độ trễ khoảng từ 2 cho đến 3 tháng sau khi ngân hàng tính toán đến các loại chi phí.

Thực tế, hiện tại một số ngân hàng tung ra các gói lãi suất cho vay với mức lãi suất ưu đãi chỉ 5-6%/năm trong thời gian nhất định từ 1-3 năm. Tuy nhiên, hết ưu đãi, mức lãi suất sẽ thả nổi. Trong khi đó, nhiều ngân hàng đưa ra công thức tính lãi suất thả nổi bằng lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 12 tháng trở lên cộng với biên độ lãi suất. Nếu lãi suất tiết kiệm tăng, tất yếu lãi suất thả nổi cũng tăng theo. 

Theo chuyên gia kinh tế, mặt bằng chung, lãi suất cho vay hiện sẽ khó đảo chiều tăng mạnh trở lại. Bởi mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức thấp khi chỉ có số ít ngân hàng đang neo mức lãi suất trên 6%/năm. 

Ở góc độ nhìn nhận khác, một số chuyên gia lại cho rằng, lãi suất cho vay tăng sớm tại thời điểm này sẽ khó xảy ra.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, phân tích, thực tế nhu cầu vay vốn còn rất lớn. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản, người dân đều có nhu cầu vay vốn để kinh doanh, sản xuất nhưng ngân hàng có cho vay không lại là chuyện khác.

Hiện nay, các ngân hàng đều tăng cường phòng ngừa rủi ro để đề phòng vấn đề nợ xấu, khó thu hồi vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng Nhà nước ngày càng giám sát chặt chẽ việc cho vay đúng theo quy định. Đối với lĩnh vực bất động sản, các ngân hàng thương mại cho vay sẽ chọn lựa những cá nhân có nhu cầu và khả năng trả nợ. Về tổng thể dư nợ tín dụng trong bất động sản sẽ không tăng đột biến, còn trong sản xuất kinh doanh, tín dụng sẽ tăng từ từ theo sự phục hồi của doanh nghiệp. Diễn biến cung cầu tín dụng ở mức thận trọng do đó nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng cũng sẽ không thể chạy đua lãi suất huy động giống như giai đoạn cuối năm 2022. Do vậy, lãi suất huy động có tăng cũng chỉ ở khoảng 0,5 – 1% phù hợp cho nhu cầu thực tế.

Ông Hiển phân tích thêm rằng, trong điều kiện bình thường, khi lãi suất huy động tăng tất yếu sẽ tác động đến lãi suất cho vay nhưng trong bối cảnh hiện nay lãi suất cho vay khó có thể tăng do 2 nguyên nhân. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát chặt chẽ lãi vay. Thứ hai, do áp lực cạnh tranh cho vay giữa các ngân hàng.

Ngoài ra, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ lãi suất trong năm 2022-2023, nên lãi suất cho vay trong năm nay sẽ giảm xuống để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.

"Như vậy, trong thời gian tới, lãi suất cho vay khó có thể tăng mặc dù lạm phát và chi phí huy động vốn đầu vào của các ngân hàng đang có xu hướng tăng lên", ông Hiển nhấn mạnh.

Tùng Lâm

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT