Chuyên gia: Nghị quyết 68 mang tính nhân văn trong xử lý tội phạm kinh tế

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, cho rằng Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân đánh dấu một bước tiến mang tính nhân văn, bởi trong thực tế, việc hình sự hóa nhiều sai phạm kinh tế – đặc biệt với doanh nhân tư nhân – có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả doanh nghiệp.

Tại tọa đàm "Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68", luật sư Nguyễn Thanh Hà đã phân tích các góc nhìn mới và nhân văn của Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân.

Theo ông Hà, Nghị quyết bổ sung nhiều điểm mới quan trọng, cho phép áp dụng linh hoạt các chế tài dân sự, hành chính và hình sự. Trong đó, doanh nghiệp hoặc doanh nhân nếu vi phạm về kinh tế có thể được xem xét xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc tài chính, thay vì khởi tố hình sự ngay từ đầu.

Đặc biệt, với những trường hợp đủ căn cứ xử lý hình sự nhưng hậu quả đã được khắc phục, nghị quyết cho phép cân nhắc không khởi tố. Ông Hà đánh giá đây là hướng đi nhân văn, giúp doanh nghiệp có cơ hội sửa sai, tránh nguy cơ sụp đổ hoàn toàn nếu bị hình sự hóa.

"Hiện nay, khi bị cáo khắc phục hậu quả, cơ quan tố tụng có thể xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu thiệt hại đã được bồi thường toàn bộ, có nên miễn truy cứu hay không là câu hỏi cần được làm rõ và thể chế hóa trong thời gian tới", ông Hà nói.

Chuyên gia: Nghị quyết 68 mang tính nhân văn trong xử lý tội phạm kinh tế- Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw

Luật sư cũng cho rằng cần phân định rõ trách nhiệm hình sự giữa cá nhân và pháp nhân. Trong thực tế, nhiều sai phạm do cá nhân thực hiện nhưng doanh nghiệp chỉ bị xử phạt hành chính nhẹ. Ông đề xuất tăng cường chế tài đối với pháp nhân, thay vì chỉ tập trung xử lý cá nhân doanh nhân.

Ngoài ra, ông Hà cho biết Nghị quyết 68 cũng nhấn mạnh vai trò của tư pháp trong đảm bảo thực thi hợp đồng, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực tư nhân.

Bên cạnh đó, theo ông Hà, một vấn đề nổi bật khác được Nghị quyết 68 đề cập là xử lý nợ đọng – tình trạng phổ biến trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Ông Hà cho rằng, việc thu hồi các khoản nợ nhỏ hiện gặp nhiều khó khăn, do chi phí pháp lý lớn so với giá trị khoản nợ. Do đó, cần triển khai hiệu quả thủ tục rút gọn theo Bộ luật Tố tụng Dân sự để giải quyết nhanh các khoản nợ dưới 100 triệu đồng.

Một điểm sáng khác được ông Hà ghi nhận là tác động tích cực của Nghị quyết 68 đối với các cơ quan hành chính. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, ông cho biết đã xuất hiện những chuyển động tích cực như số hóa quy trình và rút ngắn thời gian xử lý thủ tục.

Tuy vậy, ông Hà cho rằng Nghị quyết vẫn chưa đề cập đến một mắt xích quan trọng là thi hành án. Trong nhiều vụ việc, dù bên thắng kiện đã có bản án, nhưng vẫn không thể thu được tiền do quá trình thi hành gặp khó khăn. Ông đề xuất cần có thêm một nghị quyết riêng về cải cách tư pháp để hỗ trợ khu vực tư nhân.

"Cải cách tư pháp là yếu tố then chốt. Nếu tư pháp không được cải cách đồng bộ, nỗ lực cải cách khu vực tư nhân hay cải cách thể chế cũng sẽ bị ảnh hưởng", ông Hà nhấn mạnh.

Thảo Vân

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT