Chuyện tìm "long mạch" của một sàn TMĐT thuần Việt: Hai lãnh đạo sang Trung Quốc ngay khi mở cửa sau Covid, mở kho hàng tạp hóa đầu tiên đúng ngày TP HCM giãn cách
"Đầu năm 2020, tôi phải thảo luận rất nhiều với các cổ đông, những người đồng sáng lập và đội ngũ quản lý để nói rằng, có lẽ việc tiếp tục hướng đến mục tiêu sàn thương mại điện tử số 1 không còn là lựa chọn khả thi đối với công ty", ông Trần Hải Linh – CEO của Sendo kể lại.
"12 năm trước, chúng tôi đã thành lập Sendo. Thực ra đúng tháng này chúng tôi sẽ kỷ niệm sinh nhật công ty", CEO Sendo Trần Hải Linh mở đầu phần chia sẻ tại sự kiện Tech in Asia Saigon Summit hôm 30/5.
Ông Linh cho biết bối cảnh thị trường lúc đó rất khác so với hiện nay. Thương mại điện tử (TMĐT) không có dịch vụ vận chuyển, cũng chẳng có những phương thức thanh toán đa dạng. Hầu hết các hoạt động được gọi là TMĐT hồi đó chỉ đơn giản là đăng thông tin sản phẩm.
Tại thời điểm năm 2012, ông Linh cùng các đồng nghiệp đang làm việc về các dịch vụ online tại Tập đoàn FPT. Với mong muốn làm thứ gì đó mới mẻ và khác biệt, xây dựng tên tuổi, đồng thời nhận thấy tiềm năng của TMĐT, họ quyết định thành lập Sendo.
Đóng cửa hoặc tách khỏi FPT Online
"Ban đầu, Sendo là một dự án nhỏ trong lòng FPT Online, nhưng bỗng dưng lớn mạnh dần. Đến một thời điểm, FPT Online không còn coi dự án này ở quy mô có thể nằm dưới quyền quản lý của họ nữa.
Lúc đó chúng tôi buộc phải đưa ra lựa chọn. Phương án thứ nhất là đóng cửa - điều mà nhiều bạn bè của tôi thực sự đã khuyên làm. Họ bảo tôi rằng TMĐT vô cùng khó nhằn. Nếu chuyển sang thứ khác, có lẽ tôi sẽ làm tốt hơn.
Phương án thứ hai là tách khỏi FPT Online và đi gọi vốn. Nhờ sự tin tưởng và hỗ trợ từ phía các nhà đầu tư, Sendo tách khỏi FPT Online vào năm 2014", CEO của Sendo cho biết. Theo tìm hiểu, CTCP Công nghệ Sen Đỏ - đơn vị sở hữu sàn TMĐT Sendo.vn được thành lập vào tháng 5/2014 và trực thuộc Tập đoàn FPT.
Tháng 8/2018, Sendo huy động được 51 triệu USD trong vòng gọi vốn series B do tập đoàn SBI của Nhật Bản dẫn đầu cùng một số nhà đầu tư khác, trong đó có SoftBank. Tới tháng 11/2019, công ty tiếp tục gọi vốn thành công 61 triệu USD trong vòng series C. Tại thời điểm quý II/2019, Sendo xếp thứ 4 trong các trang TMĐT tại Việt Nam về lưu lượng truy cập web hàng tháng, sau Shopee, Tiki và Lazada.
Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm 2019 – đầu năm 2020, CEO Trần Hải Linh đối mặt với câu hỏi: Sendo sẽ trở thành sàn TMĐT số 1 Việt Nam, hay họ phải làm gì đó khác?
"Đầu năm 2020, tôi phải thảo luận rất nhiều với các cổ đông, những người đồng sáng lập và đội ngũ quản lý để nói rằng, có lẽ việc tiếp tục hướng đến mục tiêu sàn TMĐT số 1 không còn là lựa chọn khả thi đối với công ty. Chúng tôi chịu trách nhiệm xây dựng công ty lớn mạnh và hiệu quả, nên chỉ tiếp tục mục tiêu đó là không đủ.
Rồi Covid-19 bùng phát. Chúng tôi vẫn có sàn TMĐT ở đó, nhưng biết rằng mình phải làm thứ gì mới mẻ, thú vị, chưa có đối thủ đủ khả năng cạnh tranh. Cuối năm 2022, chúng tôi đã tìm thấy đáp án khả thi, chính là Sendo Farm", ông Linh cho biết.
"Dấn thân" ngay khi Trung Quốc vừa mở cửa
Theo trang thông tin nội bộ Chungta.vn của Tập đoàn FPT, những ngày cuối năm 2022 – giữa lúc các gia đình đang chuẩn bị đón Tết, ông Trần Hải Linh cùng Phó Giám đốc Sendo Nguyễn Phương Hoàng đã lên đường sang Trung Quốc ngay khi đất nước tỷ dân vừa mở cửa để tìm hiểu về thị trường Online Grocery (thực phẩm online - OG).
"Ai cũng hiểu rằng đây là thời điểm "vàng" và giai đoạn cốt lõi để Sendo định hình được chiến lược, những bước đi đúng đắn trong năm 2023. Chậm một ngày là Sendo lại bước chậm một bước tới mục tiêu", ông Hoàng chia sẻ.
Sau 8 ngày cách ly, các lãnh đạo của Sendo trải qua hành trình 3 tuần tại Trung Quốc, trải nghiệm mô hình OG tại 7 tỉnh thành. Thậm chí để có những thông tin vận hành thực tế, ông Hoàng đã vào vai một người lao động tìm việc và đích thân đi xe máy trong đêm tới kho vận hành của một công ty có tiếng trong lĩnh vực OG.
Trước khi xác định bán thực phẩm online là "long mạch", Sendo đã lập ra dự án Sendo Farm từ tháng 9/2021, đưa được hơn 500 tấn nông sản Việt tiếp cận với người tiêu dùng trong năm đầu tiên này.
"Một câu chuyện thực sự khiến tôi cảm động là đúng vào ngày TP.HCM giãn cách vì Covid-19, chúng tôi đã mở nhà kho đầu tiên. Chúng tôi có thể làm được vì Sendo là công ty TMĐT và hàng tạp hóa được coi là thiết yếu với người dân.
Vậy là khi mọi người ở nhà, đội ngũ Sendo đã ra đường, chung tay hỗ trợ người dân TP.HCM trong mùa dịch, qua đó cũng mở ra một con đường tươi sáng hơn cho Sendo. Tôi đã nói với đội ngũ của mình rằng chúng ta phải đi theo con đường này, tìm cách để tồn tại", ông Linh bộc bạch.
CEO của Sendo chia sẻ thêm rằng tại thời điểm đó, họ nhận ra hàng tạp hóa là một thị trường khổng lồ, chưa được các "tay chơi online" khai thác. Hơn nữa, Covid-19 đã đẩy nhanh tốc độ bình thường hóa việc mua tạp hóa online tại Việt Nam, người dân chấp nhận nhanh hơn.
Năm 2022, Sendo Farm đã xây dựng hợp tác trên kênh TMĐT với hơn 100 hợp tác xã, doanh nghiệp về nông nghiệp, bán ra hơn 88 tấn nông sản trên toàn quốc, có hơn 288.000 khách hàng.
Hôm 6/6 vừa qua đánh dấu kỷ lục mới của Sendo Farm với 110.000 đơn được chốt, hơn 150 tấn hàng cần xử lý trong ngày "siêu sale". Quả ngọt là doanh thu 4,3 tỷ đồng - tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2023.
"Bây giờ nhìn lại, tôi có thể nói rằng hành trình của chúng tôi trải đầy thăng trầm. Chúng tôi thực sự đã đạt được nhiều bước tiến, nhưng đồng thời cũng không ít lần đối mặt khủng hoảng.
Điều khiến tôi cảm thấy thỏa mãn là sau 12 năm, chúng tôi có thể yên tâm nói rằng Sendo đã hết sức cống hiến một phần nhỏ vào sự thay đổi trong lĩnh vực TMĐT của đất nước. Bây giờ không ai còn thắc mắc nếu bạn mua váy trên mạng hoặc đặt đồ ăn online", CEO của Sendo bày tỏ.