CII đang nghiên cứu triển khai 6 dự án BOT với tổng quy mô 75.000 tỷ đồng

Tại ĐHĐCĐ bất thường sắp tới, CII sẽ trình cổ đông xem xét danh mục nghiên cứu 6 dự án BOT với tổng quy mô gần 75.000 tỷ đồng nhằm phù hợp với tình hình mới khi triển khai Nghị Quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã CII – sàn HoSE) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 dự kiến tổ chức ngày 19/9 tại TP. HCM. Trong số các tài liệu chuẩn bị cho đại hội, một tờ trình quan trọng là định hướng phát triển chiến lược của CII giai đoạn 2024 - 2030.

Đầu tiên, CII dự kiến triển khai nghiên cứu 6 dự án BOT với tổng quy mô gần 75.000 tỷ đồng. Đây là các dự án tập trung cửa ngõ phía Bắc và phía Tây Nam TP. HCM. 

Cụ thể, dự án lớn nhất trong đó là cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 22.000 tỷ đồng; dự án nâng cao năng lực thông hành tại khu vực Tây Bắc TP. HCM với vốn đầu tư 19.059 tỷ đồng; dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An với tổng vốn đầu tư 11.982 tỷ đồng; dự án nâng cao năng lực giao thông dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng – Nguyễn Xí – Ung Văn Khiêm – Nguyễn Hữu Cảnh với tổng vốn đầu tư 10.108 tỷ đồng; dự án nâng cấp mở rộng trục Bắc Nam (đường Nguyễn Hữu Thọ) đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức Long Thành với vốn đầu tư 6.625 tỷ đồng; và cuối cùng dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương với vốn đầu tư 5.048 tỷ đồng.

cii-dang-nghien-cuu-trien-khai-6-du-an-bot-voi-tong-quy-mo-75-000-ty-dong-1693192057.png
Nguồn: CII

Bên cạnh đó, CII còn có định hướng mở rộng đầu tư sang lĩnh vực mới là hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế. Trong đó, CII nghiên cứu hợp tác với các bệnh viện tên tuổi tại TP. HCM, để đầu tư hạ tầng dịch vụ trong lĩnh vực khám chữa bệnh như hợp tác xây dựng phòng khám, cơ sở lưu trú y tế đặt tại các khu vực cửa ngõ kết nối TP. HCM. 

Mặt khác, công ty hướng tới tệp khách hàng trung niên, sắp về hưu, có gia đình có người cao tuổi, cũng như Việt kiều và người nước ngoài có mong muốn lựa chọn Việt Nam là nơi nghỉ hưu, an dưỡng điền viên cùng con cháu để phát triển bất động sản hưu trí.

Cũng tại đại hội sắp tới, CII trình cổ đông điều chỉnh ngành nghề kinh doanh từ kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê sang kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê (chi tiết kinh doanh bất động sản (không bao gồm đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất với hạ tầng)).

CII cho biết Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định “Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng kỹ thuật đó” là ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, việc điều chỉnh ngành nghề kinh doanh là cần thiết để phù hợp với giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa hiện tại tại Công ty CII. Đồng thời, việc điều chỉnh không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hiện tại.

Về tình hình kinh doanh, luỹ kế trong 6 tháng đầu năm 2023, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM ghi nhận doanh thu đạt 1.591,34 tỷ đồng, giảm 6,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 43,5 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ.

Được biết, trong năm 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu 5.155 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 469 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, CII mới hoàn thành được 9,3% so với kế hoạch lợi nhuận năm và cách rất xa kế hoạch lãi 469 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT