CII lần thứ hai không thể tổ chức đại hội cổ đông
ĐHĐCĐ bất thường của CII ngày 19/9 đã không thể diễn ra vì không đủ số lượng cổ đông có quyền biểu quyết. Vậy công ty chưa thể thông qua 6 dự án hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư 75.000 tỷ đồng.
Sáng 19/09, ĐHĐCĐ bất thường CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (mã: CII, sàn HoSE) đã không thể tiến hành do không đủ tỷ lệ cổ phần tham dự.
Theo đại diện ban kiểm tra tư cách cổ đông, tỷ lệ số cổ phần tham dự tính đến 9h chỉ ghi nhận 31,2% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Do đó, ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2023 của CII đã không đủ điều kiện để tiến hành theo quy định.
Ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CII cho biết, dù số cổ đông tham dự khá đông, trên 200 cổ đông, là đông hơn mọi năm, nhưng vẫn không đủ tỷ lệ tổ chức.
Theo tài liệu chuẩn bị cho đại hội được công bố trước đó, CII trình cổ đông điều chỉnh ngành nghề kinh doanh từ kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê sang kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê (chi tiết kinh doanh bất động sản (không bao gồm đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất với hạ tầng)).
Việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo phù hợp với giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa hiện nay của CII theo quy định tại Điều lệ. CII cho biết, việc điều chỉnh không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hiện tại của Công ty.
Đối với định hướng đầu tư giai đoạn 2024 - 2030, CII xác định đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục là lĩnh vực Công ty ưu tiên. Để đưa ra định hướng này, CII căn cứ vào chính sách hiện nay của Chính phủ là ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc giai đoạn 2023 - 2025.
CII đánh giá đây là động lực lớn thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức PPP. Các dự án PPP khi kết nối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ tạo thành một tuyến giao thông hoàn chỉnh, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư PPP.
Mặt khác, căn cứ vào Nghị quyết 98/2023/QH15 mở ra cơ hội lớn về đầu tư hạ tầng. Nghị quyết này cho phép TP.HCM đầu tư theo hình thức PPP (BOT hoặc BT) trên tuyến đường hiện hữu. Từ đó phần nào giải quyết được các khó khăn do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; đánh giá khả năng hoàn vốn; và huy động vốn cho dự án.
Dựa trên các cơ sở đã nêu, CII đưa ra 6 dự án hạ tầng giao thông Công ty dự kiến đầu tư giai đoạn 2024 - 2030 với tổng mức đầu tư gần 75.000 tỷ đồng, trong đó dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 là dự án có mức đầu tư lớn nhất với 22.000 tỷ đồng.
Bên cạnh lĩnh vực hạ tầng giao thông truyền thống, CII còn lên kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực y tế theo hai hướng hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế.
Đại hội bất thường ngày 19/9 của CII không thể diễn ra dù trước đó công ty cho biết sẽ có món quà tri ân gửi đến cổ đông. Cụ thể, đối với nhà đầu tư tham dự trực tiếp hoặc uỷ quyền, nhà đầu tư điền thông tin tài khoản vào mặt sau của thư mời và gửi lại ban tổ chức khi làm thủ tục tham dự. Đối với cổ đông không tham dự, uỷ quyền cho Trưởng Ban kiểm soát tham dự, cổ đông điền thông tin tài khoản vào mặt sau thư mời và chụp gửi về cho Ban tổ chức qua số điện thoại.
Trước đó, ngày 26/4, CII cũng không thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 1 vì chỉ có 45,81% tổng số cổ phần được quyền biểu quyết tham dự, thấp hơn quy định.
Trước thềm đại hội, CII cho biết, tùy thuộc vào số lượng cổ phần sở hữu của cổ đông, cổ đông tham gia Đại hội sẽ nhận quà bằng tiền (không nói số tiền cụ thể).
Nếu muốn nhận quà, cổ đông phải đăng ký tham dự đại hội. Trong đó, cổ đông đã đăng ký nhận quà khi tham dự đại hội mà không đi đại hội, số cổ phần này được ủy quyền cho Trưởng Ban kiểm soát Công ty CII được thay cổ đông tham dự và bỏ phiếu.