Cổ đông của Nam A Bank huy động 200 tỷ đồng trái phiếu

CTCP Thương mại Sản xuất Độc Lập (cổ đông của Nam A Bank) phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu mã DLJCH2425001 ngày 28/6.

Theo công bố trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Thương mại Sản xuất Độc Lập (Công ty Độc Lập) vừa phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu mã DLJCH2425001.

Lô trái phiếu gồm 2.000 trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu được hoàn tất ngay trong ngày phát hành 28/6. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 12 tháng, tức đáo hạn vào ngày 28/6/2025, lãi suất cố định 11,5%/năm. Tổ chức lưu ký là CTCP Chứng khoán Bảo Minh. Đây là trái phiếu có tài sản bảo đảm và thanh toán gốc một lần khi đến hạn.

co-dong-cua-nam-a-bank-huy-dong-200-ty-dong-trai-phieu-1720246977.PNG
Nguồn: HNX

Được biết, Công ty Độc Lập và Kim Phong Bảo là 2 trong 8 nhà đầu tư tổ chức tham gia mua 143 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của Nam A Bank hồi tháng 02/2022.Với giá phát hành 20.000 đồng/cổ phiếu, Nam A Bank thu ròng 2.831 tỷ đồng. 

Danh sách các nhà đầu tư mua cổ phiếu gồm Công ty TNHH Sản xuất – Xuất Nhập khẩu – Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Hoàng Vũ, CTCP Thương mại Sản xuất Độc Lập, CTCP Kim Phong Bảo mỗi bên cùng mua 22,8 triệu cổ phiếu; 

Công ty TNHH Anh Quốc SG mua 22,7 triệu cổ phiếu, CTCP Quản lý Quỹ Đầu từ Lighthouse mua 22,6 triệu cổ phiếu, CTCP Đầu tư Thương mại Cửu Long Residence mua 20,6 triệu cổ phiếu, Công ty TNHH Kinh doanh Dịch vụ Bất động sản Thăng Long mua 6,7 triệu cổ phiếu và Công ty TNHH M8 mua 2 triệu cổ phiếu.

Kết thúc thương vụ, Công ty Độc Lập và Kim Phong Bảo đã phải chi ra 912 tỷ đồng để sở hữu 45,6 triệu cổ phiếu (tương đương tỉ lệ sở hữu 6,94%) Nam A Bank.

Theo tìm hiểu, Công ty Độc Lập thành lập vào tháng 08/2014 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với ngành nghề chính là sản xuất tôn, cán tôn. Vốn điều lệ ban đầu 4,5 tỷ đồng; trong đó, ông Nguyễn Đức Thuận (Giám đốc kiêm đại diện pháp luật) góp 49%, CTCP Thương mại Tuệ Cơ góp 41%, ông Triệu Đăng Nguyên và Nguyễn Văn Khánh mỗi người 5%.

Tháng 10/2014, ông Thuận chuyển toàn bộ vốn góp cho cá nhân người Indonesia là ông Rudy Hartanto. Tháng 03/2019, công ty nâng vốn lên 20 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông trong nước không được tiết lộ, chỉ biết cổ đông nước ngoài là ông Rudy Hartanto còn nắm 11,025%.

Đến tháng 07/2020, ông Rudy cũng thoái hết vốn, doanh nghiệp hoàn toàn thuộc về sở hữu của các cá nhân trong nước. Ban lãnh đạo công ty lúc này gồm ông Phan Tấn Thuận – Chủ tịch HĐQT, ông Phạm Anh Tuấn – Thành viên HĐQT, bà Hoàng Đoan Phương Thảo – Thành viên HĐQT, ông Thuận vẫn giữ chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. 

Tháng 8/2020, Công ty nâng vốn lên 100 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông lúc này chỉ công bố ông Nguyễn Văn Khánh sở hữu 5%. Tháng 05/2021 nâng lên 200 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên 500 tỷ đồng vào tháng 1/2022. Từ tháng 8/2020, ông Phạm Anh Tuấn giữ chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật cho đến hiện nay.

Theo dữ liệu của PV, trong giai đoạn 2022-2023, Công ty Độc Lập phát sinh nhiều khoản vay tại ngân hàng. Công ty này sử dụng các hợp đồng tiền gửi 20 tỷ đồng, 50 tỷ đồng, 7,2 tỷ đồng, 3 tỷ đồng… để bảo đảm khoản vay giá trị tương ứng tại BIDV - chi nhánh Thống Nhất.

Trong khi đó, CTCP Kim Phong Bảo thành lập năm 2021, ngành nghề chính là bán buôn kim loại và quặng kim loại (trừ mua bán vàng miếng). Vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng; cổ đông sáng lập gồm ông Bùi Ngọc Ánh (sinh năm 1993) góp 99% đồng thời giữ chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, ông Phan Linh Nhất và ông Nguyễn Vũ Nam Chi mỗi người góp 0,5%. Đến tháng 9/2022, Công ty đã tăng vốn lên 600 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT