Cổ đông Techcombank nhận tin vui liên tiếp
Không chỉ chia cổ tức bằng tiền mặt và chia thưởng bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao, cổ phiếu TCB của Techcombank còn tăng liên tục thời gian qua và kết quả kinh doanh của ngân hàng cũng luôn giữ vị thế đầu ngành.
SSC chấp thuận kế hoạch của Techcombank về tăng vốn điều lệ
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) ngày 6/6 đã công bố quyết định chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – TCB) tăng vốn điều lệ từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100%, tức mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới.
Cùng với Techcombank, trong năm nay, Big3 Ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là Vietcombank, BIDV, VietinBank đều có kế hoạch tăng vốn và đã được cổ đông thông qua tại kỳ đại hội vừa qua, hiện chờ cơ quan quản lý chấp thuận.
Trước đó, Techcombank đã được các cơ quan quản lý chấp thuận cho chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% - mức cao nhất hệ thống. Số tiền cổ tức này đã về tài khoản nhà đầu tư từ đầu tháng 6 này.
Với mức chia tiền mặt 15% và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 100%, Techcombank là ngân hàng duy nhất chi trả cho cổ đông với tỷ lệ cao như vậy trong năm nay. Đồng thời, kế hoạch phát hành để tăng vốn lên trên 70 nghìn tỷ đồng cũng sẽ đưa Techcombank nâng quy mô vốn điều lệ lên top đầu hệ thống.
Thông tin Techcombank chia cổ tức cho cổ đông đã được thị trường đón nhận tích cực. Giá cổ phiếu TCB đã tăng mạnh mẽ thời gian qua, chốt phiên giao dịch ngày 07/6 tại 49.100 đồng/cổ phiếu (sau khi đã chia cổ tức tỷ lệ 15%), tương đương tăng gần 70% so với đầu năm. Nếu tính chưa chia tách, cổ phiếu TCB đã tăng gần 80% chỉ trong nửa năm. Sự biến động tích cực này giúp vốn hoá của Ngân hàng đạt mức hơn 6,8 tỷ USD, nằm trong top 10 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm 2024, Ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 27.100 tỷ đồng, tương đương mức tăng 18,4% so với năm 2023. Tổng tín dụng dự kiến tăng trưởng 16,2% lên 616.061 tỷ đồng, hoặc cao hơn tùy theo mức tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến dưới 1,5%.
Kết quả kinh doanh nhiều dấu ấn khác biệt
3 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt hơn 7.800 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng tăng trưởng tích cực ở hầu hết các mảng kinh doanh chủ chốt, trong khi đó quản trị chặt chẽ chi phí giúp tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) được cải thiện xuống mức rất thấp. Theo đó, Techcombank là Top 1 lợi nhuận trong các ngân hàng tư nhân và Top 2 toàn thị trường.
(Các mảng kinh doanh chính của Techcombank đều có tăng trưởng tốt trong quý 1/2024)
Về nền tảng hoạt động, Techcombank đang đứng Top 1 ở ba khía cạnh quan trọng để tự tin duy trì tăng trưởng tích cực trong năm 2024: Ngân hàng TMCP quy mô lớn có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất, Ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất, Ngân hàng sở hữu công ty chứng khoán "ăn nên làm ra" nhất.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng những tháng đầu năm ở mức rất thấp, Techcombank gây ấn tượng khi ghi nhận mức tăng trưởng tới 6,4% trong quý 1/2024, cao hơn nhiều so với mức trung bình ngành (khoảng 1,3%) và đúng tiến độ để đạt hạn mức cấp bởi Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp không đổi, thậm chí giảm nhẹ 1% so với quý trước xuống 42 nghìn tỷ đồng; Dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp tăng 8% so với quý trước lên 368 nghìn tỷ đồng; Tín dụng cá nhân tiếp tục đà tăng trưởng, tăng 5,3% so với đầu năm.
Thống kê của chúng tôi từ báo cáo tài chính các ngân hàng quý 1, hiện Techcombank là ngân hàng TMCP quy mô lớn có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Đồng thời Techcombank nằm trong nhóm 5 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt trên 100%, tức cứ 1 đồng nợ xấu thì đã trích lập hơn 1 đồng. Techcombank cũng là ngân hàng hiếm hoi liên tục cải thiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu 2 quý liên tiếp, trong khi hầu hết các ngân hàng khác ghi nhận xu hướng suy giảm của tỷ lệ này. Điều này cũng phản ánh tính thận trọng của Techcombank trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn và ngân hàng phải cân đối giữa lợi nhuận và chất lượng tài sản.
Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Techcombank đánh dấu quý thứ 4 liên tiếp tăng trưởng dương, đạt mốc 185 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, tỷ lệ CASA của Techcombank đạt 40,5%, cải thiện so với mức 39,9% cuối 2023 và mức 32% cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, cú lội ngược dòng này cũng giúp Techcombank lấy lại "ngôi vương" CASA trên thị trường.
Việc tăng trưởng CASA và các nguồn huy động vốn chi phí thấp giúp chi phí vốn của Techcombank liên tục đi xuống một cách ổn định. Cụ thể, chi phí vốn của ngân hàng đã liên tục giảm quý thứ 3 liên tiếp, từ 5,4% (quý 2/2023) xuống còn 3,4% (quý 1/2024).
Kết quả kinh doanh quý 1/2024 của Techcombank cho thấy nhiều dấu ấn khác biệt so với thị trường chung. Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank khẳng định hoạt động kinh doanh năm 2024 của nhà băng này "đang theo đúng kế hoạch" đề ra, với dự kiến lợi nhuận năm 2024 sẽ ước đạt 27.100 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh của ngân hàng tư nhân hiệu quả số 1 Việt Nam hiện nay cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s, tỷ lệ an toàn vốn và hiệu quả hoạt động của Techcombank tiếp tục ở mức cao hơn mức trung bình ngành, được hỗ trợ thêm bởi các nguồn huy động vốn đa dạng. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản của Techcombank năm 2023 ở mức 2,4%, cao hơn nhiều so với trung bình ngành ở mức khoảng 1,4%. Tổ chức này đã nâng hạng triển vọng của Techcombank 2024 lên mức Ổn định. Chỉ số đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) của Techcombank tiếp tục trong nhóm các ngân hàng dẫn đầu về chất lượng tài sản tín dụng, ở mức Ba3.