Có được ủy quyền rút tiền gửi có kỳ hạn?
Theo quy đinh, người gửi sẽ không thể thực hiện việc ủy quyền cho người khác rút tiền gửi có kỳ hạn.
Tiền gửi có kỳ hạn là khoản tiền nhàn rỗi hoặc khoản tiền đầu tư của khách hàng được gửi tại ngân hàng với một kỳ hạn cụ thể. Mức lãi suất hàng kỳ khách hàng được hưởng sẽ được ấn định ngay từ thời điểm mở sổ tiết kiệm và kéo dài cho đến cuối hạn.
Khoản 2, Điều 5 Thông tư số 49/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tiền gửi có kỳ hạn quy định: "Khách hàng chỉ được gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua tài khoản thanh toán của chính khách hàng đó".
Khoản 1(e), Điều 6 Thông tư số 49/2018/TT-NHNN quy định: "Thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn giữa tổ chức tín dụng và khách hàng phải được lập thành văn bản, trong đó bao gồm thông tin tài khoản thanh toán của khách hàng được dùng để gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn gồm: Tên chủ tài khoản thanh toán, số tài khoản thanh toán, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản thanh toán".
Căn cứ theo các quy định trên, khi chi trả tiền gửi có kỳ hạn cho khách hàng, các tổ chức tín dụng chuyển tiền gốc và lãi của khoản tiền gửi có kỳ hạn vào tài khoản thanh toán của chính khách hàng theo các thông tin tài khoản thanh toán của khách hàng đã nêu trong Thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn giữa tổ chức tín dụng và khách hàng.