Cổ phần hóa các Cienco: Loạt cựu lãnh đạo Cienco 1 lãnh án và dấu ấn nhóm doanh nghiệp liên quan Đinh Ngọc Hệ

Trong quá trình cổ phần hóa Cienco 1, dàn cựu lãnh đạo và một số người, đơn vị liên quan đã có sai phạm gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng.

Loạt cựu lãnh đạo Cienco 1 lãnh án

Như đã đưa tin, ngày 16/6/2023, TAND TP.Hà Nội tiến hành tuyên án vụ Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) và các đơn vị liên quan.

Theo đó, tòa tuyên bị cáo Phạm Dũng- cựu Chủ tịch HĐTV Cienco 1 mức án 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Cùng tội danh, cựu Tổng Giám đốc Cienco 1 - Cấn Hồng Lai bị tuyên án 7 năm tù.

Các bị cáo Lê Văn Long - cựu Kế toán trưởng nhận 4 năm tù; Nguyễn Mạnh Tiến - cựu Trưởng phòng Kế hoạch thị trường 3 năm tù; Nguyễn Thị Bích Hạnh - cựu Phó phòng tài chính kế toán 3 năm tù.

Theo hồ sơ vụ án, quá trình cổ phần hóa Cienco 1, các bị cáo trong vụ án và một số người, đơn vị liên quan đã có sai phạm gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, nhóm bị cáo cho rằng có 184 tỷ đồng là khó đòi nên quyết định xóa dù đây là tài sản công. VKS cho rằng, khoản tiền 184 tỷ đồng nêu trên phải được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Khi cổ phần hóa, Cienco-1 còn "bỏ quên" giá trị quyền sử dụng 4 khu đất vào giá trị doanh nghiệp, bao gồm: 422m2 tại số 135 Nguyễn Văn Đậu, TP.HCM; 916m2 tại TP. Tân An, Long An; 16.706m2 tại Châu Thành, Tiền Giang và 852m2 tại TP.Pleiku, Gia Lai.

Trong khi pháp luật quy định, doanh nghiệp cổ phần hóa, UBND cấp tỉnh sẽ có ý kiến để làm căn cứ xác định giá trị đất. Nhưng nhóm cựu lãnh đạo Cienco-1 và các bị can thuộc Công ty A&C đã xác định 4 khu đất trên là "tài sản cố định vô hình" với tổng giá trị 12,6 tỷ đồng.

Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự tại 4 tỉnh thành nói trên xác định năm 2013, tổng giá trị 4 khu đất của Cienco-1 là hơn 67,4 tỷ đồng. Theo đó, các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 54,7 tỷ đồng. Cộng với khoản nợ 185 tỷ đồng không được hạch toán vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, cơ quan tố tụng xác định tổng thiệt hại trong vụ án là khoảng 240 tỷ đồng.

Tòa buộc Cienco 1 phải có trách nhiệm nộp lại 54 tỷ đồng cho nhà nước. Tòa án cũng tuyên hủy bỏ lệnh kê biên và hạn chế giao dịch đối với 4 khu đất trên sau khi công ty đã khắc phục 54 tỷ đồng.

Cổ phần hóa Cienco 1 và nhóm doanh nghiệp liên quan Đinh Ngọc Hệ

Lật lại hồ sơ cổ phần hoá Cienco 1, năm 2013, Bộ GTVT quyết định phê duyệt danh sách doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, trong đó có Cienco 1. Sau đó, ban Chỉ đạo cổ phần hóa Cienco1 được thành lập, do ông Phạm Dũng làm trưởng ban, ông Cấn Hồng Lai làm phó trưởng ban.

Tháng 6/2013, trước khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, ông Cấn Hồng Lai chủ trì cuộc họp để rà soát các khoản nợ khó đòi của 50 công ty đối với Cienco 1, tổng số tiền hơn 364 tỷ đồng.

Các khoản nợ của 50 công ty đều không đủ điều kiện để xếp vào dạng nợ không có khả năng thu hồi. Tuy nhiên, tất cả thành viên tham dự cuộc họp đều thống nhất sẽ đề xuất sử dụng nguồn dự phòng của Cienco 1 để xử lý một phần số nợ, với tổng trị giá gần 185 tỷ đồng.

Sau khi chuyển thành công ty cổ phần, Cienco 1 thu hồi được hơn 65 tỷ đồng tiền nợ của 6 công ty trước đây nhưng lại không bàn giao cho Nhà nước mà hạch toán vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tháng 3/2014, phiên IPO cổ phần Cienco1 đã diễn ra với hơn 16,18 triệu cổ phần được bán hết, tổng số tiền thu về là hơn 161 tỷ đồng.

Tháng 6/2014, Cienco-1 cổ phần hóa thành công với đăng ký kinh doanh mới thể hiện vốn điều lệ doanh nghiệp này là 700 tỷ đồng, trong đó có 35% của Nhà nước.

Đến cuối năm, 2014, Bộ GTVT có công văn phê duyệt phương án thoái vốn nhà nước tại Cienco 1, cho phép chuyển nhượng toàn bộ 24,5 triệu cổ phần theo hình thức bán thỏa thuận trực tiếp trọn lô. Giá khởi điểm là 10.023 đồng/cổ phiếu.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh lập tức có công văn chào mua công khai 12,6 triệu cổ phần, tương đương 18% vốn Cienco1. Trước đó doanh nghiệp này đã "gom" được 17,58% cổ phần Cienco1. Công ty Yên Khánh trở thành cổ đông lớn nhất của Cienco1 với tỷ lệ sở hữu 35,58%.

Quá trình sở hữu cổ phần tại Cienco1 của các cổ đông lớn liên tục có sự thay đổi: Từ Công ty TNHH Thiết bị xây dựng Hồng Hà, Công ty CP Máy xây dựng Hassyu, Công ty CP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm Fecon, Công ty CP Hạ tầng Fecon, đến Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS)... Duy chỉ có Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh thể hiện sự gắn bó trong một thời gian dài với Cienco 1.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán của Cienco 1, tính đến 31/12/2022, doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu 700 tỷ đồng với 4 cổ đông lớn là: CTCP An Hiền (24,6%); CTCP Đầu tư Cái Mép (16,8%); CTCP Thương mại Nước giải khát Khánh An (19,2%); Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh (28,6%). Như vậy, 4 cổ đông này đã nắm giữ khoảng 89,2% cổ phần Cienco1; 10,8% thuộc sở hữu của các cổ đông khác.

Cổ phần hóa các Cienco: Loạt cựu lãnh đạo Cienco 1 lãnh án và dấu ấn nhóm doanh nghiệp liên quan Đinh Ngọc Hệ- Ảnh 1.

Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2022 của Cienco 1

Đáng chú ý, cả 4 doanh nghiệp kể trên đều có mối liên hệ với ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc").

Đầu tiên phải kể đến Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh (Yên Khánh). Theo tìm hiểu của PV, Yên Khánh được thành lập năm 2005, một thời gian dài do bà Vũ Thị Hoan (SN 1985) - Chủ tịch HĐQT. Bà Hoan được biết đến là cháu ruột của ông Hệ.

Theo đăng ký thay đổi hồi tháng 3/2017, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 1.250 tỷ đồng, trong đó, bà Hoan là cổ đông lớn nhất nắm giữ 69,5% vốn, hai cổ đông còn lại là: Đinh Thị Hiên (30%) và Đinh Ngọc Liên (0,5%).

Còn CTCP An Hiền được thành lập năm 2006, do ông Đoàn Minh Toàn làm Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật. Ông Đoàn Minh Toàn (SN 1982) là chồng bà Vũ Thị Hoa (SN 1984) - chị gái của bà Vũ Thị Hoan.

Bà Vũ Thị Hoa từng có thời gian đứng tên tại Công ty CP Đầu tư Cái Mép- cổ đông nắm giữ 16,8% vốn tại Cienco 1 (tính đến cuối năm 2022).

Còn tại Công ty CP Thương mại Nước giải khát Khánh An, ông Đinh Ngọc Hùng từng là cổ đông sáng lập nắm 20% vốn điều lệ. Ông Hùng trước đây là Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đức Bình- đối tác quen thuộc của CTCP Đầu tư Phát triển Thái Sơn tại các dự án BT, BOT giao thông thời điểm ông Đinh Ngọc Hệ còn đương chức.

Ngoài là cổ đông tại Cienco 1, 4 doanh nghiệp liên quan đến ông Đinh Ngọc Hệ còn cùng Cienco1 liên doanh thực hiện các dự án giao thông lớn.

Đáng chú ý là Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì mới (cầu Hạc Trì) có tổng vốn đầu tư hơn 1.828 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án, Liên danh Cienco 1 - Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh - Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn thành lập Công ty CP BOT cầu Việt Trì với vốn điều lệ 265 tỷ đồng. Tỷ lệ góp vốn của các thành viên Liên danh nhà đầu tư lần lượt là: Cienco 1 20%, Yên Khánh 40% và Thái Sơn 40%.

Cienco 1 và Yên Khánh cũng hợp tác đầu tư xây dựng Dự án BOT cầu Cổ Chiên có tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng.

Quay trở lại với phần vốn góp tại Cienco 1 của nhóm doanh nghiệp liên quan đến Út "trọc", theo tìm hiểu của PV, ngày 4/8/2023, Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình (Hà Nội) đã có Quyết định số 06/QĐ-CCTHADS về việc kê biên tài sản thi hành án đối với hơn 17,2 triệu cổ phần của CTCP An Hiền tại Cienco 1.

Cùng ngày, Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình cũng ra Quyết định số 07/QĐ-CCTHADS về việc kê biên tài sản thi hành án đối với gần 11,8 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Cái Mép tại Cienco 1 để đảm bảo thi hành án.

Hơn 13,4 triệu cổ phần tại Cienco 1 của CTCP Thương mại Nước giải khát Khánh An cũng bị Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình kê biên theo Quyết định số 08/QĐ-CCTHADS ngày 4/8/2023.

Đến ngày 2/4/2024, số tài sản này của Khánh An tiếp tục bị Chi cục Thuế quận 1 (TP.HCM) ra Quyết định số 5541/CCTQ1-QLN kê biên tài sản thi hành án.

Tương tự, hơn 20 triệu cổ phần tại Cienco 1 của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh bị kê biên tài sản thi hành án theo Quyết định số 05/QĐ-CCTHADS ngày 4/8/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình và Quyết định số 5857/CCTQ1-QLN ngày 5/4/2024 của Đội Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế- Chi cục Thuế Quận 1.

Không chỉ có nhóm cổ đông Khánh An, Cái Mép, Yên Khánh và An Hiền, nhiều tài sản của Cienco 1 cũng bị kê biên.

Cụ thể, từ tháng 6/2023- tháng 12/2023, cổ phần cùng lợi tức phát sinh (nếu có) của Cienco 1 tại Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ; Công ty cổ phần cơ khí xây dựng 121 - Ciencol bị Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình và Cục Thi Hành Án Dân Sự TP.Hà Nội ra Quyết định kê biên tài sản thi hành án.

Tại Quyết định số 48/QĐ-CTHADS ngày 15/4/2024; Cục Thi Hành Án Dân Sự TP.Hà Nội sửa đổi bổ sung tài sản kê biên thi hành án từ hơn 10,2 triệu cổ phần (cùng lợi tức phát sinh) thành hơn 14,8 triệu cổ phần (cùng lợi tức phát sinh) của Cienco 1 tại Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Cienco 1 kinh doanh ra sao?

Cienco 1 bị kê biên nhiều tài sản trong bối cảnh doanh nghiệp này bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán của Cienco 1, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh từ gần 709 tỷ đồng về gần 421 tỷ đồng.

Giá vốn gần bằng doanh thu khiến doanh nghiệp báo lợi nhuận thuần vỏn vẹn gần 2 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm nhẹ từ 64,6 tỷ đồng về gần 60,2 tỷ đồng. Nhờ tiết giảm chi phí, tăng lãi từ công ty liên danh liên kết nên lợi nhuận thuần của Cienco 1 đạt gần 21,2 tỷ đồng, tăng 20,5% so với năm 2021.

Khấu trừ các khoản thuế phí, Cienco 1 lãi ròng năm 2022 ở mức gần 22,7 tỷ đồng; tăng 42,8%; trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ gần 24 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng cộng nguồn vốn của Cienco 1 ở mức hơn 3.017 tỷ đồng; giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Hàng tồn kho 507 tỷ đồng, với hơn 502,5 tỷ đồng là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

Nợ phải trả tại thời điểm cuối năm 2022 của Cienco 1 ở mức hơn 2.190 tỷ đồng; hầu hết là nợ ngắn hạn gần 2.185 tỷ đồng.

Tại Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với một số chỉ số trong báo cáo.

Cụ thể, phía kiểm toán cho biết không thể thực hiện được các thủ tục kiểm toán cần thiết đối với Báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 của các Công ty liên kết của Tổng Công ty. 

Tại thời điểm ngày 31/12/2022, đơn vị kiểm toán không tham gia chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho với số tiền 453,43 tỷ VND do được bổ nhiệm sau ngày này. Các thủ tục kiểm toán thay thế cũng không cho phép kiểm tra được tính hiện hữu của số dư khoản mục trên, cũng như xác định ảnh hưởng của chúng đến các chỉ tiêu liên quan trên Báo cáo tài chính hợp nhất.

Ngoài ra, phía kiểm toán cũng không thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp về số dư các khoản nợ phải thu của Tổng Công ty tại ngày 31/12/2022 là 312,5 tỷ đồng; nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 là 402,27 tỷ đồng.

Cũng theo đơn vị kiểm toán, trong năm 2022 và 2021, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Cienco 1 lần lượt âm 32,15 tỷ VND và âm 108,79 tỷ đồng, giá trị các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán tại ngày 31/12/2022 và tại ngày 31/12/2021 lần lượt là 86,62 tỷ VND và 99,19 tỷ VND.

Khả năng tiếp tục hoạt động của Tổng Công ty phụ thuộc vào khả năng thu hồi các khoản phải thu, gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các nhà cung cấp và hiệu quả hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Cienco 1.

Phía kiểm toán cũng lưu ý về việc, tại ngày 31/12/2022 và đến thời điểm phát hành Báo cáo này, Công ty chưa chi trả hết số cổ tức theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên các năm, số cổ tức này phải trả cho cổ đông trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp ĐHĐCĐ thường niên với số tiền 29,21 tỷ đồng là chưa phù hợp với quy định tại khoản 4, điều 135 Luật Doanh nghiệp 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020.

Bạch Hiền

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT