Cổ phiếu công nghệ, viễn thông đồng loạt lao dốc, nhóm doanh nghiệp "họ" Viettel đánh rơi gần 20.000 tỷ đồng vốn hóa trong 1 ngày

Đà giảm trên 5% xuất hiện tại nhiều cổ phiếu công nghệ, viễn thông trong phiên đầu tuần, có mã giảm sàn, thanh khoản gia tăng đáng kể cho thấy áp lực bán áp đảo.

Thị trường vừa có phiên giao dịch đầu tuần không quá khả quan, VN-Index đánh rơi gần 28 điểm, lao về sát vùng 1.250 cùng thanh khoản tăng mạnh thể hiện lực bán dồn dập. Các nhóm cổ phiếu công nghệ hay "họ" Viettel bùng nổ trong giai đoạn trước cũng đành ngậm ngùi quay đầu chỉnh sâu theo đà lao dốc của thị trường chung.

Với nhóm cổ phiếu "họ" Viettel, mã VTP của Viettel Post giảm kịch sàn 6,9% xuống 89.000 đồng/cp, vốn hóa của doanh nghiệp chuyển phát này tương ứng bay hơn 800 tỷ đồng chỉ trong một phiên. CTR của Viettel Construction cũng có thời điểm chạm giá sàn, trước khi thu hẹp đà giảm và đóng cửa giảm 5,7% xuống 151.000 đồng/cp.

Cùng nhóm còn có hai đại diện sàn UPCoM là VTK của Tư vấn và dịch vụ Viettel giảm gần 7% xuống 86.500 đồng/cp. Tương tự, VGI của Viettel Global giảm 5,4% xuống 104.000 đồng/cp, điều này khiến doanh nghiệp tỷ USD duy nhất trong họ Viettel mất gần 18.000 tỷ đồng vốn hóa, sụt xuống còn hơn 315.600 tỷ đồng.

Tính chung cả "họ" Viettel, đà giảm khiến tổng vốn hóa của cả nhóm mất gần 19.900 tỷ đồng.

Untitled.png

Cổ phiếu "họ" Viettel giảm sâu

Không riêng gì nhóm Viettel, cố phiếu công nghệ có đà tăng mạnh thời gian trước cũng quay đầu giảm sâu. Trong đó cỗ máy FPT giảm 2,9% xuống mức 132.100 đồng/cp cùng thanh khoản cao đột biến. Gần 13,2 triệu cổ phiếu được sang tay, giá trị gần 1.800 tỷ, cao thứ hai trong lịch sử. Vốn hóa giảm hơn 5.800 tỷ đồng.

Cổ phiếu CMG quay đầu cũng giảm 5,9% xuống còn 66.400 đồng/cp, có thời điểm giảm sàn 65.700 đồng trước khi lực cầu trở lại vào phiên ATC kéo thị giá phục hồi đôi chút. Tương tự, cổ phiếu ELC hay VNZ cũng chìm trong sắc đỏ khi đóng cửa. 

Cũng liên quan tới câu chuyện công nghệ và ngành bán dẫn còn có mã DGC của Hóa chất Đức Giang. Áp lực bán áp đảo đẩy thị giá giảm sâu 5,5% xuống 124.600 đồng/cp, thanh khoản gia tăng mạnh.

Untitled.png

Nhóm cổ phiếu công nghệ rơi mạnh

Việc cổ phiếu công nghệ hay "họ" Viettel ghi nhận đà giảm mạnh không quá bất ngờ trong bối cảnh các mã này vừa có quãng dậy sóng trước đó. Nhiều mã liên tiếp phá đỉnh mới, mức tăng hàng chục phần trăm kể từ đầu năm. Ngay cả phiên hôm nay khi thị giá quay đầu giảm sâu song thị giá các cổ phiếu này vẫn cao hơn đáng kể so với chân sóng.

Untitled.png

Untitled.png

Các cổ phiếu hầu hết đều tăng hàng chục phần trăm từ đầu năm 2024, thậm chí "tăng bằng lần"

Không chỉ vậy, thị trường đang trong quãng "trống thông tin", hầu hết nhà đầu tư đều đang nghe ngóng bức tranh kết quả kinh doanh quý 2 sau khi mùa báo cáo quý 1 cũng như thông tin từ đại hội thường niên đã khép lại và phản ánh phần lớn vào giá cổ phiếu.

Ngoài ra, cần nói rằng áp lực điều chỉnh mạnh lên là khó tránh khỏi trong bối cảnh tỷ giá "nóng" trở lại, diễn biến các thị trường khác trong khu vực cũng không mấy tích cực cộng thêm đà bán ròng không ngừng nghỉ của khối ngoại. Tính từ đầu năm 2024 tới nay, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên HoSE đã vượt 48.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chứng khoán DSC chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, kết quả kinh doanh quý 2 khả năng sẽ có những diễn biến tương tự với bức tranh quý 1 theo hướng tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng lợi nhuận theo sự phục hồi của nền kinh tế. Trong đó công nghệ thông tin, viễn thông đều được điểm tên là các nhóm ngành phục hồi theo chu kỳ kinh tế.

Ông Huy cho rằng nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ tỷ trọng nhất định, chờ chỉnh sâu hơn hoặc đợi thị trường rõ kịch bản rồi hành động. Hỗ trợ mạnh của thị trường hiện là vùng 1.240-1.250 điểm của VN-Index và các nhịp điều chỉnh về vùng này là cơ hội mua vào.

Chứng khoán Agriseco trong báo cáo gần đây cũng giữ quan điểm khả quan về triển vọng kết quả kinh doanh nhóm công nghệ, viễn thông. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành công nghệ thông tin được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu chi tiêu cho việc chuyển đổi số toàn cầu và trong nước dự báo tăng trên 15%. Xu hướng phát triển AI, Bigdata, Cloud tiếp tục dẫn dắt thị trường. DN kỳ vọng hưởng lợi trong khâu sản xuất, gia công, lắp ráp và thử nghiệm nếu Việt Nam thu hút các nhóm ngành công nghệ cao như: chip, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo trong dài hạn.

Đối với ngành viễn thông, Agriseco Research nhận định tăng trưởng về lợi nhuận tiếp tục khả quan nhờ đẩy mạnh phát triển 5G. Năm 2024-2025 được kỳ vọng là giai đoạn triển khai rộng khắp mạng 5G ở các tỉnh, thành. Chính phủ đã đẩy mạnh chính sách phát triển các trung tâm dữ liệu (data center), tạo cơ sở hạ tầng cho hoạt động viễn thông. Theo Tập đoàn Tư vấn - Nghiên cứu Gartner, việc phát triển data center giúp thúc đẩy 15% doanh thu hằng năm cho mảng viễn thông.

Bắc Kiên

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT