Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Cổ phiếu MSN làm được điều đặc biệt sau 15 tháng, vốn hóa Masan vượt 100.000 tỷ đồng

CafeLand

Đà tăng tốc của cổ phiếu MSN kéo vốn hóa tập đoàn tiêu dùng bán lẻ của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vượt mức 108.000 tỷ đồng, tương đương 4,3 tỷ USD.

Sau thời gian đi ngang tích lũy, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan bất ngờ bùng nổ và trở thành "đầu tàu" dẫn dắt đà tăng của VN-Index trong phiên 5/3. 

Cụ thể, sau 15 tháng giao dịch, cổ phiếu MSN mới tiếp tục ghi nhận một phiên tăng hết biên độ để lên mức 75.700 đồng/cp. Đây cũng là thị giá cao nhất của cổ phiếu này trong hơn 5 tháng qua, kể từ đầu tháng 10/2023.

Không chỉ bứt phá về mặt điểm số, dòng tiền cũng cuồn cuộn chảy vào cổ phiếu MSN. Thanh khoản khớp lệnh trong phiên 5/3 lên đến gần 13 triệu cổ phiếu, tăng gấp 3 lần so với bình quân và cũng là mức cao nhất trong lịch sử niêm yết của MSN.

Đà tăng tốc của cổ phiếu MSN kéo vốn hóa tập đoàn tiêu dùng bán lẻ của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vượt mức 108.000 tỷ đồng, tương đương 4,3 tỷ USD. Đây cũng là mức vốn hóa Masan nhiều lần "chạm hụt", bởi cứ mỗi lần gần tiến đến mốc 100.000 tỷ đồng giá cổ phiếu MSN lại gặp áp lực điều chỉnh.

LJ7VNvgG.png

Cổ phiếu MSN hồi phục giúp tài sản tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tăng đáng kể. Theo cập nhật từ bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Tạp chí Forbes tính tới ngày 24/2, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) đã trở lại bảng xếp hạng các tỷ phú USD với khối tài sản 1 tỷ USD.

Trong vài tháng gần đây, ông chủ Tập đoàn Masan đã liên tục biến mất rồi trở lại danh sách của Forbes do những biến động của cổ phiếu MSN. Gần nhất, vào ngày 16/1, ông bị xóa tên khi chỉ mới quay trở lại bảng xếp hạng tỷ phú 13 ngày.

Với lạm phát ổn định, nhà nước linh hoạt vận dụng các chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm tối ưu hóa tăng trưởng GDP, giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng trưởng kinh tế như hiện tại, nhiều kỳ vọng cho rằng doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ như Masan sẽ hưởng lợi đáng kể.

Năm 2023, MSN đạt doanh thu 78.252 tỷ đồng, tăng gần 3% so với năm 2022. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1.870 tỷ đồng, giảm hơn 60%. 

Sang năm 2024, Masan Group dự kiến doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 đến 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt từ 7% đến 15% so với cùng kỳ. Đặc biệt, doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận nằm trong khoảng 2.290 tỷ đồng và 4.020 tỷ đồng. Trong kịch bản tích cực, lợi nhuận Masan tăng trưởng mạnh gấp đôi so với mức 1.950 tỷ đồng của năm 2023.

BSC Research dự báo mảng tiêu dùng cốt lõi gồm Masan Consumer, WinCommerce đã dần tiến tới điểm hiệu quả khi tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) của lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) giai đoạn 2023-2025 đạt tới 20,8% so với giai đoạn 2021-2023 chỉ là 9%.

Đồng thời, kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng hồi phục và chi phí lãi vay suy giảm. Ngoài ra, Masan cũng đang có kế thoái thoái vốn các mảng kinh doanh không cốt lõi để tập trung hoạt động cốt lõi, cũng như có kế hoạch IPO The CrownX (đơn vị sở hữu Masan Consumer, VinCommerce) trong trung hạn. Việc thoái vốn ngoài ngành và kế hoạch IPO The CrownX sẽ là câu chuyện hỗ trợ lợi nhuận, cũng như giá cổ phiếu trong thời gian tới.

BVSC Research cũng cho rằng thời điểm khó khăn nhất về áp lực tài chính của Masan đã qua và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ hồi phục mạnh nhờ sự vững vàng của các mảng kinh doanh tiêu dùng và chi phí lãi giảm, sẽ tạo động lực tích cực cho giá cổ phiếu trong năm 2024. BVSC cũng nhấn mạnh cổ phiếu MSN, bên cạnh một số blue-chips khác, có thể sẽ thu hút dòng tiền trong câu chuyện nâng hạng sắp tới của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mai Chi

Mai Chi