Cổ phiếu ngân hàng bứt tốc: Nhiều mã tiệm cận thậm chí vượt đỉnh, thanh khoản liên tục ở mức cao

Tính chung từ đầu tháng 1, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng trên 10%. Trong đó, nhiều mã đã vượt đỉnh hoặc tiệm cận đỉnh lịch sử như BID, ACB, VCB và HDB.

Cổ phiếu ngân hàng bứt tốc: Nhiều mã tiệm cận thậm chí vượt đỉnh, thanh khoản liên tục ở mức cao - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm thị trường trong phiên giao dịch 10/1 và tiếp tục đảm nhận tốt vai trò dẫn dắt giúp VN-Index giữ được sắc xanh. Theo đó, trong 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số Vn-Index phiên hôm nay thì có tới 9 mã đến từ nhóm ngân hàng; riêng  5 mã đứng đầu là VCB, BID, CTG, VPB và TPB kéo chỉ số chính tăng 6,8 điểm.

Đóng cửa, toàn ngành ngân hàng ghi nhận 20/27 mã tăng giá, 6 mã giảm và 1 mã đứng giá tham chiếu.

Trong đó, TPB của TPBank dẫn đầu nhóm VN30 khi bật tăng hơn 4,2% lên mức 18.500 đồng/cp đi cùng thanh khoản hơn 24,2 triệu đơn vị - chỉ đứng sau phiên kỷ lục 4/1/2024 trước đó vài hôm.

CTG của VietinBank cũng bước sang phiên tăng giá thứ 7 liên tiếp với thanh khoản duy trì ở mức cao (hơn 13,9 triệu cp). Tính từ đầu tháng 1 đến nay, cổ phiếu của VietinBank đã tăng hơn 14% và là một trong những mã tăng mạnh nhất trong nhóm VN30.

Sau khi vượt đỉnh lịch sử vào tuần trước, cổ phiếu BID tiếp tục bứt phá và xác lập mức cao mới tại 47.400 đồng/cp. Cổ phiếu này đã nổi sóng từ đầu tháng 11 năm ngoái. Sau khoảng hơn 2 tháng leo dốc, thị giá BID đã tăng 33%. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm hơn 65.000 tỷ lên mức 270.000 tỷ đồng (11 tỷ USD).

Sau 7 phiên tăng không ngừng nghỉ, "ông lớn" VCB hôm nay kết phiên ở mức 89.500 đồng/cp, chỉ còn thấp hơn 4% so với đỉnh lịch sử 93.400 đồng/cp ghi nhận vào cuối tháng 7/2023. Đóng cửa ngày 10/1, vốn hóa của Vietcombank đạt hơn 500.000 tỷ, vững vàng vị trí doanh nghiệp giá trị nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tại SHB, dù hạ nhiệt trong phiên chiều nhưng lực cầu áp đảo vẫn giúp cổ phiếu kết phiên ở mức 12.000 đồng với khối lượng giao dịch đạt hơn 94 triệu đơn vị - mức thanh khoản cao nhất kể từ khi niêm yết.

Ngoài những cái tên nêu trên, nhiều cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn khác cũng diễn biến tích cực với khối lượng giao dịch ở mức cao như EIB (+2,4%), VPB (+2,4%), ACB (+1%), STB (+0,9%).

Tính chung từ đầu tháng 1, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng trên 10%. Trong đó, nhiều mã đã vượt đỉnh hoặc tiệm cận đỉnh lịch sử như BID, ACB, VCB và HDB.

Cổ phiếu ngân hàng diễn biến sôi động kể từ giữa tháng 12 sau một loạt thông tin tích cực về tăng trưởng tín dụng cũng như các chính sách hỗ trợ.

Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 12/2023 đạt 13,71% so với cuối năm 2022. Trước đó, tính đến ngày 30/11 tăng trưởng tín dụng mới đạt 9,15%.

Như vậy, chỉ trong tháng 12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 4,56% (tương đương 544.000 tỷ đồng), chiếm 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023. Đây là mức tăng tín dụng tháng 12 cao nhất trong hơn 1 thập kỷ qua và là mức cao nhất lịch sử nếu xét về quy mô.

Đầu năm 2024, NHNN cũng đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024. Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Cơ chế giao toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2024 có sự khác biệt với các năm trước - vốn được NHNN chia thành nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị rồi xem xét nới room.

Nói về sự thay đổi này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, cách cấp hạn mức tín dụng mới là một bước thay đổi cơ chế tổ chức điều hành. Đây cũng mang thông điệp đối với các ngân hàng là vốn đưa vào nền kinh tế trong năm nay phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có trách nhiệm hơn.

Về chính sách, NHNN cũng vừa ban hành Thông tư 22/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ 01/07/2024.

Thông tư này được đánh giá là ảnh hưởng tích cực tới nhiều ngân hàng khi hỗ trợ khả năng tăng trưởng tín dụng.

NHNN cũng đang xem xét việc gia hạn thời gian triển khai TT02 trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi, doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ từ chính phủ. Việc kéo dài thời hạn hiệu lực của thông tư giúp cho quá trình trích lập và xử lý nợ xấu của các ngân hàng diễn ra từ từ, không ảnh hưởng đến nền tảng tài chính. Từ đó, áp lực suy giảm chất lượng tài sản được giảm bớt trong nửa cuối năm 2024 và 2025.

Giới phân tích cho rằng, về dài hạn, cổ phiếu ngân hàng vẫn có nhiều điểm sáng, như chất lượng tài sản có thể cải thiện, tín dụng có thể tăng trưởng tốt hơn, NIM cao hơn. Tuy nhiên trong ngắn hạn, ngành ngân hàng vẫn chịu nhiều áp lực do các vấn đền liên quan đến nợ xấu và trái phiếu doanh nghiệp. Hơn nữa, dù lãi suất huy động của các ngân hàng vừa bước vào một đợt giảm mới, song NIM chưa chắc giảm tương ứng, vì lượng vốn huy động giá cao tồn kho vẫn còn, trong khi các ngân hàng cũng đang chịu áp lực giảm lãi suất cho vay lớn.


Mạnh Đức

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT